Từ vụ trẻ mầm non bị đánh ở Bắc Giang: Cần đội ngũ có chuyên môn trình độ phù hợp

GD&TĐ - UBND xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang) đã quyết định tạm dừng hoạt động của cơ sở mầm non độc lập tư thục Vân Vũ để làm rõ việc học sinh đánh bạn.

Cơ sở nhóm trẻ độc lập tư thục Mầm non tuổi thơ Vân Vũ.
Cơ sở nhóm trẻ độc lập tư thục Mầm non tuổi thơ Vân Vũ.

Theo chuyên gia giáo dục, phụ huynh cần tìm hiểu kĩ giấy phép hoạt động nơi gửi trẻ, bằng cấp sư phạm của cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất đủ điều kiện an toàn.

Mỗi lần xem lại video là em lại khóc!

Chiều 25/10, Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, đơn vị đã có báo cáo nhanh về sự việc học sinh đánh nhau tại nhóm trẻ độc lập tư thục mầm non tuổi thơ Vân Vũ (tạm gọi Mầm non Vân Vũ - PV).

Theo Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên, vào hồi 10 giờ 48 phút ngày 23/10 tại cơ sở Mầm non Vân Vũ (thuộc thôn Chùa, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xảy ra sự việc cháu Thân Quang Tr. (3 tuổi, Trường Mầm non Tăng Tiến (được gửi tại nhóm trẻ vào các ngày thứ 7 hàng tuần) đã cắn và đánh cháu Vũ Đan Q. (22 tháng tuổi)).

Tại thời điểm xảy ra sự việc, cô Thân Thị Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp và là chủ nhóm trẻ) không có mặt tại lớp. Cô Hoàng Thị Chuyên là giáo viên phụ lớp đi lấy cơm trưa.

Đến 10 giờ 52 phút, nghe tiếng khóc, cô Chuyên vội quay lại lớp thì thấy cháu Q. bị cắn nên bế cháu ra ngoài lau người và xoa cho cháu. Ngay sau đó, cô Chuyên đã gọi điện cho cô Vân để thông báo về sự việc. Đến 11 giờ 15 phút, cô Vân gọi điện thông báo cho gia đình cháu Q. về việc cháu bị bạn cắn và xin lỗi gia đình qua điện thoại.

Sau đó, ông nội cháu Q. đến trường đón cháu. Khi về nhà, mẹ của Q. phát hiện trên người cháu có nhiều vết thương, chụp ảnh và gửi cho cô Vân và trách về việc không quản lý dẫn đến để cháu bị bạn khác đánh.

Đến 12 giờ 30 phút, cô Vân kiểm tra lại camera và gửi clip cho mẹ cháu. Sau sự việc trên cô Vân đã đến gia đình gặp và xin lỗi. Đến khoảng hơn 16 giờ, mẹ cháu Đan Q. là Đoàn Thị H. đã đăng tải hình ảnh và clip lên mạng xã hội. Cô Vân đã tự nguyện xin tạm dừng hoạt động của nhóm trẻ để giải quyết sự việc.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên, cho biết, sau khi nắm bắt được sự việc, Phòng GD&ĐT, UBND xã Tăng Tiến, Trường Mầm non Tăng Tiến đã đến gia đình cháu Đan Q. để thăm hỏi và đề nghị gia đình đưa cháu Đan Q. đi khám. Đại diện gia đình có đề nghị chính quyền và ngành Giáo dục làm rõ sự việc trên.

Đồng thời, Phòng GD&ĐT, UBND, Công an xã Tăng Tiến và Trường Mầm non Tăng Tiến đã mời cô Thân Thị Vân cùng cô Hoàng Thị Chuyên đến UBND xã Tăng Tiến để làm rõ sự việc.

“Chiều cùng ngày 24/10, UBND xã Tăng Tiến đã có quyết định tạm dừng hoạt động của nhóm trẻ mầm non Vân Vũ để làm rõ...”, đại diện Phòng GD&ĐT Việt Yên thông tin.

Trước đó (tối 23/10), một đoạn clip ghi lại cảnh bé gái mầm non bị bạn đánh tại lớp học ở Bắc Giang lan truyền trên mạng xã hội. Theo hình ảnh trong clip, Đan Q. đang ngồi chơi sát tường lớp thì một bé trai bất ngờ chạy đến đánh ngã xuống.

“Mỗi lần xem lại video là em lại khóc. Không biết lỗi do bé kia hay do cô giáo hay do em đã chọn sai trường cho con em. Gia đình không thiếu người trông Q. nhưng vẫn muốn cho con đi học để cho nó dạn người, cho đi học trường tư để con được chú ý hơn vậy mà kết quả như này đây...

Tại sao lúc con em khóc cô giáo không vào luôn hay quen rồi. Nghĩ nó khóc rồi nó sẽ nín? Trên đỉnh đầu con em còn bầm dập rất nhiều. Trên cơ thể cũng vậy...”, dòng chia sẻ trên mạng xã hội được bạn đọc cho rằng là phụ huynh của bé Đan Q.

Hình ảnh trẻ tại cơ sở tư thục Mầm non tuổi thơ Vân Vũ.
Hình ảnh trẻ tại cơ sở tư thục Mầm non tuổi thơ Vân Vũ.

Giải pháp bảo vệ trẻ

Liên quan đến sự việc trên, đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, Sở đã nắm được thông tin sự việc, đồng thời yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên báo cáo, phối hợp cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho biết, đối với trẻ mầm non ở lứa tuổi khác nhau thì về mặt tâm lý, tính cách, hiểu biết cũng sẽ khác nhau. Bởi vậy, nhóm trẻ mầm non Vân Vũ cho trẻ 2, 3, 4 tuổi ở lẫn lộn như vậy là chưa hợp lý.

“Với trẻ mầm non, thì phải có người trông trẻ và không được để các bạn nhóm trẻ khác lứa tuổi ở cùng lớp với nhau. Nếu trẻ dưới 3 tuổi phải nhóm riêng chứ không để chung với lớp trẻ lớn hơn và phải có người trông trẻ...”, TS Lâm nói.

Theo TS Lâm, cô giáo trông trẻ phải đảm bảo an toàn cho trẻ, không được rời các cháu khi ở trường, nhóm trẻ, nếu bận công việc phải có người thay thế. Đặc biệt, việc sắp xếp lứa tuổi trẻ ở các nhóm lớp phải đảm bảo đồng đều về lứa tuổi.

Bên cạnh đó, giáo viên trong nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải có đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và sức khỏe theo quy định.

“Chủ trường phải có chuyên môn, trình độ nghiệp vụ sư phạm và chịu trách nhiệm hoặc ủy quyền để người có chuyên môn chăm sóc, trông trẻ. Bên cạnh đó, việc cấp phép nhóm trẻ, lớp mẫu giáo... cũng phải lưu ý đến cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên có chuyên môn trình độ phù hợp...”, TS Lâm nhấn mạnh.

Nói thêm về giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ, TS Lâm cho rằng cần phải quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của trẻ. “Vết thương bầm tím sẽ khỏi nhưng việc hoảng loạn (nếu có) phải điều trị và không cho đến nhà trẻ ngay. Khi trẻ phải khỏe khoắn về thể chất và tinh thần mới tiếp tục gửi trẻ...”, TS Lâm chia sẻ.

Còn ThS Lê Thanh Hải, chuyên gia giáo dục mầm non, đưa lời khuyên người lớn tuyệt đối không dùng quyền lực với trẻ để giải quyết vấn đề bạo lực học đường.

Bà Hải chia sẻ, trẻ từ 0 - 3 tuổi chưa có ý thức hành vi, trẻ từ 3 - 6 tuổi dù lớn cũng chưa thể kiểm soát được hành vi. “Trẻ có hành vi “bắt nạt” do trẻ thấy trong cuộc sống, học theo người lớn, bạn bè.

Đến khi trẻ muốn có một đồ vật, đồ chơi thì trẻ sẽ dùng quyền lực để lấy về cho mình, kể cả đánh bạn. Lúc này, trẻ vẫn chưa hiểu hành vi đó là chưa đúng đắn…”, ThS Hải nhận định.

Do đó, vị này khuyến cáo phụ huynh cần làm mẫu, làm gương, nói ngắn gọn bằng câu mệnh lệnh “không làm thế”, “bạn là để yêu”, “không đánh chừa bạn”… để trẻ hiểu vì nếu nói nhiều sẽ không hiệu quả vì trẻ không thể nhớ hết. Sau đó, người lớn thực hành nhiều để trẻ ghi nhớ thành bản năng.

Về việc chọn lớp cho con, vị chuyên gia này lưu ý phụ huynh cần tìm hiểu kĩ giấy phép hoạt động nơi gửi trẻ, bằng cấp sư phạm của cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất đủ điều kiện an toàn.

“Trường hợp bất khả kháng thì phụ huynh lưu ý chọn cơ sở trẻ có cơ sở trông trẻ thoáng mát, trao đổi với người chăm sóc trẻ để người chăm trẻ hiểu biết khẩu phần ăn để phối kết hợp, đồ chơi an toàn. Đặc biệt, phụ huynh tranh thủ giờ nghỉ trưa dành thời gian quan sát con, nhất là trẻ dưới 18 tháng…”, ThS Hải chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.