Chính thức ra mắt vào ngày 2/3/1934, nhưng vẫn còn những tranh cãi về các thành viên tham gia Tự Lực văn đoàn. Trong di cảo Nhất Linh xác định văn đoàn có 7 “thất tinh” gồm: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Ðạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) và Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu).
Nền móng lâu đài văn học Việt
Theo TS Nguyễn Phương Khánh (Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), tuy chỉ vỏn vẹn hơn 10 năm hình thành và phát triển nhưng phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn đã có những đóng góp tích cực cho bước tiến của văn học, văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 1932 - 1945.
Trong quá trình phát triển ấy, các trường phái nghệ thuật cũng được tiếp diễn từ lãng mạn, nửa lãng mạn nửa tượng trưng, chỉ tượng trưng, siêu thực và sau này tư duy đứt đoạn mang dấu ấn của thơ hiện đại. Thậm chí, có nhiều tác giả cùng một lúc đi qua nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau và để lại những thành công nhất định trong mảng văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Tự Lực văn đoàn xuất hiện vào lúc mà văn học Việt Nam vừa trải qua 30 năm đầu thế kỷ 20 - những năm văn học mang tính chất giao thời. Trong đó, nền văn học dân tộc chuyển dần từ mô hình văn học Đông Á trung đại truyền thống sang mô hình văn học hiện đại - gần gũi với dạng thức của các nền văn học trong thế giới hiện đại.
Hệ thống thể loại của mô hình văn học cũ lấy văn - thơ - phú - lục làm cơ sở. Hệ thống thể loại của mô hình văn học mới dựa trên các thể: Thơ, kịch nói, văn xuôi tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Chính hoạt động văn học của Tự Lực văn đoàn sẽ góp phần đẩy tới sự toàn thắng của mô hình văn học mới.
Dù có nhiều cách đánh giá khác nhau về trào lưu văn học này, thì Tự Lực văn đoàn trước sau vẫn có vị trí là bước khởi đầu, là một trong những cơ sở quan trọng xây dựng lâu đài văn học Việt Nam hiện đại.
GS Nguyễn Huệ Chi khẳng định: “Trong lĩnh vực văn học, đóng góp của Tự Lực văn đoàn có vai trò đáng kể. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại thực sự hình thành và ghi được những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này. Phải bắt đầu từ đây, thơ và tiểu thuyết mới đi vào thế giới bên trong nhân vật, giúp người đọc khám phá trực diện vẻ đẹp của cái “tôi” và tạo ra cách đọc “phản tỉnh”, tức là nhìn sâu vào cõi lòng mình”.
Nhất Linh - vị chủ soái giao “nhiệm vụ” cho các thành viên của văn đoàn. Ông khuyến khích Khái Hưng chuyển từ lối viết luận thuyết trên các báo sang viết tiểu thuyết. Tú Mỡ được Nhất Linh gợi ý chuyên làm thơ trào phúng. Trọng Lang được cổ vũ với phóng sự, còn Thế Lữ phải là người mở đầu cho “Thơ mới”. Sau này, mỗi thành viên của văn đoàn nghiễm nhiên đóng vai trò “ông tổ” của hình thức sáng tác mà Nhất Linh giao phó.
Tự Lực văn đoàn có hai tờ báo nổi tiếng đương thời là Phong Hoá và Ngày Nay. |
Cần gỡ bỏ định kiến
Từ sau Đổi mới, Tự Lực văn đoàn và phong trào Thơ mới ngày càng được giới nghiên cứu và giảng dạy văn học quan tâm vì đóng góp quan trọng đối với tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Nhân dịp 90 năm Tự Lực văn đoàn và phong trào Thơ mới, ngày 17/10 - Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đặt cái nhìn toàn diện hơn về những đóng góp quan trọng của Tự Lực văn đoàn và phong trào Thơ mới đối với văn học, văn hóa, tác động xã hội.
Theo các nhà nghiên cứu, đóng góp của Tự Lực văn đoàn dễ nhận thấy và được nhiều người đề cập. Phan Khôi khởi xướng với bài “Tình già” đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 122 (tháng 3 năm 1932), được một vài nhà thơ như Lưu Trọng Lư hưởng ứng. Tuy nhiên, chỉ sau khi các nhà thơ Tự Lực văn đoàn nhập cuộc trên hai tờ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay - mới đưa Thơ mới tới vị trí ưu thắng.
Trong Tự Lực văn đoàn có ba nhà thơ, nhưng Tú Mỡ sáng tác theo các thể cũ, chỉ có Thế Lữ và Xuân Diệu là những nhà thơ hoàn toàn “mới”. Theo Vũ Ngọc Phan, Thế Lữ là “một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền Thơ mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến Thơ mới mà thôi. Còn Xuân Diệu là “người đã đem đến cho thi ca Việt Nam nhiều cái mới nhất”.
Dù khi đó báo chí đua nở và văn giới đương thời có nhiều nhóm phái, người ta vẫn phải thừa nhận Tự Lực văn đoàn có uy tín nổi bật. Hầu như ít có nhà văn nào không một lần đăng tác phẩm mình trên ấn phẩm của Tự Lực văn đoàn. Ngay cả Vũ Trọng Phụng dù bất đồng quan điểm nhưng đã từng in cuốn “Cạm bẫy người” ở Nhà xuất bản Đời Nay (1933).
Xung quanh Tự Lực văn đoàn dần tập hợp lại một loạt văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa: Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Huy Cận. Các hoạ sĩ: Nhất Sách, Trần Bình Lộc, Trần Quang Trân, Le Mur Nguyễn Cát Tường, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí... Các kiến trúc sư: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp...
Theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy, phong trào Thơ mới ra đời trong bối cảnh chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi. Chỉ trong 13 năm phát triển nhưng phong trào Thơ mới tại Việt Nam đã đi qua đầy đủ các trường phái nghệ thuật trở thành đỉnh cao của văn học Việt Nam, phần nào giúp văn hóa - văn học Việt Nam nhịp bước cùng dòng chảy thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, đến nay định kiến về nhóm Tự Lực văn đoàn vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở đi, Tự Lực văn đoàn được đánh giá và nhìn nhận lại không chỉ là một nhóm văn chương, mà còn là một nhóm xã hội có ảnh hưởng rộng lớn - thể hiện đường lối đấu tranh về chủ nghĩa quốc gia.