Tự hào đất học Hoa Thành

GD&TĐ - Vùng đất ấy tự bao đời nay được coi là nơi hồn thiêng sông núi quy tụ, phát tích khoa bảng danh nhân. 

Tự hào đất học Hoa Thành

Trên một diện tích không rộng lớn, nhưng Hoa Thành dày đặc những tên người, tên đất in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa; là niềm tự hào không chỉ của những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, mà còn là niềm tự hào chung của người dân xứ Nghệ.

Nổi danh “đất học”

Xã Hoa Thành như một chiếc nghiên mực khổng lồ nằm ở phía Đông huyện Yên Thành (Nghệ An). Nét hiện đại của xã là có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên nhưng tổng thể vẫn giữ được nét xưa cũ, vẫn những mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa. Vẫn còn đó những cồn Bút, cồn Nghiên như biểu tượng ngàn đời của một vùng đất học.

Ấn tượng, đầu tiên đối với chúng tôi đó là vùng đất này đậm đặc di tích lịch sử văn hóa. Chỉ khoảng 200m2 ở trung tâm xã đã có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Những di tích này đều là những trang sử vàng về những người học giỏi, đỗ đạt cao như: Phan Doãn Trung, thi đậu khoa Hoàng Từ đời vua Lê Thánh Tông (Giám sinh đậu khoa này tương đương Tiến sỹ). Ông làm quan đến Vinh Lộc Đại Phu tước Đường lộc hầu. Đây là vị Đại khoa mở đầu cho khoa bảng Hoa Thành.

Tiếp đến là Thám hoa Phan Duy Thực, đậu Đệ nhất giáp Thám hoa năm 1546 đời vua Lê Trang Tông. Phan Duy Thực vừa đậu Thám hoa khi đất nước có biến, ông được điều ra vùng Quảng Yên dẹp giặc và hy sinh khi chưa kịp vinh quy bái tổ.

Phan Tất Thông, 23 tuổi đậu Thám Hoa chế Khoa Giáp Dần (1554) làm quan đến chức Đông Các, Thừa Chánh sứ, Thị Lang bộ binh. Tước Hòa Mỹ hầu. Sử sách các triều đại đều xếp ông là một trong những danh nhân đất Việt…

Theo tài liệu về lịch sử thì ngay từ thời phong kiến, Hoa Thành đã có hàng trăm người đỗ đạt, trong đó có 15 vị đậu Đại khoa và hàng trăm vị đỗ Trung khoa, tiểu khoa (Giám sinh, hương cống, cử nhân - sinh đồ, hiệu sinh, tú tài).

Thời hiện đại, dù dân số chỉ khoảng 5.000 người, nhưng Hoa Thành có tới hàng chục giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, điển hình như: GS.TSKH Phan Đăng Nhật - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam, giải thưởng Nhà nước về văn học; GS.TSKH Y học, Nhà giáo Nhân dân Phan Sỹ An - Nguyên Chủ tịch Hội Y học phóng xạ Việt Nam; Nhạc sỹ Hồng Đăng - Nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam; PGS.TS Phan Thu Hà (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)…

Nối tiếp truyền thống khoa bảng, giai đoạn nào Hoa Thành cũng có học sinh giỏi các cấp, có tỉ lệ đậu vào các trường đại học cao nhất huyện.

Tính đến nay, con số tiến sĩ của xã lên đến hàng chục, điển hình như nhà thầy Phan Đăng Diêu có đến 3 người con là tiến sỹ hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở các viện nghiên cứu, các cơ quan Nhà nước.

Hầu như ở lĩnh vực nào cũng đều có con em Hoa Thành tham gia, trong đó có người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn... có người là cán bộ cao cấp của Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.

Nét đẹp ngàn năm lưu giữ…

Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, kể cả lúc chiến tranh tao loạn, đau thương và đói khổ, người Hoa Thành chưa bao giờ lãng quên sự học.

Chính vì truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào trong tiềm thức, nên người dân Hoa Thành luôn định hướng cho con cháu phải đặt việc học lên hàng đầu.

Về Hoa Thành, dễ dàng bắt gặp những gia đình cha mẹ là nông dân, làm lụng vất vả, dãi dầu mưa nắng trên luống cày vẫn nuôi 4 - 5 con học ĐH thành tài. Theo khảo sát của những cựu giáo chức xã thì hiện nay 100% gia đình Hoa Thành đều có con cháu có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Thầy giáo Phan Đăng Chuẩn - Chủ tịch Hội Khuyến học xã - cho biết: Từ xa xưa đến nay làng, các dòng họ Hoa Thành vẫn gìn giữ và phát huy tốt phong trào khuyến học.

Mỗi năm vào dịp 2/9 (trước ngày tựu trường) làng và các dòng họ đều tổ chức gặp gỡ, động viên, trao thưởng cho con em học giỏi. Các dòng họ, các làng tổ chức đón người đỗ đạt vinh quy bái tổ như ngày hội...

Quỹ khen thưởng do những người con của làng đã thành đạt lập nên để thúc đẩy truyền thống hiếu học. Những gia đình nào khó khăn Hội Khuyến học sẽ giúp đỡ để con em theo đuổi sự học đến cùng.

Đây chính là sự động viên khích lệ tinh thần không dễ gì có được đối với các thế hệ học sinh Hoa Thành. Đặc biệt hàng chục năm nay cứ đều đặn 19 giờ hằng ngày kẻng các làng sẽ vang lên nhắc nhở học sinh học bài.

Chính những yếu tố khách quan đó góp phần thúc đẩy phong trào học tập của các thế hệ con em Hoa Thành phát triển lên những tầm cao mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ