Tự chủ tài chính bệnh viện: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

GD&TĐ - Năm 2017, Bệnh viện K được Bộ Y tế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động.  GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K về những kết quả đổi mới trong quá trình tự chủ.

Bệnh viện K được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên
Bệnh viện K được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong thực hiện tự chủ tài chính của Bệnh viện K thời gian qua? Đâu là những nguyên nhân giúp Bệnh viện K thực hiện tự chủ tài chính với những kết quả đạt được đó?

GS.TS Trần Văn Thuấn:Bệnh viện K là bệnh viện hạng I, tuyến trung ương, chuyên khoa đầu ngành Ung bướu, có 3 cơ sở hoạt động với chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh được Bộ Y tế giao là 2.400 giường bệnh, trong đó có 1700 giường điều trị nội trú, 300 giường điều trị ban ngày và 400 giường dịch vụ theo yêu cầu.

Từ năm 2017, bệnh viện được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, tức là thuộc nhóm 2. Hiện tại, Bệnh viện K đang cùng 3 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Chợ Rẫy xây dựng đề án thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), đã trình lên Bộ Y tế và Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ và dự kiến sẽ sớm ban hành Nghị định thí điểm cơ chế tự chủ trên cho 4 bệnh viện.

Với nhiều năm kinh nghiệm thực hiện tự đảm bảo một phần và đặc biệt tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017, Bệnh viện K đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người bệnh nói riêng và người bệnh ung thư nói chung.

GS.TS Trần Văn Thuấn
GS.TS Trần Văn Thuấn 

Mỗi năm, bệnh viện tiếp đón hơn 400.000 lượt khám bệnh (tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016), điều trị nội trú cho hơn 45.000 người bệnh (tăng hơn 20% so với thời điểm trước năm 2016).

Báo cáo kết quả về tài chính cho thấy doanh thu của bệnh viện có mức tăng trưởng tốt: năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%. Người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện K đã được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao như chụp PET/CT, xạ trị đa mức năng lượng…

Thưa ông, việc giao tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ là người trả lương, vậy đội ngũ cán bộ, bác sĩ, người lao động Bệnh viện K có những thay đổi nhận thức như thế nào trong phục vụ, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?

Khi thực hiện tự chủ về tài chính là hoàn toàn không có nguồn cung cấp tài chính từ nguồn NSNN, vậy nên việc thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện là điều tối quan trọng. Do vậy, Bệnh viện K với Slogan của Bệnh viện “Trao hy vọng – Nhận niềm tin” đã quyết liệt thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” bằng nhiều giải pháp.

Trong đó, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, tuyên truyền, giáo dục cán bộ y tế thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; thành lập phòng công tác xã hội nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị…

Bệnh viện coi người bệnh là khách hàng, làm hài lòng khách hàng vì chính họ sẽ là người nuôi bệnh viện cũng như cán bộ nhân viên, đó chính là mấu chốt của vấn đề.

Trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, Bệnh viện K có gặp vướng mắc, khó khăn gì, thưa ông?

Bên cạnh những thuận lợi thì các đơn vị tự chủ đang còn gặp một số bất cập, khó khăn, vướng mắc như: các văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành trung ương hiện nay chưa ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế; Số lượng bệnh nhân tăng nhanh nên việc bố trí điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chưa thật sự đáp ứng được với yêu cầu; Cơ chế phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế...

Không những thế, nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT). Từ đó, khó khăn trong thanh toán chi phí KCB BHYT là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại các bệnh viện chưa thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí. Hiện giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học. Nếu giá viện phí được tính đúng, tính đủ thì khi thực hiện tự chủ, bệnh viện sẽ đỡ khó khăn hơn.

Khu nhà lưu trú tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều
Khu nhà lưu trú tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều 

 Từ thực tế của đơn vị, ông có kiến nghị, đề xuất gì để công tác tự chủ tài chính của các bệnh viện nói chung, trong đó có Bệnh viện K được tốt hơn trong thời gian tới?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Để đảm bảo cho các đơn vị thực hiện tự chủ hiệu quả thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các đơn vị thuộc nhóm 1 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP (tự đảm bảo toàn bộ tự kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư).

Cần trao quyền cho bệnh viện, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi; Cho bệnh viện được phép ban hành mức giá thu dịch vụ khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá…

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện; Đồng thời kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán BHYT để giảm thiểu thời gian, công sức, đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí KCB.

Xin cảm ơn ông!

Kết quả đạt được, điểm trung bình chất lượng bệnh viện đã cải thiện theo từng năm, năm 2016 là 2,79 điểm, năm 2017 là 3,56 điểm và năm 2018 đạt 4,05 điểm. Tỷ lệ hài lòng người bệnh năm 2016 là 52% đã tăng lên 78,9% năm 2017 và 91,5% năm 2018 (Theo kết quả đánh giá của Bộ Y tế).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.