Đặc biệt những ngày qua, thông tin hàng trăm trẻ mầm non ở huyện Thuận Thành nhiễm sán lợn, nơi đang là “điểm nóng” về an toàn thực phẩm trong trường học – càng khiến phụ huynh thêm bất an, lo lắng.
Hiện người dân vẫn đang phải chờ cơ quan chức năng có câu trả lời về việc “Vì sao hàng loạt trẻ ở cùng một địa bàn của Bắc Ninh nhiễm sán lợn”, “Sán lợn đến từ đâu, có liên quan gì đến việc phụ huynh tố thực phẩm trong bếp ăn của trường không đảm bảo?”.
Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng, xin trích những quy định về việc quản lý bếp ăn tập thể trong trường học hiện nay, để phụ huynh tham khảo, biết đường đi của thực phẩm đến dạ dày của con em mình.
Quy trình 1 chiều trong bếp ăn tập thể
Để đảm bảo an toàn cho người dân nói chung, Bộ Y tế đã ban hành quy định xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cho những đơn vị làm dịch vụ này.
Đó là Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12. 9.2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Thông tư 30/2012/TT-BYT Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kinh doanh thức ăn đường phố, điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.
Khi các trường học tổ chức ăn bán trú cho trẻ đều phải có hồ sơ, chứng minh đủ các điều kiện do thông tư quy định, rồi nộp hồ sơ về Phòng, Sở GDĐT, cơ quan y tế để thẩm định hồ sơ, cử đoàn về kiểm tra. Nếu đủ điều kiện thì được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện những người làm trong ngành giáo dục vẫn truyền tai nhau về “quy tắc 1 chiều” trong việc tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh.
Nguyên tắc một chiều được sắp xếp như sau: 1. Khu vực kho; 2. Khu tiếp nhận nguyên liệu; 3. Khu sơ chế, chế biến thực phẩm chín; 4. Khu ăn uống.
Nguyên tắc bếp ăn 1 chiều trong trường học: Khu bảo quản, tiếp nhận thực phẩm không được gần nhà vệ sinh...
Tất cả những nguyên tắc này đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, phải sạch sẽ, từ khâu đưa thực phẩm vào trường học, đến khi chế biến bữa ăn cho trẻ.
Thông tư cũng quy định, các bếp ăn tập thể phải lấy nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Để có được nguồn nguyên liệu chế biến có nguồn gốc rõ ràng, thì các trường bắt buộc phải mua nguyên liệu ở nơi có hóa đơn chứng từ.
Vì thế lãnh đạo nhà trường thường hợp đồng liên kết với các công ty cung cấp thực phẩm có tư cách pháp nhân, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay đang có “lỗ hổng” trong quy trình kiểm tra, giám sát việc đưa thức ăn vào trường học. Ví dụ, hiệu trường nhà trường đứng ra ký kết hợp tác với Cty A có đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, có các giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng Cty A này chưa chắc đã là nơi làm ra, chế biến ra thực phẩm, mà lại lấy lại của một Cty B nào đó. Rất có thể, Cty B lại nhập lại của một Cty C…
Trong khi nhà trường chỉ có thể nắm được mác an toàn thực phẩm của Cty A, khó có thể truy xuất được nguồn gốc của thực phẩm cung cấp vào trường. Ai dám chắc tất cả các “cầu” cung cấp thực phẩm này đều thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm?
Khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn học đường
Ngành giáo dục hiện nay khuyến khích đại diện phụ huynh tham gia vào khâu giám sát bữa ăn của trẻ ở trường.
Ví dụ hằng ngày tiếp nhận thực phẩm, suất ăn, ngoài lãnh đạo nhà trường, cán bộ liên quan thì cần có sự tham gia chứng kiến của phụ huynh. Các quá trình lưu mẫu thức ăn cũng cần có phụ huynh giám sát.
Việc lấy mẫu, lưu mẫu thức ăn hằng ngày của trẻ diễn ra càng đúng quy trình, khách quan thì sẽ hạn chế tối đa sự tranh chấp giữa phụ huynh và trường khi xảy ra ra ngộ độc thực phẩm.