Tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm

Tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm

(GD&TĐ)-Thảo luận về Dự luật Giáo dục đại học, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo đó, quyền tự chủ thể hiện ở công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Những nội dung trên được quy định cụ thể hơn ở 27 điều khác của dự luật.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự chủ, thì tùy thuộc mức độ, bị hạn chế quyền tự chủ, đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải thể.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng không nên coi quyền tự chủ giống như một phần thưởng, làm tốt thì thưởng, làm không tốt thì phạt, mà nếu trường đại học nào có đủ các quyết định thành lập thì đương nhiên có quyền tự chủ.

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Phạm Thị Hải phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Phạm Thị Hải phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Lý giải việc vì sao dự luật phải quy định quyền hạn chế tự chủ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Phạm Thị Hải (đại biểu tỉnh Đồng Nai), cho biết trong số 400 trường đại học, cao đẳng hiện nay, nhiều trường có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên... không đồng đều về quy mô, chất lượng.

Do đó, “giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học không thể thực hiện một cách đồng loạt và cào bằng được” và“với thực trạng của giáo dục hiện nay ở nước ta, nếu tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ ngay thì tôi e rằng sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát làm ảnh hưởng chất lượng giáo dục đại học”, đại biểu Phạm Thị Hải nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần thêm vào nội dung: Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm duyệt chỉ tiêu tuyển sinh và chương trình, giáo trình mà các trường biên soạn, đặc biệt chú ý các trường đại học địa phương, đại học tư thục.

Đề cập về vấn đề có hay không quy định Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH công lập, Hội đồng đại học ở đại học quốc gia, đại học và Hội đồng quản trị trong cơ sở GDĐH tư thục, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng cần thiết phải có quy định này. Không thống nhất quan điểm Chủ tịch Hội đồng nhà trường do cơ quan chủ quản của cơ sở GDĐH quy định, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị, chức danh Chủ tịch Hội đồng nhà trường không được đồng thời là Hiệu trưởng nhà trường để tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, đồng thời tạo được sự dân chủ, tránh chuyên quyền trong các cơ sở GDĐH.

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) đề xuất, chức danh Chủ tịch Hội đồng trường không thể là Hiệu trưởng, Giám đốc trường để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Nếu quy định Chủ tịch Hội đồng trường là Hiệu trưởng, Giám đốc nhà trường sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, lạm pháp, gây khó cho giảng viên, sinh viên và khó cho nhà quản lý khi thanh tra, kiểm tra. ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) không tán thành quy định Chủ tịch Hội đồng trường do cơ quan chủ quản cơ sở GDĐH quy định. Chức danh này cần phải có đề xuất từ các cơ sở giáo dục này..

Đại biểu
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) phát biểu

Về sự cần thiết, quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật GDĐH, ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) khẳng định, Luật Giáo dục ĐH ra đời sẽ có tác dụng tích cực đối với giáo dục ĐH Việt Nam, Luật đã bao quát khá đủ những vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục ĐH. ĐB Đạt  đồng ý phân tầng ĐH nhưng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các tiêu chí phân tầng đại học (ĐH nghiên cứu, đào tạo, cộng đồng..) đồng thời có các tiêu chí để xếp hạng các trường ĐH.

Đa số đại biểu tán thành các quan điểm nêu trong dự luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự án luật chưa có sự đánh giá đầy đủ về tầm quan trọng, căn cứ pháp lý xây dựng luật cũng như còn né tránh nhiều vấn đề quan trọng; nội dung các quy định trong dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu về tính đồng bộ, cụ thể, khả thi của một luật chuyên ngành.
 
Về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở GDĐH, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại, phân tầng cơ sở GDĐH theo vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ để có chính sách ưu tiên đầu tư phù hợp. Một số ý kiến khác đề nghị đổi tên các đại học, đại học quốc gia thành viện đại học và không nên có sự phân biệt đại học và đại học quốc gia.

Các ĐBQH cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề như vấn đề xã hội hóa giáo dục đại học, về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH; về hợp tác quốc tế trong GDĐH…

Cuối phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã giải đáp thấu đáo một số nội dung cụ thể các đại biểu Quốc hội trao đổi tại phiên thảo luận, làm rõ hơn sự cần thiết bàn hành Luật giáo dục đại học.

Thứ nhất, về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đã triển khai ở mức độ nhất định việc phân tầng này. Điều đó được biểu hiện cụ thể ở việc Chính phủ đã thành lập hai đại học quốc gia, thành lập Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và những đại học 2 cấp, đa ngành, đa lĩnh vực có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định một danh mục 18 trường đại học trọng điểm với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các ngành mũi nhọn và phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng hai đại học xuất sắc là Đại học Việt Đức và Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao và phục vụ phát triển khoa học công nghệ.

Ở một số vùng đặc thù như ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam, Chính phủ cũng đã có quyết định xây dựng các trường đại học đa ngành để đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở các khu vực này.

Về xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng cho biết, ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc xếp hạng này do các hiệp hội, các tổ chức kiểm định, các tạp chí, tờ báo lớn có uy tín và thậm chí có nước là do tổ chức tư nhân thực hiện và công bố.

Tuy nhiên, ở nước ta, việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học là vấn đề mới. Từ thực tiễn đó, Chính phủ đề xuất với Quốc hội, trong dự thảo luật không nên quy định về những vấn đề chuyên môn, cụ thể liên quan đến phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, cũng không nên quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đảm nhận việc công nhận xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, mà dự thảo luật chỉ nên quy định chung về các tầng và các tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, còn các vấn đề cụ thể thì nên để văn bản dưới luật quy định.

Về vai trò và địa lý pháp lý của Đại học quốc gia, Bộ trưởng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, liên Bộ đã tiến hành tổng kết đánh giá 10 năm hoạt động của hai Đại học quốc gia và ba đại học hai cấp. Kết quả cho thấy Nghị định 07 năm 2011 của Chính phủ đã bộc lộ những điều bất cập. Để giải quyết vấn đề này Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ giáo dục, đào tạo, Bộ nội vụ và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 07. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị với Quốc hội nên rà soát nội dung này và không nên đưa những nội dung của Nghị định 07 đang được rà soát thay thế vào luật.

Bộ trưởng cũng thống nhất với các ý kiến của một số đại biểu về việc nên để văn bản dưới luật và thậm chí một số nội dung của việc phân công phối hợp thực hiện nhiệm vụ đào tạo giữa Đại học quốc gia và các cơ sở thành viên nên thuộc thẩm quyền của Đại học quốc gia để đảm bảo tính tự chủ.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ