Phải làm gì khi phát hiện trẻ 'tắt mắt'? Tìm hiểu động cơ

GD&TĐ - Đòn roi, răn đe, la mắng để giúp con loại trừ hành vi xấu không thể giúp ích cho trẻ mà ngược lại, có thể gây ra những tác dụng tiêu cực.

Nhiều cha mẹ thường mắng, đánh khi phát hiện trẻ ăn trộm. Ảnh minh họa: INT
Nhiều cha mẹ thường mắng, đánh khi phát hiện trẻ ăn trộm. Ảnh minh họa: INT

Vì vậy, cha mẹ cần có phương pháp khoa học và tâm lý hơn để giáo dục khi phát hiện trẻ hay “tắt mắt”.

Khi phát hiện con trộm tiền hay đồ vật, nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy xấu hổ và nổi giận, chửi bới, thậm chí dùng đòn roi để răn đe, đánh mắng trẻ. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả.

Điều chỉnh kịp thời

Không ít cha mẹ khi thấy con mình có hành vi ăn cắp vặt đã không khỏi bất ngờ vì cuộc sống của trẻ rất đầy đủ. Bản thân cha mẹ cũng không để con thiếu thốn thứ gì. Vậy tại sao con vẫn có thói quen ăn cắp vặt? Hành vi ăn cắp vặt được bắt nguồn, nảy sinh từ bản tính tham lam, không kiềm chế, kiểm soát được bản thân. Nhiều trẻ nhìn thấy bạn bè xung quanh có một bộ đồ chơi mới, vật dụng gì mà con không có. Với sự ham thích, tò mò, trẻ cũng muốn có được thứ đó. Nếu hỏi và không được bạn cho mượn chơi chung, trẻ có thể sẽ nảy sinh việc suy nghĩ lấy món đồ đó để thỏa mãn nhu cầu bản thân.

Một số cha mẹ cảm thấy xấu hổ vì con thường xuyên ăn cắp vặt đồ của bạn bè, người quen. Hỏi ra con chỉ nói đơn giản vì bản thân không có hoặc thích món đồ đó. Trẻ thậm chí không nhận thức được đó là một việc làm tai hại và để lại hậu quả xấu cho bản thân, những người xung quanh mình. Trẻ nhỏ thường sống bản năng hơn người lớn, nên nhiều khi yêu thích một thứ gì đó là lập tức muốn có được.

Theo các chuyên gia, nếu cha mẹ biết sớm, uốn nắn, điều chỉnh kịp thời sẽ chấm dứt hành vi xấu, giúp con phát triển đúng hướng. Ngược lại, nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời, giúp con sửa chữa lỗi lầm thì việc “tắt mắt” sẽ trở thành một thói quen, ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển tính cách, nhân cách sau này.

Chị Nguyễn Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị làm ăn buôn bán lớn, công việc “ngập đầu ngập cổ” nên không có nhiều thời gian quan tâm đến con. Trong gia đình, chẳng có ai ngoài đứa con trai duy nhất mà vợ chồng luôn tin tưởng. Do đó, gia đình chị thường cất tiền ở nơi dễ tìm. “Vợ chồng tôi cứ tiện tay chỗ nào là bỏ tiền đó, có khi tiền lẻ cũng có khi là tiền trăm. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy có lẽ vì thế mà cháu sinh tật lấy trộm tiền”, nữ phụ huynh kể.

Hai vợ chồng chị Thu từng ngỡ ngàng khi vô tình phát hiện con giấu nhiều tiền trong cặp sách. Sau thời gian âm thầm quan sát, chị thấy con trai thường lấy trộm tiền mang đến trường rủ nhóm bạn ăn sáng, mua đồ chơi…. “Vợ chồng tôi rất lo, nếu cứ tình trạng này thì cháu sẽ hư mất. Thực sự bây giờ tôi rất sốc, không biết giải quyết chuyện này thế nào nữa”, chị Thu chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) thì lo lắng vì con thường xuyên nói dối cha mẹ hết việc này đến việc khác, từ tiền bạc, bạn bè, mua đồ, cho đến việc học, đi chơi. “Tôi đã dùng hết biện pháp từ mắng đến khuyên bảo nhẹ nhàng mà con vẫn chứng nào tật nấy. Biết là những chuyện nói dối của con không phải việc tày trời nhưng tôi lo lắng chuyện này cứ lặp lại thì cháu sẽ hình thành thói quen xấu khi lớn lên”.

Phụ huynh cần tìm cách giáo dục và dạy dỗ phù hợp tuỳ độ tuổi của con. Ảnh minh họa: INT

Phụ huynh cần tìm cách giáo dục và dạy dỗ phù hợp tuỳ độ tuổi của con. Ảnh minh họa: INT

Thực tế, khi phát hiện tật xấu của con, đa phần cha mẹ đều cảm thấy sốc, thất vọng và lo lắng cho sự phát triển nhân cách của trẻ về sau. Phản ứng chung của người lớn thường là nói chuyện, nhắc nhở, khuyên răn mà trẻ không nghe thì chửi mắng, phạt và đánh. Rất ít phụ huynh bình tĩnh tìm hiểu xem động cơ nào dẫn đến việc trẻ có những thói quen xấu đó.

Theo các nhà nghiên cứu về tâm lý, trẻ ở tuổi dậy thì cùng với sự thay đổi và phát triển đột ngột về mặt tâm sinh lý thì thường xuất hiện một số tật xấu điển hình như nói dối, ăn trộm vặt. Mức độ phạm phải nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng môi trường trẻ sống.

Một số nghiên cứu giải thích rằng, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm lý muốn trở thành người lớn, được thừa nhận, được tôn trọng. Trẻ cũng muốn khẳng định mình và được tự do làm những gì bản thân thích. Từ đó, trẻ nghĩ ra những “chiêu trò” hòng thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Chẳng hạn như, nói dối cha mẹ là đi học để trốn đi chơi với nhóm bạn, lấy trộm tiền của phụ huynh để đi chơi, mua đồ,… Đây là nhu cầu muốn khẳng định mình và được thừa nhận.

Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác tác động làm nảy sinh những tật xấu của trẻ như trẻ sống trong môi trường người lớn hay nói dối, ăn cắp, gia đình quản lý tiền lỏng lẻo…

Ngoài việc dạy trẻ giá trị của đồng tiền, cha mẹ cũng có thể chỉ con một số cách kiếm tiền phù hợp với độ tuổi. Ảnh minh họa: INT

Ngoài việc dạy trẻ giá trị của đồng tiền, cha mẹ cũng có thể chỉ con một số cách kiếm tiền phù hợp với độ tuổi. Ảnh minh họa: INT

Nghiêm khắc khi phát hiện trẻ ăn trộm

Theo ông Lê Đặng Minh Nhật – nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, CEO Công Ty CP Tiềm Năng Vô Hạn UPO, đôi khi, những đòn roi, răn đe, la mắng để giúp con loại trừ hành vi xấu không thể giúp ích cho trẻ mà còn có thể đem lại những tác dụng tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ cần có những phương pháp khoa học và tâm lý hơn để giáo dục trẻ.

Theo chuyên gia này, phụ huynh hãy tỏ ra nghiêm khắc, nhưng không dùng đòn roi. Thực tế, khi phát hiện con trộm tiền, nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy xấu hổ và nổi giận, chửi bới, thậm chí đánh mắng trẻ. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả, mà còn làm con cảm thấy căm phẫn, ám ảnh tâm lý và đôi khi là đưa ra những hành vi “trả thù” bằng cách tiếp tục tái phạm. Trẻ thường có ý thức tốt hơn khi nhận được sự tin tưởng của cha mẹ và cố gắng làm đúng với sự tin tưởng đó.

Vì vậy, phụ huynh cần bình tĩnh và yêu cầu con xin lỗi, hoàn trả số tiền, món đồ mà trẻ đã lấy cắp. Như vậy, trẻ sẽ biết được lỗi lầm của mình và không tái phạm. Đồng thời, phụ huynh không nên quát lớn hoặc sử dụng những từ ngữ cực đoan, thô tục để nói với con. Điều này có thể khiến trẻ bị ám ảnh tâm lý về sau.

“Cha mẹ có thể đưa ra những hình phạt mang tính răn đe nhưng không ảnh hưởng đến thể chất của trẻ. Ví dụ, hãy phạt con bằng cách tước quyền xem tivi, chơi trò chơi, tự suy ngẫm về hành vi của mình, hoặc rửa bát một tuần,… Điều này đủ giúp con ghi nhớ việc làm của mình và không tái phạm, thay vì tạo ám ảnh tâm lý lớn cho trẻ bằng những đòn roi và từ ngữ”, chuyên gia gợi ý.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần thẳng thắn chỉ cho con rằng, hành vi ăn trộm vặt là xấu và sẽ để lại hậu quả. Bởi, nhiều phụ huynh không nói trực tiếp về vấn đề trẻ ăn trộm mà thay vào đó là ám chỉ, nói bóng gió để con tự thừa nhận. Tuy nhiên, việc nói bóng gió để ám chỉ con ăn trộm không phù hợp với những đứa trẻ lớn mà chỉ phù hợp với bé ở độ tuổi mầm non. Bởi, sự phát triển nhận thức của trẻ mầm non chưa thể phân biệt rõ được vấn đề về sự sở hữu cũng như hành vi ăn trộm của mình và sẽ có xu hướng thú nhận dễ dàng hơn. Vì vậy, tùy theo độ tuổi của con, phụ huynh cần tìm cách giáo dục và dạy dỗ phù hợp.

Cha mẹ cần cho trẻ biết một số hậu quả khi con trộm đồ của người khác. Từ đó, để con ý thức được hành động tiêu cực này. Đồng thời, trẻ có thể biết được điều gì sẽ xảy ra nếu vẫn tiếp tục hành động tiêu cực. Hãy cho trẻ nhận biết hậu quả theo 2 khía cạnh, tác động đối với trẻ và với người khác. Như vậy, trẻ sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ huynh cũng cần lắng nghe lý do cho hành động của con. Việc tức giận, có những hành động bạo lực, la mắng để răn đe trẻ có thể chỉ đem lại hiệu quả tức thời. Cha mẹ cần biết được lý do trẻ có những hành vi tiêu cực này để tìm ra phương pháp giáo dục con phù hợp. Đối với bé ở độ tuổi mầm non, thông thường trẻ sẽ bị các bạn khiêu khích bởi những món đồ chơi hoặc đồ ăn vặt, bánh kẹo. Khi đó, trẻ sẽ hình thành suy nghĩ trộm tiền của cha mẹ để đi mua. Còn đối với một số trẻ lớn hơn, việc ăn cắp vặt có thể xảy ra do con cần tiền để mua những món đồ, đi chơi, chơi game,…

Khi phát hiện con ăn trộm tiền, cha mẹ cần lắng nghe, nói chuyện với trẻ một cách nghiêm túc và cứng rắn để răn đe việc làm sai trái. Song, cũng cần mềm mỏng để tìm ra nguyên nhân trộm tiền của con. Đặc biệt, không ám chỉ khi không có bằng chứng con ăn trộm tiền. Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của con nhiều hơn để có thể đáp ứng một cách khéo léo, tránh trường hợp trẻ làm liều trộm tiền. Thay vì cấm đoán, phụ huynh hãy đáp ứng một số nhu cầu nhất định của con ở khả năng cho phép. Đồng thời, dạy trẻ cách chi tiêu, biết được cái nào nên và không nên mua, cũng như hiểu được giá trị đồng tiền.

“Ngoài việc dạy trẻ giá trị của đồng tiền, cha mẹ cũng có thể chỉ trẻ một số cách kiếm tiền phù hợp với độ tuổi. Khi trẻ biết kiếm tiền, con sẽ biết quý trọng số tiền mình làm ra và chi tiêu chúng một cách hợp lý. Đây cũng là cách dạy trẻ kỹ năng sống, tư duy tích cực hơn, tự chủ hơn về những nhu cầu và vấn đề của bản thân”, chuyên gia Minh Nhật cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ