(GD&TĐ) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều bài học quý giá cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Có những bài học được Người dạy trực tiếp hoặc lập ngôn, trước tác để lại, tuy nhiên cũng có những bài học mà thế hệ sau rút ra được từ tư tưởng, hành động của Người. Chẳng hạn từ tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể rút ra bài học về định hướng tương lai và hành động cho thế hệ trẻ.
Đoàn tình nguyện Hành trình xanh chụp ảnh lưu niệm nơi tượng đài Bác Hồ trong chương trình “Hành trình xuyên Việt 2011- từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” (ảnh do đoàn cung cấp) |
Có thể thấy, tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ thuở nhỏ, khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, được giáo huấn lòng yêu nước, gần dân của gia đình; được thừa hưởng nền văn hóa truyền thống đấu tranh bất khuất của xứ Nghệ, lại tiếp thu truyền thống chống ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc để rồi hình thành ở Người lòng yêu nước thương nòi.
Đặc biệt khi được hầu chuyện cha với các sĩ phu yêu nước đồng thời là thầy học của mình như Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý, Trần Thân, Phan Bội Châu… Người dần hiểu được thời cuộc và nỗi ưu tư của các bậc thầy, cha chú trước cảnh nước mất nhà tan. Những câu chuyện đàm đạo đó đã truyền lửa tới tâm hồn Người. Và, vốn có tư chất thông minh, tư duy độc lập, Người đã ôm ấp chí lớn cứu nước, cứu dân. Với nghị lực phi thường, không chịu đi theo lối cũ của các bậc tiền bối, Người đã quyết chí đi sang phương Tây để thấy tận mắt đất nước của những kẻ đã tới thôn tính dân tộc mình, mong tìm con đường giải phóng dân tộc.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì Tổ quốc, vì dân tộc là mối quan tâm hàng đầu, trở thành tư tưởng trung tâm, cốt lõi trong hệ thống tư tưởng của Người. Và tất cả những suy nghĩ, những lời nói, mọi hành động trong suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhằm để thực hiện lý tưởng, hoài bão đó.
Năm 1911, với tên Văn Ba, Người ra đi tìm đường cứu nước. Tất cả những việc làm như phụ bếp, bồi bàn đến dọn tuyết, ..., Người đều không từ nan để thực hiện lý tưởng. Trong suốt thời gian đó, hễ có cơ hội là Người thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình. Như tại Đại hội Tours cuối năm 1920 của Đảng Xã hội Pháp, đến lúc biểu quyết, gia nhập Đệ Tam hoặc ở lại Đệ Nhị Quốc tế thì với tên Nguyễn Ái Quốc, Người bỏ phiếu cho Đệ Tam Quốc tế. Bởi vì Người hiểu rõ một điều Quốc tế thứ 3 rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế thứ 3 nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu.” .
Tìm con đường giải phóng dân tộc cứ canh cánh trong lòng Nguyễn Ái Quốc, như một lực hấp dẫn, chiêu cảm mạnh mẽ, để rồi dẫn đường Người tới với Sơ thảo luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa là “cái cần cho chúng ta, là con đường giải phóng chúng ta”.
Trở về nước năm 1941, Người chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, trong thư Kính cáo đồng bào, Người khẳng định và chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng” . Thế rồi cách mạng tháng Tám thành công, chính Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” .
Rõ ràng, Tổ quốc và nhân dân là mối quan tâm thường hằng tạo nên những trăn trở thường xuyên trong tâm khảm Người. Trả lời các nhà báo, Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” .
Cuối tháng 5 năm 1946, nhận lời mời đi thăm hữu nghị nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian Người đi vắng (4 tháng). Trước khi đi Người đã nói chuyện với đồng bào: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân […]. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân” . Và Người nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “Dĩ bất biến ứng vạn biến””. Đó chính là một triết lý, là mối quan hệ giữa cái không thay đổi và cái thay đổi, giữa bản thể và hiện tượng,... là vấn đề trung tâm của triết học xuyên suốt từ cổ chí kim. Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng có muôn hình vạn trạng, có thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, biến hóa khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó. Ở đây cái bất biến của dân tộc Việt Nam trong lúc “ngàn cân treo sợi tóc” là Tổ quốc độc lập, dân tộc tự do. Chính với phương châm triết lý đó, ở nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nghiêm khắc trừng trị bọn Quốc dân Đảng gây rối, cũng như các thế lực chống phá Nhà nước Việt Nam non trẻ, giữ vững được nền độc lập dân tộc.
Nhưng chỉ sau một năm tuyên bố độc lập cho Tổ quốc trước toàn thể quốc dân đồng bào và quốc tế, thì thực dân Pháp định cướp nước ta một lần nữa. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và đanh thép tuyên bố: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!” . Và, chính bằng quyết tâm thực hiện tư tưởng chủ đạo đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân và toàn dân ta đã đánh thắng giặc Pháp xâm lược, làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.
Để giành và bảo vệ độc lập Tổ quốc, tự do dân tộc, nhân dân ta hết kháng Pháp lại kháng Mĩ. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, ngày 17/7/1966, lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện câu nói bất hủ, cũng là nguyên lý, nguyên tắc đầu tiên và trên hết trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” . Đó là đỉnh cao của lý luận, được đúc rút từ thực tế đất nước Việt Nam, trong suốt cuộc đời hoạt động của Người và đã trở thành chân lý vĩnh hằng…
Như vậy, bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thật nhiều. Có những bài học đã trở thành giá trị văn hóa có ảnh hưởng không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với nhân loại. Từ tư tưởng chủ đạo và hành động suốt cuộc đời của Người, có thể rút ra nhiều bài học, nhưng nổi bật hai bài học quan trọng cụ thể là:
Thứ nhất bài học mang tính thực tiễn không chỉ dành cho lớp trẻ mà cho mỗi người dân đất Việt đó là: luôn có một tình yêu đối với Tổ quốc, với dân tộc, với đồng bào, với gia đình. Tình yêu đó phải thường trực mới có thể trở thành con người không bị thất cước, không mất đi cái bản thể, cái gốc của mình.
Thứ hai là bài học mang tính lý luận. Chúng ta thấy Người đã thực hiện theo đúng quy luật của tự nhiên, của triết học về mối quan hệ của bản thể và hiện tượng, giữa cái bất biến và cái vạn biến, giữa cái không thay đổi và cái thay đổi. Bởi hoài bão, định hướng cứu nước, cứu dân trở thành bản thể cho tất cả những biểu hiện hành động của Người. Điều này cho mỗi người trẻ một bài học rằng cần có một lý tưởng, một mục đích tốt làm gốc cho sự phát triển cuộc đời.
Đành rằng mỗi người sẽ có một ý chí, một hướng đi khác nhau trong đời, nhưng điều quan trọng hàng đầu là sớm xác định cho mình một hướng đi đúng, một lý tưởng đẹp, một mục đích cao cả để từ đó làm cái đích hướng tới cho những hành động cụ thể trong cuộc đời của mình. Bởi chỉ có thể định hướng rõ kết hợp với tư duy thường trực và thường xuyên hành động thì mới sớm đạt được đích, gặt hái thành công.
Nguyễn Cảnh Chương
------------------------------
Tài liệu tham khảo:
Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Trẻ, 2005 (Bản PDF 11/2/2007), tr. 44.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 198.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 12.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 379.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 568.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 1018.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 110.