Từ con nghiện cờ bạc trở thành “ông trùm” ma túy lớn nhất TP.HCM

GD&TĐ - Ngày 28/7, TAND TPHCM cho biết cơ quan này đã nhận được toàn bộ hồ sơ vụ án Phan Hữu Hiệu (sinh năm 1970, ngụ tại Nghệ An) cùng đồng phạm về tội mua bán trái phép chất ma túy. Đồng thời, tòa cũng phân công thẩm phán Trương Công Huấn thụ lý hồ sơ và xét xử vụ án.

Bị can Phan Hữu Hiệu tại cơ quan điều tra.
Bị can Phan Hữu Hiệu tại cơ quan điều tra.

Trước đó, Viện KSND tối cao đã truy tố Phan Hữu Hiệu cùng 8 đồng phạm khác về tội mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 4 Điều 251 của Bộ luật Hình sự 2015.

Hầu hết các bị can có nhân thân xấu, từng có tiền án tiền sự dày đặc với các hành vi đánh bạc, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, buôn bán trái phép chất ma túy...

Theo cáo trạng, Phan Hữu Hiệu là một người nghiện cờ bạc và từng bị TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) xử phạt về tội đánh bạc.

Khoảng tháng 4/2017, Phan Hữu Hiệu qua Casino Bản Cơn (Viên Chăn - Lào) đánh bài thì quen với Siva Tony người Lào. Khoảng tháng 8/2017, Siva Tony đặt vấn đề thuê Hiệu tham gia đường dây vận chuyển ma tuý từ Lào về Việt Nam tiêu thụ nhưng Hiệu chưa đồng ý.

Một năm sau, Hiệu đánh bài tại casino Bản Cơn bị thua nên đã mượn của Siva Tony số tiền 250.000 USD. Để trả nợ, Siva Tony yêu cầu Hiệu phải tham gia đường dây mua bán ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

Siva Tony đưa cho Hiệu số điện thoại một người tên Văn và yêu cầu Hiệu liên lạc với Văn để bàn bạc việc mua bán ma túy tại TPHCM.

Ngày 14/4/2018, Văn hẹn Hiệu gặp nhau. Tại đây, Văn giới thiệu Hiệu với một người tên Chiến và nói Chiến sẽ là người dẫn Hiệu gặp những người nhận ma túy tại TPHCM để sau này Hiệu giao ma túy.

Ngày 15/4/2018 tại một quán ăn trên đường Cách Mạng Tháng Tám quận 10, ., Hiệu được Chiến giới thiệu Phan Thạch Dinh (sinh năm 1954) là người sẽ mua ma túy với giá 205 triệu đồng/bánh heroin, 305 triệu đồng/kg ma túy đá.

Ngày 16/4/2018, Hiệu được Chiến giới thiệu Lý Thơ Phước (sinh năm 1967) là người sẽ mua ma túy với giá 210 triệu đồng/bánh heroin, 310 triệu đồng/kg ma túy dạng đá.

Sau khi gặp các đối tượng thỏa thuận giá mua bán ma túy, Hiệu và Siva Tony thống nhất: Siva Tony sẽ cho người giao ma túy cho Hiệu tại thành phố Đà Nẵng. Hiệu vận chuyển ma túy từ Đà Nẵng vào TP.HCM giao cho các đối tượng tiêu thụ, Hiệu được hưởng tiền công 10 triệu đồng mỗi bánh heroin hoặc mỗi kg ma túy dạng đá. Số tiền này được Tony cấn trừ vào số tiền Hiệu đã thua bạc.

Để chuẩn bị cho việc vận chuyển ma túy, Hiệu thuê xe ô tô, sau đó đưa chiếc xe cho Chiến để chế và gắn hai hầm (hộc ngầm) dưới sàn xe nhằm cất giấu ma túy.

Về việc thanh toán tiền mua bán ma túy, Siva Tony cử đối tượng tên Tuấn thu tiền từ Phước, tên Chiến thu tiền từ Dinh rồi giao lại cho Tuấn. Hiệu có trách nhiệm thông báo cho Siva Tony số lượng ma túy giao cho Phước và Dinh để Siva Tony theo dõi thu tiền.

Khi Phước, Dinh bán được ma túy sẽ báo cho Tuấn, Chiến để trực tiếp đến thu tiền và báo cho Hiệu để Hiệu báo lại cho Siva Tony.

Để thực hiện việc giao nhận vận chuyển ma tuý từ Đà Nẵng vào TPHCM tiêu thụ, Hiệu đã thuê Bùi Đình Trung (sinh năm 1969) và Nguyễn Thanh Nam (sinh năm 1981) là người quen cùng quê Nghệ An tham gia và hứa sẽ trả mỗi người 1 tỉ đồng.

Về đầu mối tiêu thụ ma túy tại TPHCM, Phan Thạch Dinh và Trần Đức Trầm (sinh năm 1967) là bạn của nhau. Sau khi Dinh và Trầm ra tù thì gặp nhau trao đổi thỏa thuận tìm mối làm ăn mua bán ma túy.

Khoảng tháng 3/2018,  khi Chiến đặt vấn đề mua bán ma túy với Dinh thì Dinh đã liên hệ với Trầm để thỏa thuận mua bán ma túy. Dinh bán cho Trầm, sau đó, Trầm bán lại các đối tượng tên Ba, Bảy…. Còn Phước bán ra cho đối tượng tên Oanh ở khu vực quận 8.

Từ các mối quan hệ trên, đầu tháng 6/2018 đến khi bị bắt (ngày 11/7/2018), Phan Hữu Hiệu cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy với tổng số 379 bánh heroin có tổng khối lượng 132,2 kg heroin và 55kg ma túy đá.

Đối với các đối tượng Siva Tony, Văn, Chiến, Tuấn, Oanh, Ba, Bảy… Do các bị can khai không biết họ tên, địa chỉ, không nhớ được số điện thoại cụ thể của các đối tượng này dùng để giao dịch ma túy nên yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ, khi nào có đủ căn cứ xử lý sau.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.