Thạc sỹ Sâm khuyến cáo, trong trường hợp người bệnh chưa có điều kiện đi khám mà phải dùng thuốc gấp thì chỉ nên mua kháng sinh và dung dịch rửa mắt như nước muối.
Nguy cơ bùng phát mạnh
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ, viêm giác mạc đến khám tăng cao hơn so với trước đây từ 3-4 lần.
Mỗi ngày, các bác sỹ của bệnh viện khám khoảng từ 1.000-1.500 bệnh nhân, trong đó có khoảng 300-4.00 bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám sống tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Theo nhận định của Bệnh viện Mắt Trung ương, trong 1 tuần trở lại đây, dịch đau mắt đỏ bắt đầu xuất hiện và có nguy cơ bùng phát mạnh.
Trong khi đang chờ đến lượt khám, anh Nguyễn Văn Thắng, 40 tuổi, ở Quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Do tính chất của công việc, tôi cũng giao tiếp đông người, hôm trước tôi có tiếp xúc với một khách hàng bị đau mắt và lây bệnh. Ngay lập tức tôi tới bệnh viện luôn. Cảm giác mắt rất khó chịu, ra nhiều dử mắt, nóng rát".
Anh Trần Mạnh Hùng, ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ, lần đầu anh bị bệnh đau mắt đỏ, cảm giác rất ngứa, rát và mắt sưng to. Hiện tại cơ quan anh có một số đồng nghiệp bị nên có thể anh bị lây bệnh từ cơ quan.
Tại một số tỉnh khác, số trường hợp đau mắt đỏ cũng gia tăng. Theo thống kê của Bệnh viện mắt tỉnh Hà Nam, từ đầu tháng Chín đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 200 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó tỷ lệ người mắc bệnh đau mắt đỏ chiếm khoảng 8-10%.
Theo thống kê, ở Bệnh viện mắt tỉnh Hà Nam đến nay chưa xuất hiện trường hợp bệnh nhân nặng và biến chứng. Tuy nhiên, trên thực tế, số người bị đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh cao hơn số liệu thống kê của bệnh viện bởi nhiều người đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, hoặc khám tại các phòng khám tư nhân.
Thạc sỹ Trần Khánh Sâm phân tích, thời điểm giao mùa như không khí, độ ẩm, nhiệt độ thay đổi là điều kiện thuận lợi để virus tấn công lại cơ thể con người.
Hiện nay, các thuốc đều có tác dụng điều trị cho nhanh khỏi, bởi bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, bệnh nhân bị đau mắt thì nên đi khám để được điều trị hợp lý.
Để phòng chống lây lan mạnh và bùng phát thành dịch như năm 2013, phó giáo sư Đỗ Như Hơn - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay:
"Đứng trước tình hình như hiện nay bệnh viện đã có chủ trương và hướng dẫn các bệnh viện tuyến dưới, các cơ sở nhãn khoa trên toàn quốc về việc chẩn đoán và điều trị hướng dẫn có các đợt bùng phát lên".
Trong công tác đảm bảo nguồn thuốc, phó giáo sư Hơn khẳng định nguồn thuốc tại bệnh viện phục vụ công tác điều trị đã sẵn sàng và dự trữ, bệnh viện chủ động dự trữ hoặc mua thêm để tránh tình trạng bệnh nhân thiếu thuốc.
Về cách dự phòng bệnh, ông Trần Đắc Phu - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân đến nay vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên những người bị đau mắt rồi vẫn có thể bị nhiễm lại.
Vì vậy người dân cần vệ sinh sạch sẽ, lưu ý rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ.
Đặc biệt các bác sỹ cũng lưu ý các bậc phụ huynh cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ nhỏ bởi do trẻ có kháng thể yếu, nếu bị nhiễm virus đau mắt đỏ sẽ rất dễ bị mắc các bệnh kết hợp./.
Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai.
Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.