Tức ngùn ngụt vì cưới phải “cậu ấm”

GD&TĐ - Ngày mới yêu, người thường xuyên trễ hẹn và phải xin lỗi chính là anh.

Tức ngùn ngụt vì cưới phải “cậu ấm”

Chị từng nhiều lần hỏi: “Sao anh đến muộn hoài thế? Anh có biết em tủi thân đến thế nào không? Chẳng có cô gái nào như em, cứ phải chờ đợi người yêu suốt thôi”. 

Anh giải thích: “Khổ quá, gần đến giờ đi đón em thì mẹ anh phát hiện cổ áo sơ mi của anh bị nhăn, mẹ phải ủi lại rồi mới cho anh đi…”. Chị từng không muốn cưới vì tính cách quá điệu đà của anh, cũng như sự kĩ tính, chỉn chu quá mức của mẹ anh, nhưng không thể chối bỏ định mệnh, 2 người vẫn trở thành một cặp.

Chính thức làm vợ anh rồi chị mới thấy sự thật quá quắt hơn cả những gì chị từng tưởng tượng. Anh đi làm về, quăng áo sơ mi lên sofa, chị nhặt lấy định đem giặt, mẹ chồng hốt hoảng “phóng” theo chị vào nhà tắm: “Ấy ấy, hẵng hượm con ơi, nghe mẹ dặn đây này, để áo sơ mi luôn trắng sáng, trước khi giặt, con ngâm với thuốc tẩy và nước tầm 20 phút, dùng bàn chải đánh qua những vết ố khó giặt. 

Nếu ngâm nước nóng 40 độ C thì hiệu quả sẽ càng cao. Trên thị trường có 2 loại tẩy trắng, loại alkeline yếu dạng bột và loại axit yếu dạng lỏng. Loại bột có tính tẩy mạnh hơn, nhưng muốn tẩy từng vùng bị ố vàng thì lại nên dùng loại lỏng. Khi tẩy theo vùng, con nên pha thuốc tẩy với tỉ lệ 1:1, đổ trực tiếp vào vùng cần tẩy. Khi thuốc đã ngấm, con cho cả áo vào máy giặt...”. Nghe mẹ chồng nói, mắt chị trợn tròn: “Ôi, mẹ cứ như chuyên gia về sơ mi thế”. 

Một hôm, sau khi ăn tối xong, anh hí hửng kéo chị lên phòng làm việc của mình, trong phòng có một chiếc tủ gỗ to tướng mà chị từng ngỡ là tủ sách, anh mở tủ, một rừng sơ mi hiện ra trước mắt, chị kinh ngạc: “Eo ơi, anh sưu tầm sơ mi đó à?”. Anh không giấu được sự tự hào: “Mẹ anh thiết kế toàn bộ không gian này đấy! Em thấy thế nào?”.

Mỗi ngày chị lại được nghe mẹ chồng phổ biến thêm rất nhiều kiến thức. Chị nhớ mãi có lần, chị vừa mới nhấc áo anh lên, mẹ chồng đã vội giằng lại, giọng điệu vô cùng nghiêm trọng: “Con định phá áo của con trai mẹ đấy à? Đối với cổ áo và tay áo bị bẩn, nếu con chà xát mạnh thì sẽ rất hại cho áo. Thay vào đó, con hãy bôi lên cổ và tay áo một lớp thuốc đánh răng, rồi dùng bàn chải chải nhẹ một vài phút. Hoặc con có thể xát lên ống tay áo và cổ áo một ít muối, dùng tay vò nhẹ, sau đó dùng nước sạch giặt cho hết thuốc đánh răng hoặc muối rồi giặt như bình thường... 

Chị tức ngùn ngụt nhưng vẫn kiên nhẫn làm đúng trình tự mẹ chồng dặn, đến lúc mang được chiếc áo trắng tinh khô cong vào phòng, anh vẫn cằn nhằn: “Em lại làm sai cách rồi, chán em quá! Nếu là mẹ làm thì áo không bị nhăn như vậy”. Chị phẫn nộ: “Em chưa từng thấy cái áo nào trắng sạch, thơm tho như thế này, anh còn phàn nàn gì nữa?”. 

Anh giật lấy chiếc áo từ tay chị: “Em nhìn xem, tại sao cái áo yêu quý của anh lại có 2 vết phồng ở 2 cầu vai thế này? Anh nói cho em biết, mắc áo cũng là một trong những nguyên nhân làm hỏng dáng áo nên việc chọn loại mắc áo hợp lý đúng tiêu chuẩn cũng rất quan trọng. Anh đã dặn em rồi, anh có loại mắc riêng cho sơ mi, em quên à?”.

Chị lộn ruột nhưng không muốn tranh cãi với anh nữa, chị giằng lại chiếc áo: “Đằng nào cũng thế rồi, đưa đây em cất vào tủ”. Anh chưa chịu tha cho chị: “Em nhớ làm cho đúng cách như mẹ hướng dẫn đấy nhé, em nên tạo một không gian riêng chỉ để treo sơ mi trong tủ quần áo. 

Sơ mi trắng để trong tủ lâu ngày dễ bị ố vàng, em nên để trong túi riêng, mỗi chiếc thả một gói chống ẩm thì càng tốt. Với những chiếc anh mặc thường xuyên, em nên chọn loại mắc áo có độ rộng vừa với độ rộng của vai áo… Em không biết đâu, tủ sơ mi này là cả thế giới của anh đấy”.

Chị điên tiết, gào lên: “Này anh! Đáng lẽ anh chỉ cần chung sống với mẹ anh và đống áo sơ mi của anh là đủ hạnh phúc rồi, anh còn cưới tôi về làm gì nữa???”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ