Từ 'làm quen' đến 'làm chủ' khảo thí trên nền tảng công nghệ

GD&TĐ - Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục không thể đứng ngoài bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ...

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Ngày 28/11/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”.

Lộ trình triển khai ghi rõ: Giai đoạn 2025 - 2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy; giai đoạn sau 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục không thể đứng ngoài bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Việc đặt lộ trình thi tốt nghiệp THPT trên máy tính do đó là tất yếu.

Các chuyên gia đã khẳng định ưu điểm của cách thức này với tính an toàn, bảo mật; tính chính xác, khách quan, kết quả được phản hồi tức thời; tiết kiệm chi phí, thời gian, sức lực; có thể áp dụng nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau… Tuy nhiên, để triển khai đòi hỏi sự đáp ứng cả về hạ tầng công nghệ, ngân hàng câu hỏi thi, năng lực tổ chức của địa phương và đổi mới trong tư duy đánh giá…

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam tham gia khảo sát PISA chu kỳ 2025 trên máy tính có thể được xem như bước chạy đà cần thiết cho những chuyển đổi sâu rộng sắp tới. Đây là kỳ đánh giá học sinh diện rộng, độ tin cậy cao, tính bảo mật nghiêm ngặt, vận hành công nghệ và năng lực xử lý dữ liệu lớn… Thuận lợi hoàn thành khảo sát PISA cũng đồng nghĩa ngành Giáo dục đã thử nghiệm thành công năng lực tổ chức thi cử quy mô lớn trong môi trường số hóa.

Thực tiễn tổ chức PISA trên máy tính là dịp để đánh giá toàn diện năng lực hạ tầng công nghệ thông tin ở các cơ sở giáo dục, năng lực vận hành quản lý đánh giá tại địa phương - một trong những yếu tố tiên quyết để có thể tiến tới tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính.

Bên cạnh đó, trải nghiệm PISA giúp từng bước hình thành “văn hóa thi số” trong giáo dục: Học sinh được làm quen kỹ năng làm bài trực tuyến, giáo viên và nhà trường từng bước thích nghi với quy trình tổ chức thi theo chuẩn quốc tế. Bằng chứng thực tiễn quan trọng sau khảo sát PISA 2025 cũng là một căn cứ giúp Bộ GD&ĐT thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý, quy trình kỹ thuật, chuẩn hóa đội ngũ và đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số trong kiểm tra, đánh giá.

Thêm một điều tuyệt vời Việt Nam có thể học hỏi từ PISA chính là hệ thống đề khảo sát/đề thi. Được các chuyên gia khảo thí hàng đầu thế giới thiết kế, đề khảo sát PISA nhằm đánh giá khả năng của học sinh tuổi 15 trong áp dụng kiến thức và kỹ năng đọc, toán và khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Như vậy, học sinh tham gia PISA không chỉ có cơ hội tiếp xúc với hình thức thi mới; mà còn hình thành các kỹ năng, năng lực cần thiết, đặc biệt kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn khi trải nghiệm đề thi PISA. Điều này cũng là yêu cầu đầu ra quan trọng của Chương trình GDPT 2018 nói chung, phù hợp với đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nói riêng.

Như vậy, với những bài học từ PISA, Việt Nam không chỉ “làm quen” mà hoàn toàn có thể “làm chủ” các kỳ thi quốc gia trên nền tảng công nghệ trong một tương lai không xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nội bộ Barcelona ‘nổi sóng’

Nội bộ Barcelona ‘nổi sóng’

GD&TĐ - Nội bộ Barcelona ‘nổi sóng’ trong bối cảnh họ đang hướng tới cú ăn ba lịch sử gồm La Liga, Cup nhà Vua và Champions League 2024-2025.