Tự chủ tuyển sinh: Hiểu rõ bản chất, thực hiện đúng mục tiêu

Tự chủ tuyển sinh: Hiểu rõ bản chất, thực hiện đúng mục tiêu

(GD&TĐ) - PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng - gửi ý kiến đóng góp đến Diễn đàn tuyển sinh ĐH 2014 của báo GD&TĐ, bày tỏ: Tôi hoàn toàn tán thành Dự thảo qui định tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Dự thảo qui định rất khoa học, cân nhắc kỹ lưỡng các tình huống xảy ra khi giao tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường...

Thi cử có tác dụng lớn đến phương pháp dạy - học

PGS.TS Trần Văn Nam
PGS.TS Trần Văn Nam

Ngay từ năm 2011, khi chưa ai đặt vấn đề thay đổi kỳ thi 3 chung thì Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường đại học trọng điểm nghiên cứu xây dựng đề án thi riêng, trình Bộ xem xét cho áp dụng thí điểm để nhân rộng mô hình.

Điều này cho thấy Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ đã nhận thấy trước sự cần thiết phải đổi mới nền giáo dục nước nhà để kịp đào tạo đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thi cử bản thân nó không làm thay đổi được chất lượng, kiến thức vốn có của người học nhưng nó có tác dụng rất lớn đến phương pháp dạy và học, từ đó làm thay đổi chất lượng đào tạo. Từ lâu nay học sinh của nước ta đã quen cách học để thích nghi với cách thi.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nước ta cần có thế hệ lao động mới có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tư duy nhạy bén, thích nghi nhanh chóng với mọi môi trường công tác. Nếu giáo dục và đào tạo không đổi mới kịp thời thì chúng ta rất khó có được những người lao động như thế.

Thực tế từ lâu nay, phương pháp dạy học của chúng ta chủ yếu là cung cấp kiến thức cho học sinh. Cách thi cử, đánh giá kết quả học tập của các nhà trường cũng chỉ dựa vào kiến thức mà học sinh tích lũy được. Học sinh nào nhớ nhiều, thuộc bài nhiều thì đạt kết quả tốt.

Biết bao ví dụ trong thực tế về cách dạy học này đã khiến chúng ta cười ra nước mắt! Bài văn mẫu cô dạy tả con mèo đen thì học sinh không được tả con mèo vàng (!); bài văn mẫu tả bà ngoại tóc bạc, ăn trầu, chống gậy... nếu học sinh nào tả bà ngoại trẻ, tóc đen, đi xe máy... thì bị điểm kém vì đã "bà" thì phải "già" mới đúng (!).

Kiểu dạy và học rập khuôn như thế sẽ làm cho học sinh không còn sáng tạo, tư duy luôn thụ động, luôn làm theo sách vở. Điều này không còn phù hợp với thế giới ngày nay khi mà khoa học công nghệ thay đổi từng giây, từng phút.

Những bước đi thận trọng nhưng quyết liệt

Chủ trương của Đảng đã có, cơ sở pháp lý để tiến hành công cuộc đổi mới  giáo dục và đào tạo đã có, con đường đi và đích đến đã rõ ràng, các cỗ xe dù lớn hay nhỏ cũng phải chuyển động, nếu không sẽ bị đào thải.

Đổi mới giáo dục và đào tạo là yêu cầu rất bức bách. Bộ GD&ĐT đã có những bước đi thận trọng nhưng rất quyết liệt thể hiện qua hàng loạt các văn bản qui phạm pháp luật, chủ trương của Đảng được ban hành trong những năm gần đây, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học có hiệu lực đầu năm 2013  và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI mới được ban hành, dẫn đường cho công cuộc đổi mới.

Tôi hoàn toàn tán thành dự thảo qui định tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã đưa ra lấy ý kiến. Dự thảo qui định rất khoa học, đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các tình huống xảy ra khi giao tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm và sự thận trọng của Bộ GD&ĐT đối với một chủ trương lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu con người.

Tôi hoàn toàn đồng ý việc các trường tuyển sinh riêng cần phải có đề án rõ ràng nếu đáp ứng đầy đủ nội dung qui định, bởi chính đề án này là “qui chế tuyển sinh của trường” mà các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội dựa vào đó để kiểm tra, giám sát. Hãy thử đặt lại vấn đề, nếu trường không có đề án tuyển sinh riêng thì dựa vào đâu để kiểm tra, phân định việc đúng sai, công bằng hay không công bằng?

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý qui định đã tuyển sinh riêng thì không xét tuyển theo phương thức thi “3 chung”. Điều này đã rõ, vì mục tiêu của tuyển sinh riêng là áp dụng một cách thi mới để lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành nghề của trường. Nếu sử dụng kỳ thi “3 chung” mà cũng tuyển được thí sinh phù hợp thì thi riêng để làm gì?

Mặt khác thi riêng là phương án áp dụng lâu dài, nếu vẫn kết hợp xét tuyển từ kết quả “3 chung” thì 3 năm nữa theo lộ trình Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi chung thì trường lấy đâu kết quả này để xét?

Thấy trước được khó khăn này của các nhà trường, trong quá trình thực hiện tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT đã tạo cơ chế rất mở giúp các trường có thể tuyển sinh riêng cục bộ từng ngành, từng khoa; các trường cũng có thể phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh riêng để có thể xét tuyển chung cho các trường trong cùng đề án.  

Các trường phải suy nghĩ cách thi

Tự chủ tuyển sinh là không mới đối với các nhà trường, vì trên thực tế các trường đã làm việc này trước khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “3 chung”. Cái mới ở đây là các trường phải suy nghĩ cách thi, kiểu thi, môn thi,… thế nào để có thể tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp vào các ngành nghề đào tạo để đạt mục tiêu mà Nghị quyết TW8 đã đề ra. Nếu vẫn thi theo kiểu kiểm tra kiến thức các môn học phổ thông theo các khối thi thì tốt nhất duy trì phương thức thi “3 chung”, không cần thay đổi gì.

Đại học Đà Nẵng, với tư cách là một đại học vùng, trọng điểm quốc gia, đa ngành, có nhiều trường thành viên, đang tiến hành nghiên cứu một cách kỹ lưỡng đề án tự chủ trong tuyển sinh đại học và cao đẳng để trình Bộ GD&ĐT phê duyệt trong thời gian tới.

Đích hướng đến của đề án phải là một phương thức tuyển sinh vừa kiểm tra kiến thức, mà quan trọng hơn, phải đánh giá được năng lực học tập của thí sinh. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc học lệch, học tủ, cũng như hiện tượng học thêm, dạy thêm nhằm luyện khả năng nhớ bài của thí sinh.

Ngoài ra một kỳ thi tuyển sinh nhẹ nhàng hơn sẽ cho phép nhà trường có thể tổ chức 2 kỳ thi tuyển sinh trong một năm theo qui định, mang đến nhiều cơ hội lựa chọn cho nhà trường cũng như cho thí sinh.

Đại học Đà Nẵng hy vọng rằng đề án tự chủ tuyển sinh mới sẽ có tác động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao của đất nước.

"Tự chủ tuyển sinh theo đúng mục tiêu là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề mà các nhà trường cần nghiên cứu để làm tốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực".

PGS.TS Trần Văn Nam

(Giám đốc ĐH Đà Nẵng)

Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.