Thiếu đội ngũ chuyên nghiệp
Khẳng định tư vấn tâm lý học đường là hoạt động rất cần thiết trong trường học, nhưng thầy Đặng Quốc Hùng - Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Cẩm Khê (Phú Thọ) - cũng cho rằng, để công tác này thực sự hiệu quả thì đòi hỏi phải có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp.
"Hiện nay, đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường là kiêm nhiệm, hàng năm cũng đã được tập huấn nhưng chưa có chứng chỉ, đa phần để xử lý các tình huống tư vấn của học sinh còn dựa vào kinh nghiệm để tư vấn và giúp đỡ học sinh.
Bên cạnh đó, học sinh thường ngại đến phòng tư vấn tâm lý để “trút nỗi lòng” do các em có suy nghĩ “đến phòng tư vấn tâm lí là có vấn đề”. Công tác tư vấn của nhà trường hầu hết thực hiện qua điện thoại, trên hòm thư điện tử và các diễn đàn trên mạng" - thầy Đặng Quốc Hùng chia sẻ.
Cũng là người trực tiếp làm công tác tư vấn tâm lý, những khó khăn trong công việc được cô Phí Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý, Trường PTDTNT tỉnh Phú Thọ - tâm sự cũng liên quan đến lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn trong nhà trường hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, vì vậy thời gian tập trung dành cho đầu tư, nghiên cứu để thực hiện công tác tư vấn chưa được nhiều.
Theo cô Hương, hàng năm, cán bộ cốt cán làm công tác tư vấn tâm lý đều được tập huấn, tuy nhiên hầu hết các thành viên của Tổ tư vấn không có kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, các thành viên thực hiện nhiệm vụ chủ yếu thông qua nghiên cứu các văn bản pháp quy, các tài liệu có liên quan hoặc bằng kinh nghiệm thực tế trong xã hội.
Đối với khó khăn về phía học sinh, tương tự thầy Đặng Quốc Hùng, cô Mai Hương cho biết, nhiều học sinh vì mặc cảm, lòng tự trọng, hoặc vì sợ bị trả thù nên không khai báo, hoặc khai báo chưa đúng sự thật, nhiều học sinh không dám nhờ thầy cô can thiệp, chia sẻ hay giúp đỡ vì sợ lộ bí mật.
Nhân viên tư vấn không thể làm việc hiệu quả một mình
Trong quá trình làm công tác tư vấn tâm lý gặp phải khá nhiều tình huống khó, thầy Đặng Quốc Hùng cho rằng, đối tượng học sinh phổ thông có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, có xu hướng tâm lý nổi loạn, ngại chia sẻ, thích làm theo ý mình, thích khẳng định và muốn được mọi người công nhận. Học sinh lứa tuổi này thường có nhiều khúc mắc về tâm sinh lý, khúc mắc trong quan hệ bạn bè khác giới, quan hệ với cha mẹ, thầy cô... Trong mối quan hệ này, các em còn thiếu kỹ năng ứng xử dẫn đến trạng thái tâm lý hụt hẫng, khủng hoảng, dễ dẫn đến những hành động bột phát, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ, thầy cô.
Trước các tình huống này, bộ phận tư vấn cần giúp các em tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi và tìm hiểu kiến thức về pháp luật để ứng xử phù hợp với các tình huống gặp phải. Đồng thời, giúp học sinh chia sẻ thoải mái không ngần ngại về những băn khoăn, vướng mắc của bản thân.
Thực tế làm công tác tư vấn, cô Phí Thị Mai Hương cũng nhận thấy thách thức khi làm việc với lứa tuổi học sinh THPT - độ tuổi có sự thay đổi rất lớn về sinh lý, nhận thức và cảm xúc. Trong cuộc sống, từ sinh hoạt gia đình đến việc học ở trường và hoạt động ngoài xã hội, các em luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề khúc mắc, tình huống bất ngờ như: Áp lực học tập, bố mẹ la rầy hay bị bạn bè xa lánh. Đặc biệt, các em đang ở độ tuổi phát triển, hay bị dao động trong suy nghĩ, bắt đầu biết đến thích và yêu bạn khác giới. Nhận thức về kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội chưa đầy đủ, học sinh lứa tuổi này chưa biết cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách hợp lý...
Kinh nghiệm của cô Mai Hương, việc giáo viên có động thái hỗ trợ tâm lý cho học sinh có nhu cầu cần chia sẻ, giải tỏa bức xúc trước các vấn đề các em đang gặp phải là vô cùng cần thiết. Cùng với đó là tư vấn, bồi dưỡng các kỹ năng xã hội và giá trị sống cho học sinh. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp các em học sinh nhận diện và phát huy được điểm mạnh của mình, có mục tiêu và định hướng nghề nghiệp phù hợp với tính cách học sinh. Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với phụ huynh những kỹ năng làm cha mẹ tích cực trong việc giáo dục và chăm sóc con cái như tìm hiểu tính cách, điểm mạnh của con và cách trao đổi với con. Cộng tác với phụ huynh giải quyết các vấn đề về rối nhiễu tâm lý của học sinh đang mắc phải.
Nhưng, người làm công tác tư vấn không thể phát huy hiệu quả nếu "đơn thương độc mã". Do đó, việc cộng tác với giáo viên chủ nhiệm trong việc tìm hiểu các nhu cầu và vấn đề các em học sinh gặp phải trong học tập, cuộc sống để có những can thiệp kịp thời là cần thiết. Đồng thời, phối hợp với Đoàn thanh niên, Ban nữ công nhà trường tổ chức các hoạt động dự phòng rối nhiễu tâm lý học đường, như hoạt động giáo dục kỹ năng sống; các buổi sinh hoạt chuyên đề về tình yêu, giới tính; các lớp kỹ năng học tập, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử khi gặp các tình huống như thiên tai, hỏa hoạn, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường…