Tự chủ tài chính - đòn bẩy phát triển

GD&TĐ - Việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, đặc biệt trong đó là tự chủ tài chính được coi là yếu tố cần thiết và vô cùng quan trọng vì sẽ giúp các trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo, đầu tư xây dựng nội dung chương trình, trang thiết bị phục vụ đào tạo. 

Tự chủ tài chính - đòn bẩy phát triển

Đặc biệt trong đó là quy hoạch, tuyển dụng và sử dụng huy động nguồn nhân lực, chất xám sao cho các hoạt động học thuật, đào tạo và đặc biệt là nghiên cứu khoa học có hiệu quả cao nhất. 

Để tài chính là đòn bẩy chất lượng

Còn nhớ năm 2005, việc Bộ GD&ĐT giao thí điểm tự chủ tài chính cho 5 trường đại học công lập được các trường đón nhận hết sức hồ hởi phấn khởi. Theo đó, các trường có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định nhà nước, nhưng yêu cầu đưa ra là những trường này phải tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên như một doanh nghiệp nhà nước.

Tất nhiên, những trường được chọn thí điểm đều đang thuận khi có số đông sinh viên theo học và nguồn thu từ học phí đủ để trang trải các hoạt động liên quan, họ cũng mong được tự chủ cho dù kinh phí chi thường xuyên sẽ không còn nữa. Chỉ có điều ngày đó có một ràng buộc các trường về trần học phí được thu nên đã có ý kiến phàn nàn rằng: Doanh nghiệp khi được giao tự chủ thì Nhà nước không khống chế nguồn thu, chỉ kiểm soát việc chi, còn đối với trường đại học thì tuy được giao tự chủ nhưng Nhà nước lại khống chế mức thu.

Thời điểm đó cách đây đã 13 năm, còn đến nay số trường được giao tự chủ không chỉ 5 trường thí điểm tự chủ về tài chính mà là 23 trường đại học đã chính thức được giao thực hiện tự chủ toàn diện về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, trong đó tự chủ tài chính là một trong những nội dung quan trọng được các trường quan tâm đặc biệt vì nó tác động ngược trở lại đến chất lượng chung.

Khẳng định ý nghĩa của việc tự chủ thúc đẩy các trường trưởng thành hơn, PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Là một trong các trường được giao tự chủ, chúng tôi thấy, thực tế khi thực hiện quyền tự chủ, nội lực đã lớn mạnh rất nhiều từ việc mở rộng liên kết trong và ngoài nước, trang bị đầu tư trang thiết bị dạy học và nghiên cứu.

Nhiều nhà giáo dục và lãnh đạo các nhà trường đều chung quan điểm cho rằng: Việc được giao quyền tự chủ đã giúp các trường chủ động hơn trong các hoạt động là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt, việc các trường tự chủ về tài chính sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy hiệu quả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, liên kết hợp tác trong và ngoài nước.

Đặc biệt với việc tự chủ tài chính, trường có nhiều quyết định chủ động hơn trong việc đầu tư nguồn lực nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, các đơn vị thành viên của trường đã hợp tác nhiều đề tài với các đối tác thiết thực, hiệu quả, chất lượng hơn nhiều. Rõ ràng, hiệu quả của tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính đã góp phần nâng cao chất lượng đạo tạo và nghiên cứu được nâng tầm, chất lượng đào tạo tốt hơn, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp ngày càng cao là minh chứng rõ nhất của việc đó.

Có nên giữ trần học phí

Rõ ràng, hiệu quả của tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính đã góp phần nâng cao chất lượng đạo tạo và nghiên cứu được nâng tầm, chất lượng đào tạo tốt hơn, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp ngày càng cao là minh chứng rõ nhất của việc đó”.  PGS.TS Phạm Tiết Khánh 
- Hiệu trưởng Trường 
Đại học Trà Vinh

Những tác động tích cực về việc tự chủ tài chính của các trường đại học là điều đã được khẳng định. Có một nghịch lý đang diễn ra ở một số trường công lập là do bị khống chế trần học phí thấp, nên học phí thu được trên đầu sinh viên không đủ đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Chính vì thế, những trường này phải tận dụng mọi phương cách để tăng nguồn thu, như tăng cường tuyển sinh hệ vừa học vừa làm, liên kết với các đối tác nước ngoài tuyển sinh.

Những cách làm này đã không khỏi ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung. Cũng phải thông cảm với tâm lý chung của các trường vì để tìm lời giải cho bài toán nguồn thu thấp nhưng chi phí đào tạo chất lượng lại cao, ngân sách nhà nước thì không bù đắp đủ. Đây là bài toán chưa có lời giải vì mỗi khi trường nào đó có thông tin về tăng học phí thì thường nhận được những phản biện trái chiều từ chính người học và xã hội.

Theo TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Để đảm bảo chất lượng đào tạo theo yêu cầu thì việc nâng mức học phí sao cho bù đắp chi phí đào tạo đại học là điều cần phải tính đến, đây là điều nên làm vì ngân sách Nhà nước không thể bao cấp đủ, hơn nữa đây còn là điều bất hợp lý mà chúng ta đang thực hiện khi bao cấp dàn trải cho tất cả sinh viên.

Tự chủ về mức thu học phí cho các trường đại học công lập là điều sớm nên làm. vì nếu không thì trong một môi trường cạnh tranh, các trường bị gò bó về các điều kiện tài chính sẽ không có những quyết sách kịp thời. Có thể giám sát việc thực hiện tự chủ tài chính cho các trường thông qua Hội đồng trường, tổ chức này với quyền lực và trách nhiệm của mình, sẽ giám sát phê duyệt tham gia quản trị thu chi sử dụng, thì chắc chắn các nguồn tài chính cũng như việc sử dụng sẽ đạt được hiệu quả cao và tránh được những quan ngại về thất thoát và sai phạm.

Đến thời điểm này, Chính phủ đã cho phép một số đại học công lập tự chủ thu học phí cao so với Nghị định 49/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến từ sinh viên, phụ huynh phàn nàn về việc học phí tăng nhưng các điều kiện đào tạo không được cải thiện.

Thực tế này các trường phải nhìn nhận vì giờ đây giám sát hoạt động của các trường không chỉ là cơ quan quản lý nhà nước mà, còn là chính những người đi học, những sinh viên của các trường đó.

Tự chủ tài chính bằng việc chủ động đưa ra mức thu học phí đảm bảo bù chi cho các hoạt động đào tạo là điều cần thiết. Nhưng mức học phí được đưa ra thế nào cho hợp lý, sử dụng học phí sao cho hiệu quả nhất, và cuối cùng các nhà trường phải công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo cũng như sự giám sát trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là điều nên làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ