Đây cũng là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Công Trứ, thể hiện sinh động tài năng và phong cách nghệ thuật của “ông Hy Văn tài bộ”. Tác phẩm thành công trên nhiều phương diện, trong đó có nghệ thuật sử dụng từ Hán Việt.
Những đặc điểm nổi bật
Trước hết, từ Hán Việt được sử dụng với số lượng lớn trong tác phẩm là một đặc điểm đáng chú ý. Trong Bài ca ngất ngưởng, trừ câu Kìa núi nọ phau phau mây trắng, 18 câu còn lại đều xuất hiện từ Hán Việt. Hơn nữa, mật độ của lớp từ này khá dày. Bên cạnh hai câu toàn Hán (Vũ trụ nội mạc phi phận sự và Đô môn giải tổ chi niên), ở những câu khác, từ Hán Việt cũng được sử dụng thường xuyên, chiếm tỉ lệ cao, chẳng hạn: Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng, Lúc bình Tây cờ đại tướng…
Xin lưu ý, từ Hán Việt là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi cho đến nay. Trong tiếng Việt có một lớp từ gốc Hán được gọi là từ Hán Việt cổ. Trong bài hát nói của Uy Viễn tướng công, lớp từ này xuất hiện khá nhiều, ví như: Lồng (lồng chính là lung [nghĩa: Cái lồng] trong tiếng Hán, như trong từ lao lung); cờ (chính là kỳ [nghĩa: Lá cờ], như trong quốc kỳ); vàng (chính là hoàng [nghĩa: Màu vàng], như trong hoàng diệp [lá vàng])… Trong tiếng Việt, từ Hán Việt cổ được sử dụng phổ biến đến mức gần như không còn nhận ra nguồn gốc Hán. Do đó, chúng tôi không khảo sát lớp từ này trong tác phẩm Bài ca ngất ngưởng.
Một đặc điểm nổi bật khác của từ Hán Việt trong Bài ca ngất ngưởng là tính chất đa dạng về trường nghĩa. Các nhóm từ, ngữ Hán Việt được Uy Viễn sử dụng trong bài hát nói này hết sức phong phú. Trong đó, tiêu biểu là các nhóm từ, ngữ chỉ chức danh, học vị như: Thủ khoa, Tam tán, Tổng đốc, bình Tây, đại tướng, Phủ doãn…; nhóm từ chỉ nhân danh, nhân xưng, điển cố như: Ông, Hy Văn, Trái, Nhạc, Hàn, Phú…; nhóm từ chỉ địa danh, phương hướng như: Đông, Tây, Thừa Thiên…; nhóm từ mang ý niệm tôn giáo, triết lý như: Từ bi, Phật, tiên, tục, đạo, nghĩa…; nhóm từ chỉ thú vui, sở thích như: Kiếm cung, ca, tửu…; nhóm từ chỉ tài năng, tính cách như: Tài bộ, thao lược, dương dương, từ bi…
Hình thức kết hợp, biểu hiện của từ Hán Việt trong tác phẩm cũng khá linh hoạt. Có trường hợp, kết hợp theo ngữ pháp tiếng Hán như trong hai câu toàn Hán đã nêu. Sự xuất hiện này của hai câu toàn Hán trên do quy định thể loại. Tuy nhiên, phần lớn kết hợp với từ ngữ Việt theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt (yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau đối với cụm danh từ), như người thái thượng, ngọn đông phong…
Thậm chí, ở nhiều trường hợp, các từ Hán Việt kết hợp cùng nhau vẫn tuân theo quy tắc ngữ pháp Việt, chẳng hạn: Dạng từ bi, đạo sơ chung, Phủ doãn Thừa Thiên (theo ngữ pháp tiếng Hán thì phải đảo ngược lại). Đặc biệt, một số danh từ Hán Việt vừa là nhân danh vừa là điển cố được Nguyễn Công Trứ sử dụng theo khuynh hướng chuyển loại để mang nghĩa tính từ, ví như: Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú.
Trong kết hợp này, Trái và Nhạc (chỉ Trái Tuân, Nhạc Phi – “những người nổi tiếng có sự nghiệp hiển hách”) có khuynh hướng được dùng với nghĩa tính từ “tài năng, hiển hách, tiếng tăm”. Có thể nói, nếu không được huy động sử dụng với những chủ đích nghệ thuật nhất định, từ Hán Việt đã không xuất hiện nhiều, liên tục và phong phú như vậy trong tác phẩm.
Nguyễn Công Trứ để lại sự nghiệp văn chương không quá đồ sộ nhưng có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. “Tập hợp trước tác của Nguyễn Công Trứ hiện còn lưu giữ được 54 bài thơ chữ Nôm, 1 bài thơ chữ Hán, 67 bài hát nói, 1 bài phú (chữ Nôm - PTV), 37 câu đối, 1 bài văn sách, 1 đoạn trích tuồng (chữ Nôm - PTV) và 35 tấu sớ” [1]. Như vậy, trên phương diện loại hình văn tự, sáng tác bằng chữ Nôm là bộ phận chủ đạo trong thơ văn Uy Viễn tướng công.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Nguyễn Công Trứ không có sở trường về văn chương Hán học. Ngược lại, ông là một bậc túc nho, “rất am hiểu, thông thuộc kinh điển, sách vở và thi ca cổ điển” [2], thể hiện ngay trong các sáng tác bằng chữ Nôm. Những câu thơ chữ Hán, lớp từ Hán Việt được sử dụng một cách tài hoa, độc đáo trong các bài hát nói, thơ luật chữ Nôm của ông cho thấy điều này. Bài ca ngất ngưởng là một trường hợp tiêu biểu.
Chân dung Nguyễn Công Trứ. |
Những giá trị độc đáo
Như nhiều nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra, từ Hán Việt, do nhiều nguyên nhân lịch sử văn hóa, mang những sắc thái đặc trưng. Về sắc thái nghĩa, từ Hán Việt thường mang tính khái quát, trừu tượng. Về sắc thái biểu cảm, từ Hán Việt thường mang tính lịch sự, trang trọng.
Trong tác phẩm văn chương, từ Hán Việt không chỉ là phương tiện, ở nhiều trường hợp, còn là đối tượng thẩm mỹ. Bằng tài năng ngôn ngữ của mình, nhiều tác giả đã sử dụng từ Hán Việt một cách tài tình, mang đến những giá trị độc đáo, mở rộng khả năng tạo sinh nghĩa và sắc thái biểu cảm của lớp từ này. Nguyễn Công Trứ trong Bài ca ngất ngưởng là một minh chứng sinh động. Trong bài hát nói, từ Hán Việt được ông sử dụng có chủ đích để mang lại nhiều hiệu quả thẩm mĩ độc đáo, ấn tượng.
Thứ nhất, từ Hán Việt được huy động sử dụng với tần số cao nhằm thể hiện tài năng cũng như tóm lược cuộc đời làm quan thăng trầm nhưng đắc ý của nhà thơ:
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Trong các câu thơ trên, từ Hán Việt không chỉ xuất hiện dồn dập, mà còn giữ vị trí không thể thay thế. Hàng loạt từ/ ngữ Hán Việt chỉ chức danh, cương vị, tài quân sự được liệt kê đã khẳng định rõ tài năng hơn người cũng như hành trạng hiển hách trên hoạn lộ thăng trầm của Uy Viễn tướng công, vị quan kiệt xuất để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
Thứ hai, từ Hán Việt được chủ động sử dụng nhằm góp phần tự họa chân dung tinh thần của tác giả. Trước hết, đó là ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời. Câu mở đầu toàn Hán hào sảng với lối nói khẳng định bằng cách phủ định Vũ trụ nội mạc phi phận sự (trong khoảng trời đất, không có gì là không phải phận sự [của ta]) thể hiện rõ điều này. Cùng với đó là trách nhiệm đối với vua của một bề tôi giữ trọn đạo quân thần, cúc cung tận tụy vì triều đình và nhân dân, đất nước: Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung. Từ Hán Việt còn được dùng như một cách thức nhấn mạnh chất “ngông”, triết lý sống “ngất ngưởng” của con người ý thức cao độ về giá trị bản thân.
Trong tác phẩm, cùng với liệt kê một loạt thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp quan trường, tác giả còn tự gọi mình bằng biệt hiệu Hy Văn, ba lần xưng ông (ông trong ông bà là từ Hán Việt), tự nhận mình là tài bộ, đặt mình ngang hàng với những bậc tài danh trong lịch sử Trung Hoa (Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú), so mình với các vị quan đương triều (Trong triều ai ngất ngưởng như ông), thậm chí thách thức cả tiên Phật, tuyên bố một con đường, một “đạo” riêng của bản thân (Không Phật, không tiên, không vướng tục).
Trong chuỗi diễn ngôn này, rõ ràng từ Hán Việt giữ vai trò chủ đạo. Đặc biệt, từ Hán Việt còn thể hiện sinh động phong thái ung dung, tự tại, vượt lên trên cõi đời của con người ý thức được tài năng đã hoàn thành những trách nhiệm với cộng đồng. Các nhóm từ Hán Việt chỉ thú vui hay mang ý nghĩa triết lý, thể hiện phong thái được đặt đúng chỗ đã thể hiện rõ điều này:
- Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
- Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không tiên, không vướng tục.
- Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.
Có thể xem Bài ca ngất ngưởng là bức chân dung tự họa đa sắc của Nguyễn Công Trứ mà ở đó, từ Hán Việt được xem như những đường nét, gam màu chủ đạo, khó có thể thay thế, góp phần quan trọng làm nên sự chính xác, độ sinh động cho nguyên mẫu.
Thứ ba, từ Hán Việt giữ vai trò chủ đạo trong việc thể hiện âm hưởng hào sảng cho tác phẩm. Bài ca ngất ngưởng không chỉ là tuyên ngôn về lẽ sống, mà còn được xem là bản tổng kết hành trạng sôi nổi của “ông Hy Văn tài bộ” nhập thế tích cực, “người anh hùng có khát vọng “kinh bang tế thế” tự cho “vũ trụ giai ngô phận sự”” [3].
Hào sảng trở thành âm hưởng chủ đạo của bài hát nói này. Từ Hán Việt được tác giả sử dụng liên tục với tính điệu thẩm mỹ cao đã góp phần quan trọng trong việc kiến tạo nên âm hưởng này. Không khó để nhận ra, những câu hào sảng nhất trong bài hát nói đều là những câu toàn Hán hoặc có từ Hán Việt chiếm tỉ lệ áp đảo, chẳng hạn: Vũ trụ nội mạc phi phận sự; Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông; Được mất dương dương người thái thượng, Không Phật, không tiên, không vướng tục…
Thứ tư, cùng với lớp từ thuần Việt, từ Hán Việt còn tham gia vào vai trò kiến tạo sắc thái trào lộng cho tác phẩm Bài ca ngất ngưởng, một trong những phương diện nghệ thuật đặc sắc, nổi bật của thơ văn Nguyễn Công Trứ. Nghiên cứu giá trị biểu đạt của câu thơ chữ Hán trong bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, nhóm tác giả Phan Thị Thu Hiền, Lê Thị Tuân chỉ ra trong nhiều tác phẩm của Uy Viễn, tiêu biểu như Bài ca ngất ngưởng, “có khi cùng một trường liên tưởng về ý nghĩa, nhưng câu chữ Hán thì trang trọng, câu chữ Nôm thì lại hài hước hóa, tầm thường hóa” [4]. Đó là trường hợp của hai cặp Hán – Nôm:
- Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng.
và
- Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Trong hai cặp câu trên, rõ ràng có sự bất tương hợp giữa câu chữ Hán mang nội dung trang nghiêm về một tuyên ngôn (Vũ trụ nội mạc phi phận sự) hay một sự kiện trọng đại (Đô môn giải tổ chi niên – [vào] năm cởi trả ấn [về hưu] ở kinh đô) với câu Nôm mang nội dung hài hước, trào tiếu (tự cho mình đã vào lồng; cưỡi bò vàng [nhưng lại] đeo nhạc ngựa một cách ngất ngưởng) mặc dầu hai câu Hán, Nôm của mỗi cặp đều nằm trong một logic ngữ nghĩa chặt chẽ.
Không chỉ ở cấp độ cặp câu, trong nội bộ nhiều câu cũng xuất hiện hiện tượng kết hợp Hán – Nôm với hai sắc thái tương phản, chẳng hạn:
- Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng;
- Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng;
- Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng;
Đây có thể xem là thủ pháp “đột giáng” bằng cách tạo sự tương phản bất ngờ giữa yếu tố Hán và yếu tố Nôm. Từ đó, tiếng cười trào lộng được cất lên, bởi sự khập khiễng, bất tương hợp trong một logic nào đó thường hàm chứa nhiều khả năng gây cười. “Đột giáng” trong sắc thái từ ngữ là thủ pháp tạo tiếng cười quen thuộc trong thơ văn Nguyễn Công Trứ mà Bài ca ngất ngưởng, Hàn nho phong vị phú là những tác phẩm điển hình.
Tạm kết
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận những giá trị thẩm mỹ độc đáo, quan trọng của từ ngữ Việt trong Bài ca ngất ngưởng. Trong đó, các từ láy (ngất ngưởng, phau phau, đủng đỉnh, phơi phới), hư từ (đã, mà, cũng…), khẩu ngữ (tay ngất ngưởng, cũng nực cười, chẳng… cũng…) là những trường hợp thành công, thể hiện rõ tài năng ngôn ngữ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ.
Bên cạnh đó, việc kết hợp hai lớp từ ngữ Việt và Hán Việt để mang đến những hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ, ấn tượng (hiệu quả gây cười như trên đã phân tích chẳng hạn) cũng là một phương diện thành công của Bài ca ngất ngưởng.
Tuy nhiên, đề cập đến thành tựu ngôn ngữ của Bài ca ngất ngưởng nói riêng, thơ văn chữ Nôm của Nguyễn Công Trứ nói chung, không thể không nhắc đến nghệ thuật sử dụng từ ngữ Hán Việt một cách linh hoạt, hiệu quả và tài hoa của nhà thơ. Đây không chỉ là lớp từ ngữ mang nhiều giá trị thẩm mỹ quan trọng, mà còn là một phương diện nổi bật trong tài năng, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ, tác gia lớn của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
_________________
[1] Đoàn Tử Huyến (chủ biên) (2008), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, NXB Nghệ An, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr.47.
[2] Phan Thị Thu Hiền, Lê Thị Tuân (2020), “Giá trị biểu đạt của câu thơ chữ Hán trong bài hát nói của Nguyễn Công Trứ”, in trong Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.364.
[3] Trần Ngọc Vương (1994), “Từ hồi quang người anh hùng thời loạn đến khuôn hình một tài tử phong lưu”, in trong Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007, tr.496.
[4] Phan Thị Thu Hiền, Lê Thị Tuân, tlđd, tr.375.