Từ Xuân Cẩm đến mùa thu tháng Tám

GD&TĐ - Bao nhiêu năm dồn nén, đến lúc bùng lên, ngọn lửa cách mạng nhen nhóm âm ỉ từ vòng bí mật đã tỏa sáng và nhanh chóng lan rộng. Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vinh dự trở thành xã đầu tiên giành chính quyền trên cả nước năm 1945.

Đình Xuân Biều - nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn Việt Minh tuyên bố giành chính quyền.
Đình Xuân Biều - nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn Việt Minh tuyên bố giành chính quyền.

Chớp thời cơ giành chính quyền

Xã Xuân Cẩm nằm ở phía Tây Nam của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Từ Xuân Cẩm vượt sông Cầu là sang địa phận của huyện Sóc Sơn, cách thị trấn Sóc Sơn vài cây số. Từ Xuân Cẩm cũng có thể ngược sông Cầu qua xã Mai Trung, xã Hợp Thịnh để lên Thái Nguyên hoặc cũng có thể xuôi sông Cầu và đường bộ qua xã Hương Lâm để sang địa phận huyện Yên Phong, Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 7/1938, ở xã Hoàng Vân (xã cũng ven sông Cầu như Xuân Cẩm trong huyện Hiệp Hòa) có hai anh em Ngô Tuấn Tùng và Ngô Văn Đán được kết nạp vào Đảng. Người giác ngộ cho hai đảng viên này là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Người kết nạp là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Quốc Việt. 

Đầu năm 1943, Hiệp Hòa trở thành ATK của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp về Hiệp Hòa hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, đêm 9/3/1945, hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng do đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì họp tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị họp tại nhà thờ họ Nguyễn, rồi nhà cụ Hương Bổng.

Kết thúc hội nghị, ngày 12/3/1945,  chỉ thị nổi tiếng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã ra đời. Bản chỉ thị đã có tác dụng rất kịp thời chỉ đạo và phát huy tinh thần độc lập sáng tạo của Đảng; vạch rõ kẻ thù chính lúc này của nhân dân là phát xít Nhật.

Khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân là: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”. Nhằm tập hợp hết thảy quần chúng để đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân và: “Nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền ở địa phương”. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, người xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa ham mê nghiên cứu lịch sử địa phương cho biết: “Sau khi dự hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, đồng chí Lê Thanh Nghị chỉ đạo phong trào chống Nhật ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng Bắc Giang nhận lệnh của Tổng Bí thư Trường Chinh về ngay Hiệp Hòa để chỉ đạo trực tiếp phong trào”. 

Hai đồng chí về tới thôn Xuân Biều (thuộc xã Xuân Cẩm) thấy chính quyền địch ở đây hoang mang cao độ, nhân dân sục sôi khí thế, đấu tranh giành quyền sống, hai đồng chí quyết định: Phát động quần chúng đứng lên giành chính quyền…

Ông Nguyễn Hồng Tề (SN 1924), tự vệ xã Xuân Cẩm năm 1945, kể: “Chiều ngày 12/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh, Hà Thị Quế, Lê Thị Thuận (tức Thái Bảo), Phạm Yên... dời nơi ở của mình (nhà ông Nguyễn Văn Đĩnh) đến họp tại đình Xuân Biều (thuộc xã Xuân Cẩm) bàn kế hoạch khởi nghĩa. Chúng tôi đứng gác ở bên ngoài”. 

Thực hiện kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền, tự vệ bí mật tiếp cận lý trưởng Nguyễn Văn A để tước bằng, triện, giấy tờ. Lấy được bằng, triện, ngay lập tức tối hôm đó, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình làng Xuân Biều. Có hơn 70 tự vệ và 300 quần chúng tham gia.

Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh tuyên bố thủ tiêu chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi nhân dân đứng lên thực hiện khẩu hiệu: “Phá kho thóc để cứu đói”... đồng thời động viên nhân dân đoàn kết đấu tranh chống địch cướp thóc, thu thuế, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ chính quyền cách mạng. 

Bằng công nhận Di tích Lịch sử văn hóa ATK2 Hiệp Hòa.
Bằng công nhận Di tích Lịch sử văn hóa ATK2 Hiệp Hòa.

Ông Hồng Tề cho biết: “Tại buổi mít tinh, 5 người được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng do đồng chí Nguyễn Bá Minh (tức Kiểm Ê) làm Chủ tịch được công bố”. Đến nay cả 5 đồng chí trong ủy ban đã mất. 

Ông Hồng Tề kể: Trước đông đảo nhân dân và lực lượng tự vệ, đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh thay mặt chính quyền cách mạng long trọng đọc lời thề danh dự:

“1. Xin thề: Hết lòng trung thành với Cách mạng, dù có hy sinh cũng không lùi bước!

2. Xin thề: Đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh, chặt tan xiềng xích phát xít, phá tan gông cùm nô lệ!

Tiến lên! Tiến lên! Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Hàng trăm người đồng thanh: “Xin thề”, “Tiến lên”, vang dậy cả một vùng, khí thế thật hào hùng, sôi nổi. Sự phấn khởi vui mừng lộ ra trên từng nét mặt. 

Sau này, đồng chí Lê Thanh Nghị đã ghi lại trong hồi ký: “Không vui sướng làm sao được! Bao nhiêu năm hoạt động bí mật, phong trào ta đã đến lúc nhảy ra ánh sáng. Chính quyền cách mạng lần đầu tiên thành lập ở xã nhỏ bé này cho thấy tất cả sức mạnh của Đảng, của nhân dân. Điều mà Đảng vừa quyết định chiều qua, nay đã thành sự thật”.

Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Xuân Biều đã chứng minh chủ trương của Đảng nêu trong chỉ thị: Khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa là hoàn toàn đúng đắn. Nó thể hiện sự vận dụng kịp thời sáng tạo của các đồng chí Trung ương và Ban cán sự tỉnh Bắc Giang.

Từ Xuân Cẩm đến mùa thu tháng Tám ảnh 2

Ngọn lửa cách mạng lan rộng

Ngay hôm sau, ngày 13/3/1945, xã Trung Định (nay là Mai Trung) liền kề Xuân Cẩm đứng lên cướp chính quyền. Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung Định được thành lập do đồng chí Đỗ Văn Kế làm Chủ tịch.

Tài liệu của Phòng Tuyên giáo huyện Hiệp Hòa cho biết: Trong khi cướp chính quyền ở Trung Định, gần 1.000 người dưới sự hỗ trợ của tự vệ đã biểu tình và tấn công đồn điền Cọ gần đó, tịch thu thóc lúa và chiếm súng đạn. Nhưng khi tấn công sang đồn Trị Cụ tiếp theo thì bị địch bắn trả quyết liệt làm một số người chết.

Mấy ngày sau, hơn 2.000 nông dân lại kéo vào cướp đồn Trị Cụ. Lần này, ta tịch thu được hết thóc lúa, súng đạn thuốc men, tù nhân chính trị và thường phạm được giải phóng. Rất kịp thời, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cho in bài viết phản ánh sự kiện này trên báo Cờ Giải phóng (số 12/1945).

Củng cố chính quyền và đào tạo đội ngũ tự vệ là việc làm cấp thiết sau khi giành chính quyền thắng lợi. Ông Thanh nói: “Gia đình cụ Hoàng Văn Thịnh là nơi đào tạo chính trị và quân sự cho cán bộ và thanh niên.

Tại đây các đồng chí cán bộ cốt cán như Hoàng Văn Thái, Hoàng Quốc Việt đã về trực tiếp giảng dạy. Sau đó, 2 đội tự vệ (mỗi đội chừng 30 người) xuất phát đi Đa Phúc (khi đó thuộc tỉnh Phúc Yên) và Yên Phong (Bắc Ninh) để phối hợp với nhân dân địa phương giành chính quyền”.

Tiếp theo Xuân Cẩm, Trung Định, xã Hợp Thịnh đứng lên cướp chính quyền. Quần chúng và tự vệ đông tới 3.000 người rầm rộ tới bao vây đồn Vát. Tự vệ xông lên phá cổng, dỡ rào trước tiếng reo hò của quần chúng. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, toàn bộ số thóc và trâu bò trong đồn điền đã thuộc về tay nhân dân. Lực lượng tự vệ thu được 8 khẩu súng của địch.

Theo đà chiến thắng, các xã dọc sông Cầu: Quang Minh, Thái Sơn, Hòa Sơn và Hoàng Vân nối nhau đứng lên giành chính quyền tạo thành một vùng giải phóng liên thông trong huyện.

Tài liệu lưu trữ tại phòng tuyên giáo huyện Hiệp Hòa cho biết: Ngày 16/3/1945, một cuộc mít tinh lớn khoảng 1.000 người được tổ chức tại chợ Vân có sự tham gia và thị uy của các đội tự vệ chiến đấu ở hai tổng Hoàng Vân, Ngọc Thành và khu vực ấp Ba Huyện.

Sau cuộc mít tinh, đoàn người biểu tình kéo qua đồn Trị Cụ, thẳng đến đồn điền Cọ, phá kho thóc. Bọn lính mới được tăng cường về đây rất hoang mang. Trước tình hình ấy, tên Chánh Bảo an Bắc Giang điện cho tên đồn trưởng Trị Cụ: “Chống được với Việt Minh thì chống. Không chống được thì nhanh chóng rút về Thái Nguyên”. 

Tranh về giành chính quyền năm 1945 tại xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa.
Tranh về giành chính quyền năm 1945 tại xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa.

Để đối phó với phong trào cách mạng ngày càng lên cao, tại huyện lỵ Thị trấn Thắng, bọn Nhật và tay sai tuy hoảng sợ nhưng vẫn ra sức chống phá cách mạng ác liệt. Chúng tăng cường thu thuế, thu thóc, thu sưu, tăng cường bắn giết, khủng bố nhân dân ở các vùng xung quanh. Vì vậy, muốn giành được chính quyền, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang quyết định bổ sung một đơn vị vũ trang tập trung làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh và tiến công địch.

Một số tự vệ trung kiên của Hiệp Hòa và Phú Bình (Thái Nguyên) cùng một số thanh niên mới thoát khỏi nhà tù Trị Cụ được tuyển chọn vào đội. Đêm 25/3/1945, lễ thành lập Tiểu đội võ trang đầu tiên được thành lập tại làng Soi (Phú Bình, Thái Nguyên), gồm 13 người với 12 khẩu súng do một đồng chí trong Ban cán sự chỉ huy (Đội phó là đồng chí Nguyễn Thanh Quất - sau này là Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc). 

Trong khi cao trào cách mạng đang lên cao thì Trung ương chọn Hiệp Hòa làm nơi để tổ chức: “Hội nghị quân sự Cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất”. Dự hội nghị có nhiều đồng chí cán bộ cấp cao như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị... do đích thân đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư chủ trì.

Hội nghị họp từ ngày 15/4 - 20/4/1945 tại nhà ông Lý Đông (Ngô Văn Đông) ở làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân. Trong hội nghị này, Trung ương đã đặt nhiệm vụ quân sự vào vị trí đặc biệt quan trọng, cấp thiết để chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Hội nghị đã quyết định: Thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, phát triển các đội tự vệ chiến đấu, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, chính trị và xây dựng 7 chiến khu lớn trên cả nước...

Trước sự lớn mạnh của chính quyền cách mạng nên ngày 27/5/1945, tri huyện Thái Vĩnh Thịnh hoảng sợ và xin gặp cán bộ Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh đã gặp tri huyện. Tri huyện xin quy thuận và hứa sẽ làm nội ứng khi quân cách mạng tiến công huyện lỵ.

Tối 1/6/1945, một đơn vị vũ trang của tỉnh cùng tự vệ Hoàng Vân do đồng chí Lương Văn Đài (tức Cửu) và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh chỉ huy và bố trí lực lượng triển khai kế hoạch chiến đấu. Bốn trung đội do đồng chí Đài trực tiếp chỉ huy tiến thẳng vào cổng huyện mở sẵn. 

Hiệp Hòa giành chính quyền hoàn toàn. Từ đây, các tiểu đội chiến đấu được trang bị vũ khí tốt thu được tỏa đi các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận: Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nội giành chính quyền...

Ngày 18/8/1945, Phủ Lạng Thương và toàn tỉnh Bắc Giang được giải phóng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ