(GD&TĐ) - Có một thực trạng đã và đang xảy ra: tất cả các đơn vị, cơ sở hằng tháng, hằng quí, hằng năm… đều có họp hành, kiểm điểm, tổng kết phân loại từng người, từng tổ chức. Trong các cuộc họp ấy đều dựa trên tình đồng chí và ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng và đoàn thể… để phê và tự phê, lấy đó làm cở sở để bình bầu đánh giá từng con người và tổ chức.
Cùng với việc làm chặt chẽ đó, các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Đặc biệt những người có chức vụ cao, vị trí xã hội quan trọng thì học bài bản hơn nhiều, thế nhưng tình hình đánh giá kết quả không chính xác, các giá trị bị đặt nhầm chỗ đang trở thành phổ biến trong đời sống chính trị xã hội của chúng ta.
Trong thời bình, thời của con người làm ăn sinh sống, đặc biệt trong cơ chế thị trường, cho dù là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì không một ai thoát khỏi sự chi phối của lợi ích cá nhân. Đó là sự ảnh hưởng tất yếu của qui luật giá trị. Có chăng, chỉ loại trừ một số rất ít người “đắc đạo” nằm ngoài cái vòng xoáy đó. Nói một cách khác, trong cơ chế thị trường có nhiều lý do mà người này không nói ra được khuyết điểm của người khác và tự nói ra khuyết điểm chính mình. Trong đó, vấn đề quan hệ lợi ích cá nhân chi phối có tính quyết định giữa việc phê hay không phê bình, tự phê hay không tự phê bình.
Trong hoàn cảnh như vậy, sự xác định giá trị phải bằng phương cách khác, phê và tự phê cũng phải theo một phương cách khác. Đã là thị trường thì có cạnh tranh, hiệu quả của cạnh tranh là lợi ích của một người, của một nhóm người, của một tập đoàn người, của một quốc gia này phải hơn quốc gia khác.
Trong cái cơ chế ấy, con người bắt buộc phải hơn thua nhau bằng hiệu quả công việc. Chất lượng và số lượng sản phẩm làm ra bằng lao động chân tay hay lao động trí óc là thước đo giá trị chân chính, chính xác nhất. Và bất cứ ở đâu dù là trong các cơ quan công quyền cũng cần tìm ra phương cách biến những cái trừu tượng trở thành những quy ước định lượng cần thiết tối thiểu để qui kết được kết quả, qui kết được trách nhiệm trong những qui chế, trong pháp luật thật rõ ràng để điều tiết các mối quan hệ xã hội nói chung, trong bộ máy công quyền nói riêng.
Thiết tưởng, một trong những điều quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức hiện nay là phải bằng phương cách khoa học, tôn trọng qui luật khách quan để đặt cho được các giá trị đúng chỗ. Nếu mãi tiếp tục phân loại đảng viên, các tổ chức Đảng, Đoàn thể, đơn vị chính quyền theo phương thức căn cứ chủ yếu vào việc phê và tự phê, bỏ phiếu kín của từng đơn vị nhỏ rồi đề nghị cấp trên xét duyệt sẽ không còn phù hợp trong cơ chế thị trường nữa. Cơ chế bình bầu này, rất khó khám phá được lòng người và bản chất của sự việc để qui trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội cho một cấp, một tổ chức hay một cá nhân nào. Có khi cơ chế đó dễ bị những kẻ cơ hội khéo léo lợi dụng hạ bệ người này, tâng bốc người kia, bóp méo mục đích phê và tự phê, thậm chí phản tác dụng.
Thiết nghĩ, trong cơ chế thị trường, phê và tự phê bình là một phương cách duy nhất đánh giá nhưng không phải là biện pháp chủ yếu xây dựng các tổ chức chính trị xã hội, điều tiết các mối quan hệ nội bộ trong hệ thống chính trị như trong thời chiến được nữa. Cần phải nghiên cứu, xem xét lại cả về lý luận và thực tiễn, nhằm đổi mới phương thức và công cụ xây dựng các tổ chức sao cho phù hợp với thời thế. Chỉ, có suy nghĩ và hành động như vậy, chúng ta mới thật sự là những hậu duệ tuân thủ quan điểm biện chứng, tôn trọng qui luật khách quan mà những bậc triết gia tiền bối của chủ nghĩa cộng sản đã dày công khám phá, vạch đường cho các dân tộc và toàn nhân loại.
Phạm Thông