Theo hướng dẫn, số lượng người làm việc của trường được thành lập mới sau khi sáp nhập bằng tổng số người làm việc của hai trường trước khi sáp nhập, sau khi trừ đi số người làm việc ở vị trí quản lý, giáo viên, tổng phụ trách, nhân viên hành chính dôi dư đã thực hiện điều động, luân chuyển sang các cơ quan, đơn vị khác thuộc UBND huyện, thành phố.
Chủ tịch UBND huyện, thành phố báo cáo Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy phương án sắp xếp hợp lý cán bộ quản lý sau khi sáp nhập các trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS.
Trường hợp Hiệu trưởng trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS do sáp nhập được bố trí giữ chức vụ Phó hiệu trưởng: Được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Trong thời hạn bảo lưu được xem xét, điều động, bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng ở các trường khuyết thiếu Hiệu trưởng nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Đối với những trường khi thực hiện sáp nhập có số Phó Hiệu trưởng nhiều hơn so với quy định mà không thể điều động, bố trí được thì trước mắt giữ nguyên, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung; đồng thời phải có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất.
Trường hợp điều chuyển, bổ nhiệm giữ chức vụ có phụ cấp thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định.
Sau khi sáp nhập, Hiệu trưởng nhà trường thực hiện sắp xếp, thành lập tổ chuyên môn và bổ nhiệm tổ trưởng, phó tổ trưởng chuyên môn bảo đảm cơ cấu bộ máy trường tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu quả.
Mỗi trường sau khi sáp nhập bố trí 1 người làm công tác tổng phụ trách, từ năm 2019 không bố trí tổng phụ trách chuyên trách. Chủ tịch UBND huyện, thành phố thực hiện điều động, bố trí tổng phụ trách và giáo viên dôi dư từ các trường thừa về các trường còn thiếu trong phạm vi quản lý.