Đây là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - với các thầy cô giáo mầm non trên cả nước trong thư chúc mừng nhân dịp Hội nghị Tổng kết 10 năm phát triển giáo dục mầm non tổ chức tại Hà Nội ngày 22/4/2016.
GD&TĐ trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư:
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2016
THƯ CHÚC MỪNG
Nhân dịp Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển giáo dục mầm non
Nhân dịp Hội nghị toàn quốc 10 năm phát triển giáo dục mầm non diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, tôi trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy, cô giáo, các quý vị đại biểu lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Hội nghị hôm nay sẽ đánh giá một giai đoạn 10 năm (2006-2015) với những thành quả quan trọng về phát triển giáo dục mầm non của đất nước, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để định hướng cho sự phát triển của giáo dục mầm non trong giai đoạn 2016-2025.
Giáo dục là nền tảng quốc gia, trong đó giáo dục mầm non là nền tảng của nền tảng này. Quốc hội Khóa 12 đã ban hành Nghị quyết 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, trong đó có nội dung phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Quyết định 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu tổng quát của các Nghị quyết này nhằm đảm bảo hầu hết trẻ 5 tuổi ở mọi miền đất nước được đi học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non.
Điều này với các em ở vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số– nơi mà thể lực và khả năng tiếng Việt của trẻ còn hạn chế là rất quan trọng. Mục tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2015 là có 95% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày; 100% các trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; 100% giáo viên mầm non phải có ít nhất bằng trung cấp sư phạm, trong đó 50% tổng số giáo viên trở lên đạt trên chuẩn.
Khi bắt đầu thực hiện, ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, về nhận thức, nhiều địa phương chưa quan tâm và còn có quan điểm cho rằng không cần học mẫu giáo vẫn vào lớp 1 được.
Thứ hai, phải có đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu.
Thứ ba phải có đủ kinh phí. Với sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội, các bậc cha mẹ của trẻ, đặc biệt là vai trò tham mưu của ngành giáo dục, Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả đáng khích lệ: 98,9% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, vượt mức kế hoạch là 3,9%.
Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ 5 tuổi học theo chương trình quốc gia cao nhất trong ASEAN. Chỉ trong vòng 5 năm, ngành mầm non đã tăng hơn 100 nghìn giáo viên và tăng 3.695 trường mầm non.
Tính đến tháng 3/2016, chúng ta có 97,8% số xã, phường và 94% số huyện trong cả nước đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ở cấp tỉnh, đã có 45 tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chiếm tỷ lệ 71,4%. Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 khẳng định giai đoạn 2011-2015 đã "cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi".
Với kết quả này, chúng ta tự hào rằng đến nay ngành giáo dục nước nhà đã đạt được 3 dấu ấn quan trọng, đó là: năm 2000 phổ cập bậc Tiểu học, năm 2010 phổ cập bậc Trung học cơ sở, năm 2016 phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, luôn tận tụy, tâm huyết với nghề, chăm sóc, giáo dục trẻ bằng tình cảm yêu thương để giành được thành tựu xuất sắc này.
Tôi chúc mừng các tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chúng ta trân trọng cảm ơn các Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm đặc biệt để đầu tư cho thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở tất cả 63 tỉnh, thành phố.
Không có quyết tâm chính trị và tấm lòng của lãnh đạo các địa phương với tương lai của quê hương, đất nước thì không thể đạt được kết quả trong khi nguồn kinh phí Nhà nước cấp thiếu gần 3.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 75% kế hoạch.
Tôi ghi nhận, trân trọng cảm ơn các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân đã dành tình cảm, sự quan tâm đối với giáo dục mầm non, đã không tiếc công sức, đóng góp sức người, sức của để xây dựng cơ sở vật chất, môi trường chăm sóc, giáo dục tốt hơn cho các cháu, để có thể đạt được kết quả ngày hôm nay.
Phát huy thành tích đã đạt được, tôi tin tưởng trong giai đoạn 10 năm tiếp theo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và các bộ, ngành trung ương tiếp tục có cách làm sáng tạo, quyết tâm củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
15 năm sau, gần 4 triệu cháu học mẫu giáo hiện nay sẽ bước vào tuổi công dân, tuổi lao động. Chắc chắn các cháu có trí tuệ phát triển và thể lực hơn chúng ta hiện nay. Hầu hết các cháu sẽ không nhớ được thời gian học mẫu giáo của mình, song chúng ta, các thầy cô có quyền tự hào đã góp phần thiết thực vào sự nghiệp trăm năm trồng người của đất nước Việt Nam hơn 100 triệu dân.
Chúc các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà quản lý giáo dục, các thầy, các cô và quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, thành công và hạnh phúc!
Nguyễn Thiện Nhân
Ủy viên Bộ Chính trị
Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam