Từ thực tế Trung Quốc, khuyến nghị đối với giáo dục đại học Việt Nam

GD&TĐ - Sáng nay (14/10) tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng, đã cùng các thành viên đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài thuộc Chương trình khoa học & công nghệ quốc gia.

Trình bày của TS Mai Ngọc Anh chủ nhiệm Đề tài
Trình bày của TS Mai Ngọc Anh chủ nhiệm Đề tài

Đề tài “Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học của Trung Quốc và một số khuyến nghị với Việt Nam” thuộc Chương trình khoa học & công nghệ quốc gia do TS Mai Ngọc Anh làm chủ nhiệm Đề tài. 

Tóm tắt nghiên cứu của nhóm cho thấy chiến lược phát triển GDĐH của Trung Quốc qua các giai đoạn; hai nền GDĐH ở 2 quốc gia, đều khẳng định vai trò, trách nhiệm của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương trong phát triển hệ thống GDĐH cùng định hình xây dựng một số cơ sở GDĐH đẳng cấp quốc tế.

Từ thực tế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị: Về mạng lưới; Về xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế; Về bộ máy; Về tài chính; Về nhân sự; Về đào tạo kiểm định chất lượng…  Các vấn đề ưu đãi về thuế với sinh viên thực hiện dự án khởi nghiệp; Doanh nghiệp nhận sinh viên mới tốt nghiệp được hưởng ưu đãi thuế; Khuyến khích, hỗ trợ việc làm đối với sinh viên đi tìm việc ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn...

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng nêu ý kiến tại cuộc họp
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng nêu ý kiến tại cuộc họp

Phản biện Đề tài, TS Nguyễn Kim Phụng cho rằng: Đề tài đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về GDĐH Trung Quốc. Tuy nhiên cần bổ sung tài liệu mới để cập nhật những chính sách mới trong những năm gần đây để đối sánh với Việt Nam; rút ra được bài học thực tế, sao cho chúng ta đỡ tụt hậu. Cần rõ nét hơn về những định hướng và đề xuất các biện pháp để đạt được thành công như Trung Quốc.

TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học chỉ rõ trong giải pháp kiến nghị nên tiếp cận với con số, thông số cụ thể phù hợp với các nguồn lực, hoạch định nhân lực của các bộ, ngành rất quan trọng. Đảm bảo chất lượng cần nhìn thấy các nguồn lực đầu tư trong GDDH đến từ đâu, những bên nào quản lý nhà nước tham gia vào, bài toán đầu tư ngân sách công là vô cùng khó, cần chỉ ra vai trò của các bên...

TSKH Nguyễn Đình Đức nêu ý kiến, cần có phân tích tại sao Trung Quốc làm được, Việt Nam lại không làm được. TS Đức cũng cho rằng cần chỉnh sửa nội dung cho phù hợp cũng như có những đề xuất chính sách hợp lý trong phát triển GDĐH Việt Nam.

TS Hoàng Thế Anh kiến nghị nhóm nghiên cứu cần nêu khuyến nghị trúng hơn: Rõ mối quan hệ nhà nước và thị trường TQ với mỗi gian đoạn phát triển, thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư cho GD. Để thấy độ trễ, tính quy luật trong phát triển, làm rõ giai đoạn này phát triển gì, giai đoạn sau phát triển gì...

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Đề tài đã cung cấp một bức tranh khá đầy đủ mang tính hệ thống về quản lý nhà nước về GDĐH ở Trung Quốc. Nhóm đã đưa ra đối chiếu thông tin tư liệu thu nhập được rất công phu, kiến nghị hợp lý. Tuy nhiên, chấp nhận đến đâu còn tùy thuộc các nhà hoạch định chính sách GD.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đánh giá cao những nội dung nghiên cứu được đưa ra, trong đó 3 nội dung làm rất kỹ. Các kiến nghị cũng thể hiện sự cố gắng của nhóm nghiên cứu. Các ý kiến của thành viên hội đồng đều đánh giá cao. Đồng thời đề xuất chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: GDĐH có nhiều vấn đề, các nhóm đề tài, nghiên cứu có nhiều góc nhìn khác nhau. Đề tài được nhóm thực hiện có cái nhìn so sánh dưới góc nhìn và cách tiếp cận từ Trung Quốc. Việc đánh giá tác động chính xác sẽ tác động đến cơ quan quản lý nhà nước, tạo thay đổi nhận thức của xã hội. Kiến nghị phải có tầm nhìn, cụ thể để áp dụng.

Chiến lược quy hoạch dựa vào nghiên cứu từ Trung Quốc, vậy chiến lược Việt Nam thế nào cho phù hợp? Có nên khuyến khích tư nhân, nhà nước bỏ kinh phí thế nào theo kinh nghiệm Trung Quốc? Vấn đề quy hoạch có theo vùng hay theo lĩnh vực? Quy hoạch ĐH đẳng cấp quốc tế có quy hoạch như Trung Quốc không? Đây là những câu hỏi lớn cần được nhóm nghiên cứu bổ sung.

Thứ trưởng cũng đặt vấn đề về hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống văn bản, từ thực tế Trung Quốc, nhóm thấy hiệu quả thế nào để đưa ra kiến nghị với Việt Nam. Cơ chế chủ quản thực hiện thế nào, có hay không, hay đưa về một bộ (ngoài quản lý nhà nước- PV). Tài chính ai chi tập trung về đâu, nên có một đơn vị, một cơ quan tập trung nào...

Thứ trưởng đặc biệt yêu cầu, kiến nghị cần cụ thể, có địa chỉ nơi cần kiến nghị và tập trung vào chiến lược và quy hoạch, tăng mạnh tỷ lệ đầu tư ngân sách NN cho GDĐH, kiến nghị về đẳng cấp quốc tế. Có cần thiết hình thành hệ thống cấp chứng chỉ quốc gia theo Trung Quốc hay không...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ