Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) với phóng viên báo Tin tức về 4 điều mới nói về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi (gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi) trong Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi.
Xin ông cho biết, bốn điều quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong Luật Chăn nuôi thể hiện điều gì?
Quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi là một bước tiến bộ của Luật Chăn nuôi ở Việt Nam. Vấn đề này không mới, vì nhiều nước đã có hẳn một bộ luật riêng về vấn đề này. Còn Việt Nam mới đưa 4 điều vào Luật Chăn nuôi, nhưng cũng tương đối đầy đủ.
Bốn quy định này thể hiện sự nhân đạo của người Việt đối với vật nuôi ở tất cả các khâu trong quá trình giao tiếp giữa con người với vật nuôi, ví dụ từ vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học… chúng ta đều phải đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Về mặt khoa học, việc đối xử nhân đạo với vật nuôi sẽ làm cho vật nuôi sinh trưởng tốt hơn, cho nhiều thịt nhất, cho nhiều trứng nhất, tiết nhiều sữa nhất… và tất cả các sản phẩm đều ngon hơn. Bởi vì, khi con vật được thoải mái, ví dụ như: Bật nhạc cho bò nghe, sản phẩm sữa được sản xuất ra chất lượng rất cao.
Ngược lại, nếu không đối xử nhân đạo với vật nuôi, gây cho vật nuôi đau đớn, sợ hãi, hành hạ… thì hóc môn của con vật sẽ tiết ra những chất không tốt truyền vào máu, sản phẩm. Như vậy, sản phẩm tạo ra sẽ kém, gây hại cho con người.
Do vậy, việc đối xử nhân đạo với vật nuôi vừa đúng theo tinh thần nhân văn của người Việt, vừa tạo ra chất lượng thực phẩm tốt hơn. Đây cũng là một điều kiện để hội nhập. Vì các nước phát triển có chương trình đối xử công bằng với vật nuôi, họ coi đây là điều kiện nhập khẩu hàng hóa. Nếu các nước xuất khẩu không đối xử nhân đạo với vật nuôi thì không được phép xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào đất nước của họ.
Trên thực tế, Việt Nam có gần chục triệu hộ chăn nuôi, với một con số quá lớn như vậy thì việc thực thi các quy định này có gặp khó khăn không, thưa ông?
Giữa quy định và thực hiện cần một lộ trình. Ví dụ trong điều 71 của Luật có ghi rằng, phải có biện pháp gây ngất cho vật nuôi hoặc không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Tôi cho rằng quy định này hoàn toàn khả thi và cần thiết.
Vì hiện nay, các lò mổ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ đều đã trang bị thiết bị gây ngất, gây ngất bằng điện, gây ngạt... có nghĩa là con vật chưa cảm thấy đau đớn, sợ hãi đã bị ngất tức thì. Lúc đó mới tới các quy trình giết mổ tiếp theo.
Còn với những hộ nhỏ lẻ, cần một quá trình và lộ trình thực hiện điều này. Trong đó, đơn giản nhất là không đánh đập vật nuôi, dùng các biện pháp nhân đạo gây chết, không cho vật nuôi chứng kiến việc giết hại đồng loại.
Thực tế, con vật cũng rất tình cảm. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy, khi giết mổ đồng loại ngay trước mắt chúng, nước mặt chúng trào ra, con vật vừa sợ hãi vừa căm thù. Ngày xưa, khi cắt tiết con gà, các cụ cũng thường niệm rằng: "Hóa kiếp này mày sang kiếp khác" hay “Khuyển mã chí tình”...
Vậy nên, cần tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi nhận thức được vấn đề này. Nếu tuyên truyền tốt, người dân sẽ thực hiện được.
Xin cảm ơn ông!