Tùng Dương khoe “vũ đạo” và diễn xuất

GD&TĐ - Sắp tới đây, khán giả Thủ đô sẽ được thưởng thức một vở nhạc kịch operetta, lần tiên dàn dựng theo phong cách nghệ thuật mới lạ. Đây cũng sẽ là cơ hội để Tùng Dương "bung xõa" khả năng ca hát cũng như kỹ năng múa của mình.

Tác phẩm "Chuyện của dòng sông đỏ" sẽ được biểu diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội vào ngày 22, 23/7.
Tác phẩm "Chuyện của dòng sông đỏ" sẽ được biểu diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội vào ngày 22, 23/7.

Họa sĩ Hoàng Hà Tùng - tác giả kịch bản, đồng thời cũng là tổng đạo diễn - cho biết "Chuyện của dòng sông đỏ" thuộc thể loại operette - dòng kịch hát pha trộn, có người dẫn chuyện. Tác phẩm có sự hòa quyện giữa chèo, nhạc pop, múa đương đại và kịch nói. Trong vở nhạc kịch mới lạ này, Tấn Minh trong vai vua, ca sỹ Minh Thu trong vai hoàng hậu, ca sỹ Khánh Linh trong vai phi tần, và ca sỹ Tùng Dương trong vai hoàng tử út.

Vở diễn lấy bối cảnh con thuyền trên một dòng sông đỏ gồm ba màn, sáu cảnh. Trong lúc trời quang mây tạnh, mọi người bàn về việc chống bão. Vua, hoàng hậu, các phi tần, thái tử, hoàng tử cùng băn khoăn về những câu hỏi đậm tính triết lý: "Có phải dòng sông bao giờ cũng bình yên? Có phải trời bao giờ cũng mãi xanh? Có phải người bao giờ cũng mãi vui?".

Được biết, chi phí dàn dựng "Chuyện của dòng sông đỏ" lên đến 4 tỷ đồng. NSND Nguyễn Công Nhạ là người phụ trách phần múa. Theo tiết lộ của ê-kíp thực hiện, "Chuyện của dòng sông đỏ"" dài khoảng 145 phút, với kết cấu khoảng 10 bài hát và 3 điệu múa. Trong đó múa gồm: Diên Hồng, Trăng trong vườn chuối, Vó ngựa đường xa. 10 bài hát gồm: Mắt tằm, Con lắc của nhạc sĩ Trọng Đài, Dòng sông sắc đỏ, Bến có còn sông của nhạc sĩ Nguyễn Cường, Tình xưa của Lưu Hà An, Con sông tình yêu của Giáng Son và các bài hát của Lê Minh Sơn, Minh Đạo...

Đặc biệt, trong màn ba của vở kịch, Tùng Dương sẽ độc diễn ba ca khúc Vó ngựa trời Nam, Vượt sóng trùng khơi và Về dòng sông ấy. Ngoài hát, Tùng Dương sẽ thể hiện khả năng múa và diễn kịch. Năm 2010, Tùng Dương từng thổ lộ:"Tôi muốn hướng đến một hình mẫu singer/performer nên sẽ đi học múa đương đại. Điều đó không đơn giản vì ai cũng biết, khi học múa, người nghệ sĩ phải được đào tạo bài bản từ nhỏ. Tôi quan sát và thấy phần đông những đồng nghiệp khác hiện nay vẫn thích cách biểu diễn đóng và thu hẹp không gian lại, trong số họ có những người hát rất hay nhưng những biểu cảm khi diễn lại chưa hoàn toàn đúng với tinh thần tác phẩm...".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ