Giải mật bức họa hiếm của 'chủ soái' Tự Lực văn đoàn

GD&TĐ - Vị 'chủ soái' của Tự Lực văn đoàn chính là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam). Ngoài tài văn chương và làm báo, ông còn là một họa sĩ với bức vẽ để đời.

Bức 'Cảnh phố chợ Đông Dương'.
Bức 'Cảnh phố chợ Đông Dương'.

Sau gần 60 năm 'chủ soái' của Tự Lực văn đoàn - nhà văn Nhất Linh từ giã cõi đời (1963), nhiều người vẫn không biết ngoài thân phận nhà văn, ông còn là một họa sĩ tài danh. Năm 2021, tác phẩm mỹ thuật của ông được gõ búa trong phiên đấu tại Pháp.

Từng là Thủ khoa mỹ thuật

Nhà văn Nhất Linh (giữa) đi dạo với các cháu. Ảnh tư liệu của bà Trương Kim Anh.

Nhà văn Nhất Linh (giữa) đi dạo với các cháu. Ảnh tư liệu của bà Trương Kim Anh.

Tiến tới kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn, giới nghiên cứu quan tâm bàn luận nhiều hơn về Nhất Linh – vị “chủ soái” đã làm nên thành công của Thơ mới giữa buổi giao thời.

Nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) là con thứ 3 trong một gia đình 7 anh chị em. Nhất Linh thành lập Tự Lực văn đoàn gồm 7 thành viên. Nghiệp văn của ông cũng gắn liền với 7 truyện dài tiêu biểu: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng, Lạnh lùng, Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy.

Trong 7 tác phẩm của Nhất Linh, đến nay đã có 5 tác phẩm ra mắt công chúng trong nước, còn 2 tác phẩm: Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy - những sáng tác sau năm 1945 mới được biết đến ở hải ngoại.

Ít ai biết rằng, Nhất Linh từng là Thủ khoa của khóa học đầu tiên (1925 - 1930) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông học cùng khóa với Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm… Tất cả những người này sau đó đều trở thành danh họa của Việt Nam.

Nguyễn Tường Tam cũng là cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa) tốt nghiệp tại Pháp. Năm 1932, ông mua lại tờ tuần báo Phong Hóa, trở thành Giám đốc kể từ số 14, ra ngày 22/9/1932. Năm 1934, anh em ông và một số văn nhân thành lập Tự Lực văn đoàn trên nguyên tắc “dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà”.

Ngày 7/7/1963, tại nhà riêng Nguyễn Tường Tam đã cho độc dược vào rượu uống để quyên sinh. Nhà văn ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả...”.

Không chỉ là một văn nhân nổi tiếng, Nhất Linh còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài năng. Với báo Phong Hóa và Ngày Nay, trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay, ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Có một số bức họa rất nổi tiếng của ông như: Cảnh phố chợ Đông Dương hay Cúc xưa...

Năm 2010, một họa phẩm của Nhất Linh, bức “Cảnh phố chợ Đông Dương” vẽ trên lụa vào khoảng 1926 - 1929 đã được bán đấu giá tại Hồng Kông với giá gõ búa 75.000 USD.

Bức vẽ hiếm của Nhất Linh

Một phần của Bức họa “Những lời khuyên của ni cô” do Nguyễn Tường Tam vẽ khoảng năm 1926.

Một phần của Bức họa “Những lời khuyên của ni cô” do Nguyễn Tường Tam vẽ khoảng năm 1926.

Cuối năm 2021, giới sưu tầm hội họa lại xôn xao khi thấy một tác phẩm mang tên Nguyễn Tường Tam xuất hiện trong phiên đấu Peintres & Arts du Vietnam tại Pháp của nhà đấu giá Aguttes.

Bức tranh khắc gỗ trên giấy dó được gõ búa thành công với giá 8.000 euro. Nếu tính cả các loại chi phí, cộng 29% thuế phí thì tác phẩm có giá tương đương 279 triệu đồng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, người sở hữu bức tranh sau đấu giá đã quá may mắn có được tác phẩm cực kỳ quý hiếm với mức giá hời.

Cũng theo ông Khôi, trong danh sách các tác phẩm gửi đi triển lãm thuộc địa Paris năm 1931, tranh khắc gỗ của Nguyễn Tường Tam có tên “Les conseils de la bonzesse” (Những lời khuyên của ni cô); Lưu trữ “Victor Tardieu”, Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp.

Bức tranh có lẽ được vẽ khi Nguyễn Tường Tam còn học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, nghĩa là khoảng 1925 - 1926. Trên tranh, bên góc dưới phía trái có hai triện và dòng chữ ký bằng tiếng Hán. Triện chữ nhật màu đen 大南高等美術學堂(Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường), là triện của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Dưới triện đen là triện đỏ hình vuông, có 4 chữ 阮祥三印 (Nguyễn Tường Tam ấn).

Cạnh bên triện là hàng chữ 南民畫意 (Nam dân họa ý/ Bức vẽ người dân Nam). Đồng thời cũng thêm một hàng chữ rất nhỏ 第三之百本 (Đệ tam chi bách bản/ Bức thứ 3 trong 100 bức).

Trên góc phải phía trên có hai dòng lạc khoản viết bằng chữ Nôm. Sau một thời gian nghiên cứu kỹ và nhờ sự giúp đỡ của những người sành chữ Nôm như Lâm Hán Thành và Lam Điền tra cứu, dịch ra một bài thơ, đại ý: “Việc chi mưa Sở gió Tần/Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng/Trăm năm cho vẹn chữ tòng/Lòng nào lòng nỡ phụ lòng ấy vay”.

Phác thảo Hoa Phong Lan trong sổ tay của Nhất Linh (28/10/1957).

Phác thảo Hoa Phong Lan trong sổ tay của Nhất Linh (28/10/1957).

“Sau năm 1929, bố tôi không sống về nghề vẽ nhưng lòng mê say hội họa vẫn theo ông đến cuối đời. Ông dùng tài vẽ của mình, theo từng giai đoạn hoặc để làm báo, hoặc vẽ theo cảm hứng. Những năm 1956 - hồi ở Ðà Lạt, tôi chứng kiến những buổi đi chơi xa hoặc đi tầm lan, ông thường vẽ phong cảnh và hoa phong lan trên một cuốn sổ tay. Thời gian này tôi thấy ông vẽ còn nhiều hơn là viết” - Nhà văn Nguyễn Tường Thiết.

Họa sĩ - nhà văn Nhất Linh đã sử dụng kỹ thuật khắc gỗ cổ truyền của Việt Nam để thực hiện tác phẩm. Bối cảnh chung của bức tranh là làng quê yên bình, bên cạnh cái ao làng có hai người phụ nữ một trẻ một già mang phong thái đặc trưng Bắc Bộ.

Người phụ nữ trẻ mặc áo tứ thân đội nón quai thao truyền thống đang ẵm em bé. Đứng cạnh đó là phụ nữ lớn tuổi trong trang phục tôn giáo (ni cô/vãi), đầu đội khăn, tay cầm trượng gỗ. Biểu cảm của người phụ nữ lớn hơn như đang khuyên nhủ, còn người phụ nữ trẻ thì chăm chú lắng nghe.

Đáng chú ý là bức tranh có lời đề tặng viết tay và chữ ký của ông Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng: Dù tranh có dùng câu “Kiều” và “Lục Vân Tiên” trong lạc khoản, nhưng vì trường đoạn Kiều gặp Giác Duyên (Tam Hợp đạo cô) không có em bé. Kiều Nguyệt Nga cũng không có em bé. Vì vậy, nên có thể đoán là tranh lấy cảm hứng từ truyện thơ “Quan âm Thị Kính”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ