Từ trang sách: Hiểu để nâng niu 'cửa sổ tâm hồn'

GD&TĐ - Cuốn sách 'Kể chuyện con mắt', đón chào độc giả với trang bìa rất ấn tượng, được ghép từ hình ảnh con mắt của cá, hổ, chim đại bàng và ong.

Tuy chứa đựng nhiều kiến thức khoa học, nhưng cuốn sách luôn thú vị, cuốn hút. Ảnh: Tấn Quyết
Tuy chứa đựng nhiều kiến thức khoa học, nhưng cuốn sách luôn thú vị, cuốn hút. Ảnh: Tấn Quyết

Đọc cuốn sách "Kể chuyện con mắt", độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về những điều thú vị ẩn chứa sau đôi mắt của mỗi loài động vật trong thế giới tự nhiên.

Đa dạng công dụng

Cuốn sách đón chào độc giả với trang bìa rất ấn tượng, được ghép từ hình ảnh con mắt của cá, hổ, chim đại bàng và ong. Ngắm nhìn bức ảnh này, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy được các điểm khác biệt giữa con mắt của các loài vật như vị trí, số lượng mắt…; từ đó tự đặt ra câu hỏi: Sự khác biệt ấy đến từ đâu và dùng để làm gì, để rồi háo hức lật mở các trang sách tiếp theo để tìm hiểu.

Tác phẩm dành những trang sách đầu tiên để giới thiệu đặc điểm chung của con mắt trong thế giới tự nhiên. Đó có thể là công dụng chính của mắt: “Mắt là để nhìn. Phần lớn thông tin thế giới xung quanh được mắt thu nhận. (…) Nhờ có hai mắt mà người ta nhìn rõ được hình thù khối cạnh, xác định được chính xác khoảng cách xa gần của mọi vật”.

Hay đó cũng là cách giải thích vì sao mắt thường được đặt trên đầu của các loài động vật: “Đó là vì mắt phải ở ngay gần bộ óc để truyền thông tin nhanh chóng những điều nhìn thấy. Mặt khác, đầu bao giờ cũng ở trên cao nên ở đấy mắt nhìn được xa hơn khắp một vùng xung quanh”. Qua đó, độc giả có thể hiểu hơn về mục đích và chức năng chung của con mắt trong thế giới tự nhiên.

Những trang sách tiếp theo sẽ giúp các thắc mắc của độc giả dần trở nên sáng tỏ. Thì ra, sự khác biệt giữa những đôi mắt ấy bắt nguồn từ mục đích sử dụng của từng loài vật. Chẳng hạn như mắt ngựa “lồi ra để dễ dàng nhìn được cả bốn phía, kể cả phía sau”, giúp ngựa có thể sớm phát hiện mối nguy hiểm đến từ phía sau để có thể phòng bị trước.

Hay mắt của những loài chim buộc phải có tầm nhìn rộng và cực kì tinh tường để có thể dễ dàng bay lượn trên không trung. Hoặc đó còn là điểm thú vị của các loài côn trùng: Nhìn thoáng qua ta cứ tưởng chúng chỉ có hai mắt, nhưng trên thực tế mỗi mắt của chúng lại được tạo thành từ rất nhiều mắt đơn hợp lại: “Mắt ong chúa có 4.900, ong thợ có 6.300. Chuồn chuồn ớt mắt thô lố có tới 20.000!”.

Tuy chứa đựng nhiều kiến thức khoa học, nhưng cuốn sách lại không hề khô khan, mà ngược lại, rất thú vị và cuốn hút. Bởi lẽ, những thông tin ấy được khéo léo diễn đạt chỉ trong khoảng một đến hai câu, cùng với đó là hình vẽ minh họa, giúp độc giả dễ dàng hình dung theo những kiến thức gợi ý.

“Cửa sổ tâm hồn”

tu trang sach hieu de nang niu cua so tam hon (1).jpg
Cuốn sách nằm trong bộ 'Truyện tranh khoa học' của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: Tấn Quyết

Bên cạnh giới thiệu tới độc giả những thông tin thú vị về con mắt của các loài động vật trong thế giới tự nhiên, tác phẩm còn muốn gửi gắm những thông điệp đầy ý nghĩa về chúng.

Không chỉ có đúng công dụng dùng để nhận biết thế giới xung quanh, hầu hết con mắt của các loài động vật còn có thêm một chức năng đặc biệt nữa: Bày tỏ cảm xúc. “Đôi mắt còn giúp cho con người thể hiện niềm vui, nỗi buồn, sự giận dữ, sợ hãi, niềm yêu thương…”.

Quả thực, mắt chính là nơi quan trọng nhất mỗi khi ta bày tỏ cảm xúc của mình. Các bộ phận khác như tay, chân, miệng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, diễn đạt cảm xúc mà đôi mắt mới là nơi truyền tải. Nếu như đôi mắt thiếu đi chức năng xúc cảm ấy, thì những hành động của các bộ phận lại trở nên thật thừa thãi và không có ý nghĩa gì cả.

Cùng với đó, thế giới sẽ trở nên lạnh lẽo, tẻ nhạt bởi vì cảm xúc không được thể hiện ra ngoài, khiến không ai có thể hiểu nhau được. Vì vậy, thật không quá khi nói rằng: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”.

Chính bởi tầm quan trọng của đôi mắt, về cả mặt vật chất và mặt tinh thần, ở cuối tác phẩm, tác giả Nguyễn Như Mai rút ra thông điệp thật ý nghĩa: “Bởi vậy ta luôn phải giữ gìn đôi mắt cho thật trong sáng”.

Có một đôi mắt sáng giúp ta có một cuộc sống dễ dàng khi vừa có thể nhìn rõ mọi vật xung quanh, giải quyết các công việc, nhiệm vụ cần làm một cách tốt nhất lại vừa có thể thể hiện cảm xúc một cách rõ ràng, chân thật.

Nhất là với từ “trong sáng”, phải chăng, tác giả còn ngụ ý nhắc nhở mỗi người hãy giữ gìn “cửa sổ tâm hồn” của mình không bị vẩn đục để luôn có được góc nhìn thuần khiết, nhân ái, công bằng trong cuộc sống.

Với tác phẩm “Kể chuyện con mắt”, độc giả có thể mở rộng vốn kiến thức của mình qua những thông tin thú vị được cung cấp trong cuốn sách. Bên cạnh đó, tác giả đã nêu bật lên được tầm quan trọng về cả vật chất và tinh thần của đôi mắt, từ đó rút ra thông điệp ý nghĩa về bảo vệ đôi mắt để mỗi người thêm trân trọng, nâng niu “cửa sổ tâm hồn”.

Tác phẩm “Kể chuyện con mắt” được viết lời bởi Nguyễn Như Mai và tranh vẽ minh họa của Nguyễn Quang Vinh. Dù chỉ dày 23 trang, nhưng cuốn sách đã khéo léo lồng trong đó 20 đề mục nhỏ, giới thiệu tới độc giả cách động vật ngoài tự nhiên sử dụng con mắt của chúng như thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nước vui' là nước gì?

GD&TĐ - Cuối tháng 9, Công an TP Kon Tum bắt một vụ vận chuyển 'nước vui' đang trên đường đi tiêu thụ tại huyện Đắk Hà (Kon Tum).

Minh họa/INT

Sẵn sàng nghênh chiến

GD&TĐ - Iran chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với màn đáp trả của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ đánh lại nhà nước Do Thái nếu điều này xảy ra.