Từng bước đồng bộ quản lý văn bằng, chứng chỉ

GD&TĐ - Quản lý văn bằng, chứng chỉ trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. 

Các tân cử nhân Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: ITN
Các tân cử nhân Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: ITN

Dù vậy, vẫn cần triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong công tác này.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn chú trọng chỉ đạo công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ. Công tác này được thực hiện theo hướng: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm công khai của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Cục Quản lý chất lượng cùng các đơn vị thuộc Bộ tham mưu với Bộ trưởng trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật về văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó có 2 Luật, 1 Nghị định, 10 thông tư của Bộ trưởng và nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Bộ GD&ĐT đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, sở GD&ĐT thực hiện khá tốt, có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, vai trò quản lý của các cơ quan quản lý được nâng cao.

Một kết quả đáng ghi nhận là triển khai chuyển đổi số trong quản lý văn bằng, chứng chỉ. Theo TS Lê Mỹ Phong, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ để quản lý và thực hiện công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ (quy định tại Điều 26 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT).

Phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ do Cục Quản lý chất lượng xây dựng đã cập nhật được dữ liệu của hơn 4,7 triệu bản ghi văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu của các đơn vị, người dân khi có nhu cầu. Cục cũng tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu (quy mô quốc gia) về văn bằng, chứng chỉ phục vụ công tác quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Hội nghị tập huấn về công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 11/2022.

Hội nghị tập huấn về công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 11/2022.

Riêng công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giúp giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí xã hội và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người có nhu cầu công nhận văn bằng, được các cơ quan, người dân đánh giá cao.

“Cục Quản lý chất lượng đang chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và phục vụ tốt hơn việc công nhận văn bằng”, TS Lê Mỹ Phong cho biết thêm.

Tại Tiền Giang, thông tin từ ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, dữ liệu tốt nghiệp THPT từ năm 2009 - 2022 được đưa lên cổng thông tin của sở GD&ĐT. Các cá nhân, tổ chức cần xác minh có thể tra cứu (nhập số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hoặc họ và tên người cần xác minh) là có kết quả tức thì.

Cần giải pháp đồng bộ

Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Sở GD&ĐT đã ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý của sở GD&ĐT, với nội dung bám sát các quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT.

Hội nghị tập huấn về công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 11/2022.

Hội nghị tập huấn về công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 11/2022.

Hằng năm, sở GD&ĐT theo chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định, như: Cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT; cấp bản sao văn bằng chứng chỉ; xác minh văn bằng chứng chỉ theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân; chỉnh sửa thông tin trên văn bằng, chứng chỉ… Cán bộ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ cơ bản đủ số lượng, có phẩm chất, năng lực đáp yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, thủ tục chỉnh sửa nội dung văn bằng chứng chỉ còn gặp khó khăn trong xác định hồ sơ của công dân. Lý do, nhiều công dân có sai lệch về họ và tên, ngày sinh, dân tộc nhưng không có quyết định cải chính của cơ quan tư pháp, dẫn đến khó khăn trong công tác ra quyết định chỉnh sửa. Với khó khăn này, Sở GD&ĐT Hòa Bình mong Bộ GD&ĐT ban hành các hướng dẫn cụ thể hơn, phù hợp với thực tế cho những công dân có sai lệch nêu trên.

Tại Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Thành cho hay: Nhà trường không có biên chế văn thư. Đảm nhiệm vị trí này là kiêm nhiệm từ các bộ phận nên không có nghiệp vụ chuyên sâu và gặp khó trong quản lý văn bằng, chứng chỉ. Đây cũng là khó khăn chung tại Tiền Giang. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Phương Toàn, cán bộ làm công tác văn bằng, chứng chỉ tại các trường THPT, THCS trên địa bàn là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc nắm các quy định còn hạn chế.

Ngoài ra, ông Nguyễn Phương Toàn nhìn nhận, theo quy định, bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức vẫn đề nghị xác minh tính xác thực của bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc.

Bên cạnh đó, dù sở đã công khai thông tin về cấp văn bằng tốt nghiệp THPT từ năm 2009 đến nay trên cổng thông tin điện tử; nhưng các cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu trả lời xác minh tính xác thực của văn bằng tốt nghiệp THPT bằng văn bản. Việc xác minh tính hợp pháp của văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp còn gặp vướng mắc.

Chia sẻ về hạn chế, vướng mắc trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, TS Lê Mỹ Phong cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện các quy định về văn bằng, chứng chỉ tại một số cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT chưa bảo đảm chặt chẽ và chưa thống nhất.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ còn thiếu về số lượng, chưa đồng đều về chất lượng. Một bộ phận chưa được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu còn theo kinh nghiệm, chưa cập nhật kịp thời các quy định mới. Chưa có đầy đủ dữ liệu văn bằng, chứng chỉ trong cơ sở dữ liệu toàn ngành để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật. Chia sẻ điều này, TS Lê Mỹ Phong đồng thời lưu ý cần quan tâm tới công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ…

Vấn nạn văn bằng, chứng chỉ giả được tập trung giải quyết và có chuyển biến tích cực. Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Hoàn thiện các quy định của pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ, kiểm tra giám sát nhằm giảm thiểu việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Cùng với đó, Cục Quản lý chất lượng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, xử lý các trường hợp nghi vấn sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp. Việc quản lý các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài liên kết tổ chức thi tại Việt Nam được chú trọng hơn, đưa hoạt động này từng bước đi vào khuôn khổ. TS Lê Mỹ Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.