Từ vụ “khủng bố” tạt sơn, mắm tôm vào quán phở ở TPHCM: Không thể để hành xử kiểu giang hồ

GD&TĐ - Vụ “khủng bố” tạt sơn, mắm tôm vào quán Phở Hòa ở TPHCM được cho liên quan đến đòi nợ đã gây bức xúc dư luận trong những ngày qua. Đây không phải lần đầu tiên kiểu “khủng bố” này diễn ra. Nhiều khổ chủ thời gian qua cũng phải chịu tình cảnh tương tự khiến cuộc sống bị đảo lộn, hoang mang, thậm chí có người phải đóng cửa đi tránh nạn.

Nhiều thực khách tìm đến Phở Hòa nhưng quán đã thông báo tạm nghỉ trưa 2/8. Ảnh: TG
Nhiều thực khách tìm đến Phở Hòa nhưng quán đã thông báo tạm nghỉ trưa 2/8. Ảnh: TG

Cả nhà hoang mang

Quán Phở Hòa (đường Pasteur, phường 8, quận 3, TPHCM) thời gian qua bị người lạ “khủng bố” bằng sơn, mắm tôm, dầu, mỡ thối đến 8 lần khiến cả gia đình sống trong nỗi hoang mang, bất an. Không những thế, cả khách hàng cũng bị ảnh hưởng, việc kinh doanh cũng vì thế bị đảo lộn.

Theo một người thân của chủ quán, liên tiếp các ngày gần đây gia đình phải chịu nỗi ám ảnh, hoang mang với mùi hôi của mắm tôm pha với dầu mỡ tạt vào quán do những kẻ lạ mặt thực hiện. Cụ thể, sáng ngày 31/7 chúng ngang nhiên đến và tạt ngay vào bên trong quán khiến xe của khách và bàn ghế cùng những khách hàng hôm đó bị ảnh hưởng, có hôm chúng “khủng bố” cả vào buổi chiều.

Quán phải dán thông báo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
  • Quán phải dán thông báo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc được cho là người em rể của chủ quán nợ nần do làm ăn bên ngoài nhưng chủ nợ lại tìm cách “quậy phá” tại quán phở. Không còn cách nào khác, gia đình đã làm đơn trình báo với các cấp có thẩm quyền về vụ việc với mong muốn được yên ổn làm ăn. Theo người nhà chủ quán, sau mỗi lần sự việc xảy ra, gia đình đều báo Công an phường 8, quận 3 đến ghi nhận vụ việc. Tuy nhiên sau đó, quán phở vẫn tiếp tục bị tạt sơn, mắm tôm và chất bẩn.

Ngày 2/8, quán Phở Hòa thông báo tạm nghỉ bán để sửa chữa, khắc phục phần bị tạt sơn bẩn. Quán sẽ mở bán lại trong ngày 3/8. Liên hệ để gặp chủ quán thì người nhà cho biết, ông đang đến làm việc với Công an quận 3 và phía công an cũng cử cảnh sát hình sự xuống thụ lý giải quyết vụ việc.

“Quán Phở Hòa mở từ mấy chục năm trước, lâu nay thường ngày có rất nhiều khách đến ủng hộ. Từ khi xảy ra sự cố này gia đình rất buồn, việc kinh doanh ở quán cũng ảnh hưởng nhiều”, người thân của chủ quán cho biết. Người làm ở quán mấy ngày nay cũng rất hoang mang với cảnh tượng khủng bố trên. Ai cũng mong rằng chính quyền sớm vào cuộc điều tra và có những biện pháp xử lý với những hành vi vi phạm này.

Một số đối tượng ngang nhiên ném chất bẩn vào quán Phở Hòa sáng 31/7. Ảnh: Cắt từ clip
  • Một số đối tượng ngang nhiên ném chất bẩn vào quán Phở Hòa sáng 31/7. Ảnh: Cắt từ clip

Tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội

Luật sư Trần Hồng Phong - Đoàn luật sư TPHCM cho biết: Qua thông tin trên báo chí, có thể thấy hành vi của nhóm người này là cố ý, có tổ chức, có tính chất côn đồ, thực hiện nhiều lần và sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh. Đây không những là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là tình tiết tăng nặng theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Do chưa truy bắt được thủ phạm, nên chưa thể kết luận chính xác mục đích của hành động ném mắm tôm, sơn, rác vào quán Phở Hòa là gì. Song bất luận thế nào, đặc biệt nếu chỉ vì đòi nợ người em rể, mà lại phá hoại tài sản và việc kinh doanh của người anh không liên quan là rất vô lý và hoàn toàn không chấp nhận được.

Luật sư Phong cho rằng, tính chất và hậu quả của hành vi do nhóm thanh niên gây ra là khá nghiêm trọng. Đối với chủ nhà, ngoài việc tài sản bị phá hỏng phải sửa chữa mua sắm lại, còn thất thu trong kinh doanh, thậm chí lâu dài. Mức độ thiệt hại vật chất phải lên tới hàng chục triệu đồng. Chưa kể còn bị thiệt hại về sức khỏe tinh thần.

Nhìn ra ngoài xã hội, hành vi này rõ ràng đã gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh công cộng tại địa phương. Thậm chí, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, hình ảnh của TPHCM.

Về hướng xử lý, trước mắt cần truy bắt nhóm thanh niên có hành vi vi phạm, trên cơ sở đánh giá và xác định mức độ thiệt hại sẽ xác định được là xử lý hành chính - nếu mức độ nhẹ, hay truy cứu trách nhiệm hình sự - nếu tính chất và mức độ nghiêm trọng, luật sư Phong nêu quan điểm.

Theo luật sư Phong, nếu xử lý hành chính, tối thiểu là buộc các đối tượng phải bồi thường thiệt hại, xin lỗi và bị phạt vi phạm hành chính - theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, có thể thấy nếu chỉxử phạt hành chính số tiền vài trăm nghìn đồng, hay cao là 1 - 2 triệu đồng, rõ ràng là không tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi.

“Trường hợp giá trị thiệt hại lớn và xét trên phương diện an ninh trật tự xã hội, theo tôi các đối tượng này thậm chí có dấu hiệu phạm tội hình sự” - luật sư Phong nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.