Tuổi 17 làm nên kỳ tích trong làng bóng bàn Việt

GD&TĐ - Những ngày cuối năm 2021, bên cạnh sức nóng của AFF Cup 2020, làng bóng bàn Việt Nam bất ngờ nổi sóng khi tay vợt ở vào độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” Trần Mai Ngọc bước lên ngôi vô địch quốc gia đầy ấn tượng.

Nữ vận động viên sinh năm 2004 đã tạo nên kỳ tích tại giải bóng bàn toàn quốc 2019.
Nữ vận động viên sinh năm 2004 đã tạo nên kỳ tích tại giải bóng bàn toàn quốc 2019.

Cột mốc lịch sử

Trận chung kết đơn nữ, giải vô địch bóng bàn quốc gia 2021 là cuộc đụng độ giữa Trần Mai Ngọc và Nguyễn Thùy Kiều My, cả hai đều rất trẻ và có lối thi đấu rất ấn tượng tại giải năm nay.

Để đi đến trận tranh chức vô địch của giải bóng bàn danh giá nhất Việt Nam, Mai Ngọc đã giành chiến thắng chấn động trước cây vợt 11 lần vô địch quốc gia là Mai Hoàng Mỹ Trang tại tứ kết và sau đó loại luôn tay vợt kỳ cựu Tường Giang ở bán kết.

Trong khi đó, Kiều My cũng tạo “địa chấn” khi đánh bại cây vợt nữ hàng đầu của đội tuyển bóng bàn Việt Nam là Nguyễn Thị Nga cũng tại vòng tứ kết.

Bước vào trận chung kết, Mai Ngọc tỏ ra thoải mái hơn về tâm lý, đồng thời được sự chỉ đạo kịp thời từ huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường. Cô đã vượt qua áp lực của tuổi trẻ trong trận đấu lớn để thể hiện đúng sở trường với những quả giật sấm sét và bền bỉ, lối đánh đó khiến cho đối thủ Kiều My không thể xoay chuyển được thế trận.

Kết quả cuối cùng, Mai Ngọc đã giành chiến thắng 4-0 và lên ngôi vô địch quốc gia khi cô mới 17 tuổi.

Thời gian qua, nhiều người lo ngại Mai Ngọc vốn sớm giành nhiều thành tích ở các giải trẻ có thể khiến “ngọc thô” của thể thao Việt Nam chủ quan, song chức vô địch quốc gia 2021 đã nói lên sự trưởng thành, nỗ lực và ý chí phấn đấu không ngừng của tay vợt trẻ quê Bình Dương.

Trưởng bộ môn Bóng bàn Tổng cục Thể dục thể thao, ông Phan Anh Tuấn cho biết: Sau thời gian dài gián đoạn vì Covid-19, Mai Ngọc đã tiến bộ rất nhiều, cả về thể chất lẫn kỹ chiến thuật. Đặc biệt, em đã mạnh dạn với lối đánh thiên về tấn công để giành chiến thắng.

Ở Việt Nam, nếu rụt rè thì không thể vượt qua những tay vợt kỳ cựu như Tường Giang hay Mỹ Trang. Mai Ngọc đánh phải tốt nhưng cú trái cần phải cải thiện thêm. Nhưng ưu điểm lớn nhất của Mai Ngọc chính là bộ chân rất thanh thoát giúp em di chuyển nhanh nhẹn như các tay vợt Trung Quốc.

Mai Ngọc sẽ sớm được ngành Thể thao đầu tư trọng điểm.

Mai Ngọc sẽ sớm được ngành Thể thao đầu tư trọng điểm.

Quyết định táo bạo

9 năm trước Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội đón nhận 2 chị em sinh đôi xinh xắn, dễ thương, đó là Trần Mai Ngọc và em gái Trần Ngọc Ngà đến từ thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương). 2 chị em sinh năm 2004, mất bố từ khi 2 tuổi. Mẹ làm công nhân may nên gia cảnh vô cùng khó khăn. Hàng ngày, ngoài đi học văn hóa, Ngọc và Ngà được mẹ cho đi học bóng bàn nhưng chủ yếu nhặt bóng cho các anh chị lớn.

Rất tình cờ, huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường của câu lạc bộ bóng bàn Hà Nội T&T phát hiện ra 2 em khi các em đang làm nhiệm vụ nhặt bóng tại một giải đấu bóng bàn ở Bình Dương, khi đó Ngọc - Ngà mới bước sang tuổi thứ 8.

Theo chia sẻ của cựu danh thủ Vũ Mạnh Cường, ông nhận 2 chị em chủ yếu xuất phát từ tình thương và chính sách từ thiện của đơn vị chủ quản. Điều đó đã khiến cho cuộc sống của Ngọc và Ngà bước sang một trang mới. Tại đây, các em được chu cấp toàn bộ cho việc ăn ở, tập luyện và học tập, ngoài ra hàng tháng được nhận thêm khoản tiền hỗ trợ từ phía câu lạc bộ.

Theo chia sẻ của huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường, Ngọc và Ngà mất bố từ nhỏ, lên 8 tuổi đã phải xa mẹ đến mảnh đất xa xôi và nhiều thứ mới lạ như Hà Nội đã trở thành những thử thách cho chính các huấn luyện viên, nhân viên của câu lạc bộ bóng bàn T&T.

Các thầy đã phải dùng đủ mọi cách động viên, dỗ dành cặp học trò sinh đôi luôn khóc “hết nước mắt” mỗi khi nhớ nhà. Hàng năm, Ngọc và Ngà được về Bình Dương một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Các thầy đưa học trò ra sân bay còn phải làm việc với nhân viên hàng không để họ hỗ trợ đưa 2 chị em lên máy bay và trao tận tay cho người thân gia đình 2 em.

Năm nào cũng vậy, sau khi được nghỉ Tết 2-3 tuần, Ngọc - Ngà vẫn luôn muốn ở gần mẹ, không muốn ra Hà Nội. Thậm chí, nhiều lần Ngọc - Ngà chán nản đang tập đòi bỏ về nhà khiến cho các thầy phải dùng đủ mọi cách, từ “quân sự” như dọa nạt, hay “chính trị”, mời cả mẹ 2 em ra để đả thông tư tưởng.

Những ngày tháng khó khăn cũng qua đi. Ngọc và Ngà sau giai đoạn “thất thường” của tuổi mới lớn đã chuyên tâm tập luyện. Cùng với tố chất bẩm sinh, và đặc biệt là tâm huyết của các thầy của câu lạc bộ bóng bàn T&T đã mang đến 2 gương mặt đầy triển vọng cho bóng bàn Việt Nam.

Mai Ngọc (phải) và Ngọc Ngà tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội. Ảnh: INT.

Mai Ngọc (phải) và Ngọc Ngà tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội. Ảnh: INT.

Năm 2014, tại giải học sinh thành phố Hà Nội cả 2 đều vào đến trận chung kết và cô em Ngọc Ngà đã giành được chức vô địch đầu tiên trong đời. Một năm sau, tại giải vô địch bóng bàn Trẻ, Thiếu niên, Nhi đồng Toàn Quốc lần thứ 49 tại thành phố Hải Dương, Mai Ngọc và Ngọc Ngà đã đưa đội nhi đồng nữ Hà Nội T&T vào tới trận chung kết nhưng thua đáng tiếc TPHCM 2-3 trong một trận đấu nghẹt thở. Nhưng ở nội dung đơn nữ, khi Ngọc Ngà bị loại ở vòng 32 thì cô chị Mai Ngọc đã xuất sắc vượt qua hàng loạt tay vợt mạnh để giành chức vô địch.

Trong 2 chị em, Mai Ngọc tiến bộ không ngừng và gây tiếng vang tại giải bóng bàn toàn quốc 2019, diễn ra ở Nha Trang (Khánh Hòa). Mặc dù, huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường đặt ra mục tiêu phấn đấu lọt vào top 4 đơn nữ nhưng Mai Ngọc đã giành Huy chương Bạc khi chỉ chịu thua đàn chị Mai Hoàng Mỹ Trang (TPHCM) trong trận chung kết. Không chỉ vậy, Ngọc và các đồng đội còn giành thêm 2 Huy chương Bạc ở nội dung đồng đội nữ và đôi nữ.

Điều đáng nể, tất cả các trận thắng của Ngọc, kể cả trước các đối thủ được đánh giá cao hơn nhiều, tưởng như bất ngờ nhưng thực tế đều rất thuyết phục và xứng đáng, mà ở đó tay vợt trẻ măng luôn thể hiện được ý đồ chiến thuật, lối chơi biến hóa cùng bản lĩnh thi đấu hiếm có.

Ngay cả trận chung kết trước đối thủ quá lớn Mai Hoàng Mỹ Trang, tuy không thể làm nên đột biến, tay vợt trẻ măng vẫn cho thấy tinh thần chiến đấu, cùng những pha tấn công ghi điểm, trả bóng phản công chất lượng. Thành tích ấn tượng ấy trở thành đường băng đưa tay vợt 15 tuổi khoác áo đội tuyển quốc gia, có tên trong đội hình tranh tài tại SEA Games 2019.

Mai Ngọc thi đấu không thật sự thành công tại giải bóng bàn toàn quốc 2020. Ở nội dung đồng đội nữ, cô gái sinh năm 2004 và các đồng đội chỉ giành Huy chương Đồng; Ở nội dung đôi nữ, Mai Ngọc và Thu Hương dừng bước vòng 1/16; Nội dung đơn nữ, Mai Ngọc thua ở tứ kết, và đôi nam nữ, Mai Ngọc và đồng đội Đinh Anh Hoàng bị loại sớm. Tuy nhiên, kết quả này không đồng nghĩa với thất bại, đặc biệt với nữ vận động viên mới bước sang tuổi 16. Điều đó được minh chứng bằng chức vô địch đơn nữ năm 2021 ở tuổi 17 của Mai Ngọc. 

Trần Mai Ngọc và chức vô địch quốc gia 2021 ở tuổi 17.

Trần Mai Ngọc và chức vô địch quốc gia 2021 ở tuổi 17. 

Tre già măng mọc

Trong lịch sử tham dự SEA Games, chưa bao giờ bóng bàn Việt Nam giành Huy chương Vàng ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Vì thế, SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam, được hoãn đến tháng 5/2022 được xem là cơ hội thuận lợi để các tay vợt Việt Nam có thể đạt đến cột mốc này.

Thành tích của bóng bàn Việt Nam trong hai kỳ SEA Games gần đây thực sự là hành trình vượt khó ngoạn mục. Như ở SEA Games 2017, dù không được đánh giá cao nhưng cuối cùng đội nam Việt Nam lại lên ngôi vô địch đồng đội, thành tích đầu tiên trong lịch sử của bóng bàn Việt Nam.

Đến kỳ SEA Games 30, đội tuyển bóng bàn Việt Nam bước vào Đại hội với rất nhiều khó khăn, như nội dung đồng đội bị loại khỏi chương trình thi đấu, hay chuyên gia người Trung Quốc Dư Chí Quốc đến với đội trong thời gian ngắn. Nhưng điều ít được ngờ tới lại thành sự thực. Bộ đôi Nguyễn Anh Tú-Đoàn Bá Tuấn Anh giành Huy chương Vàng nội dung đôi nam.

Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT, ông Phan Anh Tuấn cho biết, sau giải bóng bàn toàn quốc 2021, bộ môn sẽ họp với các bên có liên quan để tìm phương án đầu tư cho Mai Ngọc với với những giải pháp đặc biệt về thầy ngoại, tập huấn thi đấu cọ xát quốc tế.

Sau những gì đã thể hiện, Mai Ngọc chính là một trong những niềm hy vọng huy chương của bóng bàn Việt Nam tại kỳ SEA Games được tổ chức trên sân nhà. Ngoài ra, đội tuyển bóng bàn Việt Nam cũng đang gấp rút xây dựng lực lượng, lên kế hoạch tập huấn để hướng đến mục tiêu giành 2 Huy chương Vàng SEA Games 31.

Và như một chuyên gia bóng bàn nhận xét thì nếu tiếp tục được bồi dưỡng hợp lý, Mai Ngọc sẽ trở thành ngọn cờ đầu của thế hệ mới sau kỷ nguyên Mai Hoàng Mỹ Trang, tay vợt nữ số 1 Việt Nam đã thông báo quyết định chia tay đội tuyển quốc gia. Nữ vận động viên 17 tuổi đang hội đủ mọi yếu tố để bay cao, vươn xa như sức trẻ, kỹ thuật công và thủ căn bản đều chắc, tâm lý thi đấu ổn định.

Mai Ngọc trở thành vận động viên trẻ tuổi thứ hai trong lịch sử Giải vô địch bóng bàn quốc gia trong suốt 39 mùa giải (Mai Ngọc sinh ngày 17/11/2004) chỉ kém duy nhất Nhan Vị Quân (sinh năm 1973 lần đầu vô địch cá nhân nữ năm 1988 khi mới 15 tuổi), và vượt qua thành tích của chính đàn chị Mai Hoàng Mỹ Trang (vô địch khi 18 tuổi).
Chiến thắng của Mai Ngọc càng thêm giá trị khi tay vợt trẻ này còn vượt qua cả chuyên gia phòng thủ bền bỉ Phan Hoàng Tường Giang (Công an nhân dân) ở bán kết với tỷ số thuyết phục 4-2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.