Từng có cây cầu bắc ra tháp Rùa hồ Gươm?

GD&TĐ - Vì chỉ tồn tại hơn một tháng nên ít ai biết rằng, Hồ Gươm từng có cầu dẫn ra Tháp Rùa, và được ví “như một con Rồng vàng vờn hòn ngọc trên Hoàn Kiếm”.

Triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” diễn ra từ ngày 8/10.
Triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” diễn ra từ ngày 8/10.

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ tổ chức triển lãm trực tuyến chủ đề “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”. Triển lãm nhằm đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện về sự đổi thay của cảnh quan Hồ Gươm trong những năm đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Tư liệu quý về Hà Nội xưa

Theo Ban tổ chức triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”, những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh Hồ Gươm nói riêng, các công trình do người Pháp xây dựng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa sẽ được thể hiện qua 3 chủ đề: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

Theo đó, hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ được giới thiệu tại triển lãm lần này chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều tài liệu về Hà Nội hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ban tổ chức hi vọng triển lãm sẽ mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa.

Triển lãm tài liệu lưu trữ trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” sẽ diễn ra từ ngày 8/10 tại website Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (http://archives.org.vn/) và fanpage Trung tâm (https://www.facebook.com/luutruquocgia1/).

Thông tin từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, Hồ Gươm - dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, được bao quanh bởi phố Hàng Khay - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng.

Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, hồ Gươm như một giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam.

Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và phố cổ ngày nay.

Có cầu ra hồ, có phố đi bộ

Theo tư liệu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, năm 1888 thành phố chi 2600 đồng bạc Đông Dương để thi công đại lộ, nhưng một số chủ đất đòi bồi thường quá cao nên việc trưng dụng kéo dài.
Mãi đến năm 1893 mới hoàn thành và được đặt tên là đại lộ Francis Garnier. Năm 1945 được sáp nhập với đại lộ Beauchamps đổi tên thành phố Lê Thái Tổ. Năm 1951 tách khỏi đại lộ Beauchamps và đổi tên thành đại lộ Đinh Tiên Hoàng.

Hồ Gươm là địa danh đã quá quen thuộc với người Hà Nội, tuy vậy ít ai biết rằng từng có một cây cầu tên gọi cầu Rồng dẫn ra Tháp Rùa. Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I,  cây cầu bắt nguồn từ chợ phiên Hà Nội. Hầu hết chợ phiên được tổ chức ở những khu phố trung tâm, chỗ đông dân cư như Bờ Hồ, Vườn Bách Thảo, Hồ Trúc Bạch.

Chợ phiên ở Hà Nội được tổ chức lần đầu trong khoảng một tuần vào dịp Tết Canh Dần, đầu năm 1950 tại sân Trường Trung học Chu Văn An. Khu chợ phiên được bố trí từ Nhà Thủy Tạ qua Đền vua Lê đến ngã tư Gô-Đa (ngã tư Hàng Khay).

Phiên chợ quy mô nhất là phiên tháng 2/1954, Hà Nội tổ chức một cuộc họp tại Phòng Khánh tiết của Tòa Thị chính vào ngày 13/1/1954 để bàn bạc quyên góp tiền xây bệnh viện và chợ phiên có tên là “Chợ phiên Y tế”.

Ông Hoàng Đình Đắc là chủ hãng Dacco - hoạt động trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất sơn, dầu, bột màu, bút chì, mực in đã nảy ra ý định làm một chiếc cầu phao bằng gỗ nối từ bờ phía đại lộ Beauchamps (phố Lê Thái Tổ) ra Tháp Rùa. Ý tưởng này đã được thành phố cấp phép ngày 25/1/1954.

Cầu được làm bằng các ván ghép đặt trên các thùng phi và có hai đầu rồng chầu vào Tháp Rùa, đuôi quay về bờ đại lộ Beauchamps nên được gọi là cầu Rồng.

Việc thi công cầu Rồng đã gặp nhiều khó khăn do giáp Tết, giá nhân công và vật liệu đều cao, nên chủ hãng Dacco đã phải vay thành phố 28.000 đồng bạc Đông Dương để hoàn thiện gấp rút. Ngoài số công nhân 30 người, cả gia đình ông Hoàng Đình Đắc gồm 15 người đã phải ăn ở tại công trình để mong sớm hoàn thành. Đến mồng 2 Tết Giáp Ngọ, họ vẫn còn phải thu dọn cho gọn gàng để tạm khánh thành.

Ngày khai mạc chợ phiên, có sự góp mặt của quan Thủ Hiến và đông đảo quan khách. Khách qua cầu Rồng vào tham quan Tháp Rùa đều phải mất vé. 3 ngày đầu khách du cầu nườm nượp, nhưng sau đó vì không tổ chức những trò vui chơi, 15 gian hàng từ quãng nhà Gô-Đa đến cầu Rồng đóng cửa nên ông chủ hãng Dacco bị thua lỗ nhiều.

Trong những ngày mở cửa còn lại, ông chủ hãng Dacco vẫn bỏ tiền tổ chức những cuộc vui như: Quay phim quang cảnh chợ phiên để chiếu lên màn ảnh, diễn xiếc, tổ chức đấu võ… để làm chợ phiên thêm đông vui với hi vọng thu hồi được ít vốn.

Kết thúc chợ phiên tháng 2/1954, ông Hoàng Đình Đắc đã gửi thư lên thành phố xin dỡ cầu vào ngày 19/3/1954. Đó cũng là phiên chợ cuối cùng được tổ chức ở Bờ Hồ.

Tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng cho biết, ý tưởng về một khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã được người Pháp đưa ra và thực hiện ngay từ những năm đầu tiên đặt chân đến Hà Nội.

Dự án đại lộ quanh hồ (boulevard autour du Petit Lac) được hình thành từ năm 1884, việc san đất thi công được thông báo vào ngày 15/4/1885. Trong thư gửi quyền Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ ngày 9/5/1888, Phó Công sứ Hà Nội nêu rõ “…đây là một tuyến phố đi bộ - công trình công ích”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ