Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển toàn diện con người

GD&TĐ - Bài học kinh nghiệm của Đảng bộ ĐH Thái Nguyên đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - đó chính là tư tưởng phát triển toàn diện con người.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà

Tư tưởng về một nền giáo dục khai phóng

GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đã nêu bật bài học này trong bài tham luận tại hội nghị tổng kết 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh ủy Thái Nguyên, tổ chức ngày 29/8.

Trong Thư gửi cho học sinh (1945), Bác Hồ viết: “…Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ về phát triển toàn diện con người đã đặt nền tảng để chúng ta xây dựng nền giáo dục dân chủ, khai phóng, sáng tạo, tiến bộ, vì con người.

Trên nền tảng tư tưởng tiến bộ của nhân loại và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, ĐH Thái Nguyên đã có những đóng góp vào Luật giáo dục (2019), tại điều 2 đã xác định lại mục tiêu giáo dục: “Mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam…” đúng với tư tưởng nền tảng Bác Hồ đã viết hơn 70 năm trước.

Đây sẽ là định hướng rộng về phương thức, tạo điều kiện, xác định rõ mục tiêu “phát triển toàn diện con người”. Đây là tư tưởng khai phóng, tự do và dân chủ, khác với mục tiêu đào tạo “con người Việt Nam phát triển toàn diện” trong Luật Giáo dục 2005 chỉ thể hiện sự kì vọng không dễ thực hiện nếu chỉ trong phạm vi giáo dục nhà trường.

Mục tiêu giáo dục thay đổi căn bản, khi thực hiện mới có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; đồng thời giáo dục ở đây được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển hơn là phạm vi hẹp trong chương trình đào tạo của nhà trường.

Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không chỉ là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể… Quan niệm về việc học, về giáo dục cũng phải thay đổi dựa trên nền tảng tiến bộ và nhân văn mà trong di sản của Bác Hồ đã để lại cho chúng ta.

Bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo nhân lực cho đất nước

ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
 ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà

Theo Giáo sư Phạm Hồng Quang: Đảng bộ ĐHTN đã tập trung vào mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao về trình độ, đặc biệt coi trọng phẩm chất, ý thức trách nhiệm trong học tập-công tác với tinh thần “học để làm người, để làm việc”, đây cũng là tiêu chí để cơ bản để đánh giá năng lực của mỗi cán bộ đảng viên. Đây cũng cần là tiêu chỉ để tuyển dụng cán bộ trong bối cảnh hiện nay.

Xây dựng chương trình đào tạo thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ “việc học lấy tự học làm cốt”, đồng thời cũng là tư tưởng tiên tiến của nhân loại thể hiện trong 4 trụ cột của giáo dục: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”, theo đó cần xây dựng chương trình đào tạo nền tảng học vấn rộng (trong đó coi trọng giáo dục, đào tạo năng lực, hình thành phẩm chất, đạo đức, kĩ năng sống cho sinh viên); phương pháp giáo dục tăng thực hành, học và làm trong thực tế “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn” như lời Bác Hồ đã dạy.

Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với giáo dục hiện nay về chất lượng và hội nhập quốc tế, càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ trong bản di chúc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Với tư tưởng phát triển toàn diện con người thì giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cần phải được xem là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường.

Giáo dục nhà trường không phải là nhân tố duy nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng con người. Hiểu đúng điều này để xác nhận sự đóng góp của giáo dục đối với phát triển con người là tạo cơ hội và điều kiện là chủ yếu, thúc đẩy các nhân tố tích cực để quá trình phát triển nhân cách phải do chính con người quyết định…Từ đây, gỡ bỏ cách hiểu không đúng về trách nhiệm nhà trường là duy nhất hoặc giáo dục là “vạn năng” đối với sự phát triển của con người.

Đảng bộ Đại học Thái Nguyên có 11 đảng bộ cơ sở, 180 chi bộ trực thuộc, có 3.180 đảng viên. ĐHTN đã và đang thực hiện tốt mục tiêu sứ mạng đã được xác định trong Luật giáo dục ĐH sửa đổi (2018); “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước” thể hiện ở 3 trụ cột: đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu –chuyển giao khoa học công nghệ và tư vấn, phản biện chính sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải