Ngày 26/7, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 8 và lớp 11.
Kịp thời, đúng quy trình
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, trong năm học 2023-2024, Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở lớp 8 và lớp 11 chủ động, kịp thời, đúng quy trình và đạt được nhiều kết quả.
Mạng lưới trường học cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018, đối với lớp 8 và lớp 11. Hầu hết các địa phương đều có trường cho học sinh THCS học tập. Mỗi huyện có từ 3 đến 5 trường, 1 trung tâm GDNN-GDTX cho học sinh THPT học tập.
Toàn tỉnh có gần 2.480 phòng học, tăng 243 phòng so với đầu năm 2023 cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 8 và lớp 11.
Nhiều đơn vị thông qua các nguồn vốn khác nhau đã đầu tư, mua sắm tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu sửa, trang trí phòng học, mua sắm thêm bàn ghế, tivi, máy tính, lắp đặt và nâng cấp mạng wifi nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Việc đề xuất lựa chọn SGK tại các cơ sở giáo dục đã được triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch, đúng quy định. 100% các cơ sở giáo dục phổ thông tham gia đề xuất lựa chọn sách giáo khoa. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, một số phòng GD&ĐT trên địa bàn đã huy động Hội đồng bộ môn để xây dựng, phân phối chương trình các môn học gửi về cho các đơn vị tham khảo, điều chỉnh để thực hiện.
Công tác phân công giảng dạy, bố trí thời khóa biểu cơ bản đúng với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (lớp 8), các môn học có nội dung lựa chọn (lớp 11), hoạt động trải nghiệm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Qua 3 năm học triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục Quảng Bình đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn đó những khó khăn, thách thức yêu cầu toàn ngành tập trung tháo gỡ.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn đó nhiều khó khăn, thách thức yêu cầu ngành Giáo dục Quảng Bình cùng nhau tháo gỡ để Chương trình GDPT 2018 diễn ra hiệu quả hơn.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, vẫn còn một số trường có quy mô nhỏ nhưng không thể sáp nhập do ở địa bàn khó khăn, khoảng cách giữa các trường xa. Nếu sáp nhập sẽ không thuận lợi cho học sinh.
Phòng học văn hóa và bộ môn của các trường THCS, THPT, các trung tâm GDNN-GDTX có diện tích nhỏ trong khi số học sinh mỗi lớp đông (45 học sinh/lớp), khó để triển khai đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tại các trường thuộc vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Một số đơn vị phòng học đã xuống cấp, thiếu kinh phí sửa chữa; thiếu sân để học Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng.
Đội ngũ giáo viên có đủ khả năng đảm nhận giảng dạy môn tích hợp còn ít. Giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật chưa có nên chưa thể xây dựng đủ các tổ hợp môn học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Dù đã cố gắng trong việc đầu tư trang thiết bị song nguồn kinh phí có hạn, nhiều thiết bị cũ, không phù hợp với yêu cầu dạy học.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ khó khăn, đề xuất những giải pháp để thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả hơn.
Liên quan đến hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, ông Mai Xuân Hiểu, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Hoá (huyện Tuyên Hóa) bày tỏ: “Chúng tôi tháo gỡ khó khăn bằng việc tìm hiểu thế mạnh của từng giáo viên, sau đó phân chia thầy cô phù hợp trong hoạt động tổ chức trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường chú trọng đa dạng hóa hình thức đánh giá, linh hoạt trong sắp xếp thời gian biểu để hoạt động dạy học diễn ra hiệu quả hơn”.
Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh cho biết, muốn nâng cao chất lượng, ngành Giáo dục tỉnh phải đẩy mạnh truyền thông, tư vấn để phụ huynh và học sinh có quyết định đúng trong chọn lớp, chọn trường.
Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh kiến nghị sở và cấp liên quan nghiên cứu lộ trình sử dụng giáo viên linh hoạt hơn.
Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Bố Trạch chia sẻ: Thực trạng dễ thấy tại Trung tâm GDTX chính là chất lượng đầu vào thấp, thiếu giáo viên cơ hữu, thiếu hụt trang thiết bị giảng dạy.
Phát biểu tổng kết, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình Đặng Ngọc Tuấn nhấn mạnh, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là hai nội dung trọng tâm mà ngành Giáo dục Quảng Bình cần chú trọng. Dạy thế nào để học sinh phát huy năng lực, đánh giá thế nào để thấy điểm chưa tốt còn thay đổi.
“Phải căn cứ đặc thù học sinh để xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong đó, học sinh phải được xem là chủ thể, được động viên và khuyến khích kịp thời để tiến bộ. Giáo viên là người quyết định chất lượng học sinh. Do đó phải xây dựng được kế hoạch bài giảng, sử dụng được nhiều phương pháp dạy học, sử dụng được các hình thức đánh giá, biết áp dụng mô hình dạy học thông minh”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết thêm.