Tuyển sinh ĐH, CĐ:

Từng bước loại bỏ cơ sở, ngành đào tạo yếu kém

GD&TĐ - Năm 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến không ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

Một lớp học của Trường THCS&THPT Bá Thước. Ảnh: NTCC
Một lớp học của Trường THCS&THPT Bá Thước. Ảnh: NTCC

Cơ bản ổn định tuyển sinh

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước công bố Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023. Quy chế này được trường áp dụng với các khóa tuyển sinh từ ngày 1/1/2023. Quy chế nêu rõ: Hàng năm trong Đề án tuyển sinh, trường công bố quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển/xét tuyển kết hợp hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả trường hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) - cho hay: Trong thời gian tới, nhà trường sẽ giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định ở mức như hiện nay với phương thức xét tuyển chủ yếu là xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM hoặc của các trung tâm khảo thí độc lập (nếu có) kết hợp Chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS…).

Với mỗi phương thức tuyển sinh, nhà trường quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng. Đồng thời xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh và tăng số đợt thi đánh giá tư duy. Tại buổi tổng kết công tác tuyển sinh năm học 2022 - 2023, đại diện đơn vị này cho biết: Dự kiến năm 2023 giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng; xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Riêng Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến gồm 3 đợt: Tháng 5, 6 và 7 năm 2023, tăng 2 đợt so với năm 2022.

Thí sinh tham dự Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thí sinh tham dự Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp

ThS Phạm Văn Thuận – Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Tây Nguyên - thông tin, nhà trường đang xây dựng Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023. Dự kiến, công tác tuyển sinh của trường cơ bản ổn định như năm 2022. Các phương thức tuyển sinh và tổng chỉ tiêu tuyển sinh cũng không thay đổi. Tuy nhiên, một số ngành sẽ không tổ chức tuyển sinh.

Trước thông tin về công tác tuyển sinh năm 2023, các trường THPT đã và đang đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) - cho biết, trước mắt nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm tư vấn, hướng dẫn học sinh lớp 12 chọn ngành, nghề, chọn trường. Hoạt động này được lồng ghép qua buổi sinh hoạt lớp, tập thể.

Theo dự kiến, công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản ổn định như năm nay. “Do đó, chúng tôi hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nghiên cứu Quy chế năm 2022 để nắm rõ phương thức tuyển sinh. Từ đó cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp khả năng, sở thích, sở trường và mong muốn của mình” – cô Thu tư vấn.

Cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) - khuyến cáo, học sinh nên nghiên cứu thật kỹ cơ sở giáo dục đại học mình dự kiến đăng ký xét tuyển. Tra cứu thông tin trên website của trường đại học để tìm hiểu về Đề án tuyển sinh, quy chế tuyển sinh trường đó. Qua đó, cập nhật thông tin mới và chính thống nhất của nhà trường. “Những thông tin về chủ trương, chính sách trong tuyển sinh, chúng tôi nhắc nhở học sinh nắm bắt từ thông báo của nhà trường hoặc tìm hiểu trên website của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT” – cô Lan chia sẻ, đồng thời lưu ý: Các em không nên tra cứu lan man trên mạng, tránh bị nhiễu thông tin.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh, Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện quy định về danh mục ngành, mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo về thẩm quyền và điều kiện khi mở ngành; xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là điều kiện bảo đảm chất lượng. Bộ sẽ xử lý nghiêm cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt năng lực, vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Qua đó, giúp toàn hệ thống giáo dục đại học loại bỏ những cơ sở đào tạo, ngành đào tạo yếu kém, nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo đại học từng bước được nâng cao.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện quy chế tuyển sinh, các phương thức tuyển sinh và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cho toàn hệ thống. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến lớn và từng bước ổn định công tác tuyển sinh đại học trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.