“Cậu ấm cô chiêu” cũng phải học vượt khó!

GD&TĐ - Muốn trẻ thành công trong tương lai, cha mẹ nhất thiết phải dạy con biết tôn trọng hoàn cảnh. Điều kiện kinh tế không quan trọng mà vẻ đẹp tâm hồn mới là điều cần đầu tư, vun đắp.

Ảnh minh họa. Ảnh: IT
Ảnh minh họa. Ảnh: IT

Dạy con – đầu tư cho tương lai

Ngày nay, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ đang khiến nhiều giá trị sống bị mai một. Cách sống thực dụng, hưởng thụ, đề cao vật chất đang khiến những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình bị xem nhẹ, tác động xấu tới nhân cách của con trẻ.

Không ít gia đình, mối quan tâm của cha mẹ dành cho con cái trở nên lỏng lẻo, thậm chí “khoán trắng” việc giáo dục trẻ cho nhà trường và xã hội. Vấn đề buông tay hay nới lỏng quan tâm của gia đình tới việc giáo dục con cái đã vô tình tạo nên những hệ lụy, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, việc học hành, sự hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn, thậm chí là sự thành công của trẻ trong tương lai.

Anh Xuân Huy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một doanh nhân thành đạt, thường xuyên phải đi công tác dài ngày khắp trong và ngoài nước. Vợ anh cũng bận rộn với công việc quản lý chuỗi spa làm đẹp. Hai cậu con trai của anh luôn muốn gì được nấy bởi gia đình dư giả về kinh tế, có người giúp việc, bố mẹ không thiếu tiền mà chỉ thiếu thời gian.

Cách nhau 3 tuổi, các con của anh Huy đang theo học bậc THCS và THPT, vẫn quen ăn ngon nhưng bây giờ phải thêm trang phục và phụ kiện sành điệu. Chỉ tiếc bọn trẻ học hành chểnh mảng, có biểu hiện kiêu ngạo và ỷ lại, kết quả học tập rất khiêm tốn, đáng ngại hơn là không có mục tiêu sống rõ ràng.

Xã hội phát triển, không khó gặp những trường hợp như gia đình anh Huy, song mỗi kỳ thi qua, chúng ta cũng gặp không ít tấm gương nghị lực, vượt khó để chinh phục đỉnh cao tri thức của học trò khắp nơi. Cha mẹ của học trò nghèo học giỏi luôn tự hào chia sẻ, con rất biết thương bố mẹ, hiểu hoàn cảnh và chú tâm học hành.

Theo Chuyên gia tâm lý Mạnh Linh (Công ty Tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology): Thực trạng, gia đình kinh tế khá giả hay vất vả mưu sinh đều có trường hợp quan tâm sâu sát quá trình trưởng thành của con cái và không ít trường hợp cũng vì mưu sinh lại bỏ bê việc giáo dục, dạy dỗ con cái.

Các bậc cha mẹ lưu ý, nuôi dạy con trẻ không chỉ có yêu cầu về kinh tế mà cần dành thời gian để gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với con. Dạy con tôn trọng hoàn cảnh, phát huy điều kiện hay phấn đấu vươn lên là một nghệ thuật, cần sự tinh tế, lựa chọn phương pháp phù hợp.

“Tôi từng tham vấn cho những gia đình rất giàu có nhưng con cái đến trường chỉ để khoe khoang và thể hiện cuộc sống hưởng thụ, thượng lưu. Những đứa trẻ này luôn biết chúng được “sinh ra từ vạch đích” nên coi thường chúng bạn. Thậm chí tuyên bố không cần học vì tiền của gia đình ăn ba đời không hết… Khi công việc làm ăn của bố mẹ sa sút, trẻ rơi vào khủng hoảng, mất phương hướng. Điều này vô cùng nguy hại và để lại hậu quả nặng nề đối với cuộc sống của chúng”, chuyên gia Mạnh Linh kể, đồng thời nhấn mạnh: Nuôi dạy trẻ có khung “thời gian vàng” - đó là khi con còn trong độ tuổi vị thành niên.

Giai đoạn này cha mẹ cần dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con và coi đây là chiến lược đầu tư dài hạn cho sự thịnh vượng, hạnh phúc của gia đình và cho xã hội trong tương lai. 

Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

 Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Ý nghĩa riêng của hoàn cảnh gia đình

Chuyên gia Mạnh Linh cho rằng: Cần dạy trẻ sự thông cảm sâu sắc với điều kiện, hoàn cảnh, đời sống của gia đình để trẻ biết “tùy gia phong kiệm”, luôn khiêm tốn và chắt chiu cơ hội... Trẻ cần được học và hiểu tất cả các kỹ năng thông thường, học tập và rèn luyện như các bạn cùng trang lứa, cùng môi trường học tập. Dù gia đình giàu, nghèo ra sao, nhiệm vụ hàng đầu của trẻ là thi đua học tập và tự tạo nên giá trị cho mình.

Cha mẹ nhất thiết phải dạy trẻ bài học về mọi thành quả đều đến từ quá trình nỗ lực. Một đứa trẻ, ban đầu không có ý thức về sự giàu, nghèo của gia đình. Với trẻ, chỉ có sự yêu thương, chăm sóc cha mẹ dành cho chúng là sự giàu có và cần thiết hơn cả. Tuy nhiên, khi lớn lên, các con sẽ nhận ra nhiều điều, sẽ thấy chạnh lòng nếu gia đình mình nghèo trong khi gia đình bạn học lại giàu có, dư giả. Nhất là khi không có đủ tiền mua sách vở, khi mà quần áo, dày dép như các bạn nhà giàu. Hẳn con nhà nghèo sẽ buồn khi bạn dùng máy tính và điện thoại xịn, ngồi xe xịn đến trường, còn mình thì không. Khi mà bạn có nhiều quà cáp để khoe, nhiều chuyến du lịch để kể, và khi bạn nhà giàu tỏ rõ thái độ coi khinh mình…

Chuyên gia huấn luyện và phát triển con người Harry Trinh - Công ty Giáo dục và Đào tạo True Success cho rằng: Cha mẹ kinh tế khá giả hay khó khăn đều nên chú trọng dạy con những giá trị sống cơ bản. Trong đó, bài học về hoàn cảnh gia đình, giá trị và thương hiệu cá nhân là điều cần được nhấn mạnh.

Sự giàu có của một con người không chỉ xét trên khía cạnh vật chất. Một người thực sự giàu có khi họ giàu cả về trí tuệ, sức khỏe và nhân cách. Cha mẹ nên dạy con lòng biết ơn, hài lòng chứ không bằng lòng với hoàn cảnh. Điều kiện gia đình chỉ có vai trò giúp cá nhân thuận lợi hơn trong một vài trường hợp nhất định. Quan trọng là thực lực và nỗ lực của con.

Với bố mẹ giàu, hãy truyền cho con ý chí vươn lên mạnh mẽ, cố gắng trong học tập và lao động để có cuộc sống tốt hơn, để thành công hơn cha mẹ. Hãy nói với con, sự thịnh vượng của gia đình phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi cá nhân, tương lai của gia đình là thành quả của quá trình rèn luyện, học tập của con bây giờ.

Với bố mẹ nghèo, hãy dạy con tư duy tích cực từ chính hoàn cảnh của mình. Điều kiện nào cũng cho con người cơ hội. Nghèo là cơ hội để con vươn lên học tập, thôi thúc con hướng tới mục tiêu có cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Đừng e ngại khi nói với con: Sự nghèo khó là tạm thời, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cuộc đời bằng những cố gắng. Sở dĩ gia đình ta còn nghèo là do cha mẹ chưa thực sự giàu có về trí tuệ, chưa thực sự nỗ lực trong học tập và rèn luyện khi xưa, và giờ con hãy lấy đó là động lực để thay đổi tương lai của mình. Từ bài học của cha mẹ, con hãy phấn đấu để có cuộc sống như con mong muốn”, chuyên gia Harry Trinh chia sẻ.

“Dù con bạn “sinh ra từ vạch đích” hay trong điều kiện khó khăn, trẻ đều cần được dạy về những nỗ lực không ngừng trong học tập và rèn luyện. Nhà giàu, con học để bảo vệ và phát huy thành quả nỗ lực của gia đình. Nhà nghèo, con học để thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Thái độ của cha mẹ với hoàn cảnh là điều thẩm thấu mạnh mẽ nhất tới hành vi của trẻ. Chúng sẽ ý thức được học để làm gì? Vì sao cần khiêm tốn và trân trọng hoàn cảnh, trân trọng người khác… để có cuộc sống thành công và hạnh phúc hơn” - Chuyên gia Mạnh Linh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mật ong

Mật ong

GD&TĐ - Mẹ hối sớm về quê, chẳng phải vì mẹ nhớ nhung gì nó đâu mà là chú mới gửi từ Điện Biên về chai mật ong rừng.
Lần đầu tiên, cuốn 'Ký họa trong chiến hào' được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Kim Đồng.

Bộ sách kể chuyện Điện Biên Phủ

GD&TĐ - 17 tác phẩm kể chuyện Điện Biên Phủ vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).