Từ năm 2021, giảng viên ĐH Ấn Độ phải có học vị tiến sĩ

GD&TĐ - Từ năm 2021, học vị tiến sĩ là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên trình độ ĐH ở Ấn Độ, kể cả giảng viên trợ giảng. Ngoài học vị tiến sĩ, các ứng cử viên cho vị trí giảng viên ĐH còn cần phải vượt qua bài kiểm tra tư cách quốc gia hoặc các bài thi khác tương đương. Đây là chỉ định đầu vào đối với các giảng viên ĐH theo dự thảo chính sách vừa được đề xuất.

Theo quy định hiện thời của Ấn Độ, đầu vào đối với một giảng viên trợ giảng là phải vượt qua bài kiểm tra tư cách quốc gia (NET) và có trình độ thạc sĩ
Theo quy định hiện thời của Ấn Độ, đầu vào đối với một giảng viên trợ giảng là phải vượt qua bài kiểm tra tư cách quốc gia (NET) và có trình độ thạc sĩ

Mục tiêu nâng cao chất lượng GD ĐH

Cùng với các yêu cầu nêu trên, giảng viên ĐH còn phải trải qua một chương trình làm quen bắt buộc kéo dài một tháng trước khi bắt đầu công việc, đồng thời phải dành hai giờ để tư vấn cho SV trong các hoạt động phát triển cộng đồng hoặc ngoại khóa.

Theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Phát triển Nguồn nhân lực (HRD), người đề nghị được giấu tên, những thay đổi này được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng GD ĐH. Người này cũng nói thêm rằng, Ủy ban Trợ cấp ĐH (UGC) sẽ sớm ban hành các qui định bằng cấp tối thiểu đối với giảng viên.

Từ trước tới nay, yêu cầu đầu vào tối thiểu đối với một giảng viên trợ giảng ở Ấn Độ là họ phải vượt qua bài kiểm tra tư cách quốc gia (NET) và có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, chính phủ sẽ sớm thông báo về qui định bằng cấp mới cũng như các biện pháp nhằm duy trì chất lượng ĐH.

Ngoài học vị tiến sĩ, các ứng cử viên cho vị trí giảng viên ĐH còn cần phải vượt qua bài kiểm tra tư cách quốc gia hoặc các bài thi khác tương đương, theo các quan chức HRD cho biết. Duy có điểm khác là những ai đạt được học vị tiến sĩ trước năm 2009 sẽ không cần phải làm bài thi NET.

Những dự thảo đề xuất này vừa được UGC trình lên Bộ HRD phê duyệt, sau khi đã tập hợp và tiếp thu các ý kiến đóng góp trực tuyến toàn xã hội.

Một vài điểm khác của qui định mới bao gồm xóa bỏ việc đánh giá dựa trên kết quả học tập (API), giới thiệu hệ thống cho điểm đánh giá giáo viên đã được đơn giản hóa và bổ sung điểm nghiên cứu/học thuật cho các trường ĐH để cải thiện kết quả nghiên cứu.

“Tôi biết về rất nhiều nghiên cứu sinh của các trường ĐH mà luận án của họ được coi là xuất sắc ở cấp độ toàn cầu và đã được xuất bản trong các tạp chí nghiên cứu danh giá. Các tiến sĩ như vậy sẽ bị xúc phạm khi phải trải qua kỳ thi NET để được tuyển dụng” - ông Singh bình luận.

Ngoài ra, việc phong chức danh PGS ở các trường CĐ sẽ được thực hiện dựa trên chỉ số giảng dạy là chính; còn ở các trường ĐH thì bao gồm cả chỉ số giảng dạy và nghiên cứu. Học vị tiến sĩ cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các trường hợp được phong PGS ở các trường CĐ và giảng viên trợ giảng (associate professor) ở các trường ĐH.

Chú trọng tuyển dụng nhân tài

Để khuyến khích các cá nhân xuất sắc, đã đạt được dấu ấn ở các trường ĐH nước ngoài trở về nước làm việc, một điều khoản đặc biệt đã được đưa ra trong dự thảo đề xuất, ở mục điều kiện về tư cách trong tuyển dụng giảng viên trợ giảng tại các trường ĐH và CĐ.

Tất cả những người có bằng tiến sĩ từ một trường ĐH hay học viện có thứ tự xếp hạng trong top 500 trong bảng xếp hạng các trường ĐH quốc tế (bất kể thời gian nào) được thực hiện bởi Bảng xếp hạng ĐH thế giới (QS), Bảng xếp hạng ĐH theo thời báo Times (THE) hoặc Bảng xếp hạng chất lượng ĐH thế giới của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc)… sẽ đủ điều kiện để được xét tuyển trực tiếp và không cần phải tham dự bài sát hạch NET.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, trình độ tiến sĩ nên là điều kiện tối thiểu để tuyển dụng tại các trường ĐH. Sau khi đã được cân nhắc kỹ, qui định mới sẽ được quyết định áp dụng từ năm 2021. “Tôi không biết điều gì đã thúc đẩy những thay đổi này. Nhưng tôi chắc chắn rằng đó là quyết định khôn ngoan và sáng suốt”, Dinesh Singh, cựu Phó Hiệu trưởng của ĐH Delhi nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ