Tự chủ đại học với mô hình đại học vùng

Tự chủ đại học với mô hình đại học vùng

Phân cấp mạnh cho các cơ sở giáo dục thành viên

Để đại học (ĐH) vùng không trở thành cấp trung gian chuyển giao thông tin lên bộ chủ quản, phát huy tính tự chủ, sức mạnh của các trường ĐH thành viên và giữ được vai trò của ĐH vùng, cần phải có một thiết chế hoàn chỉnh. Cùng với ĐH Thái Nguyên và ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng hoạt động theo mô hình ĐH vùng với cơ chế có nhiều lợi thế như tối ưu hóa trong sử dụng và huy động nguồn lực giúp tập trung chuyên môn hóa, có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư được các công trình lớn mà sự đầu tư nhỏ giọt của các trường riêng lẻ khó có thể thực hiện được.

Một trục ĐH trong đó tập hợp nhiều ĐH cũng là hướng đi của nhiều ĐH trên thế giới. Tuy nhiên, để tránh bị chồng chéo, đảm bảo sự liên thông và phát huy được tính tự chủ, sức mạnh của các trường ĐH thành viên và giữ được vai trò của ĐH vùng, trong bối cảnh các cơ sở giáo dục ĐH thành viên được trao nhiều quyền tự chủ thì cần phải có một thiết chế hoàn chỉnh cho mô hình ĐH vùng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, tự chủ đại học phải gắn liền với mục tiêu chung, có tính “sống còn” của ĐH vùng cũng như các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thành viên là nâng cao chất lượng về mọi mặt, trước hết là chất lượng đào tạo, NCKH và vị thứ, uy tín của các cơ sở GDĐH thành viên chứ không nên hiểu chỉ là tự chủ về tài chính. “Do đó, quá trình này cần có sự quản lý, điều hành chiến lược chung của ĐH vùng, đồng thời nhờ đó tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để các cơ sở GDĐH thành viên thực thi thành công tự chủ ĐH đúng các quy định của pháp luật và đường lối đổi mới GD-ĐT” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nêu quan điểm.

Một CBQL nhận xét rằng, khi các cơ sở GDĐH thành viên được trao nhiều quyền tự chủ hơn, mà đây là xu thế tất yếu thì cơ quan ĐH vùng rất dễ trở thành cấp trung gian chuyển giao thông tin lên bộ chủ quản; vai trò điều hành chiến lược và điều phối hoạt động của ĐH vùng bị giảm sút, tạo nguy cơ làm giảm hiệu quả theo quy mô. Ngoài ra, các quy định liên quan đến mối quan hệ giữa ĐH vùng với các đơn vị thành viên, quan hệ giữa ĐH vùng và Bộ GD&ĐT gây khó khăn trong việc khó huy động và tập trung các nguồn dài hạn vào những mục tiêu phát triển chung mang tính chiến lược của cả ĐH vùng.

Cách làm của ĐH Đà Nẵng đang triển khai tự chủ theo cấp độ tự chủ giữa ĐH Đà Nẵng với cơ sở GDĐH thành viên. Khi Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai tự chủ đối với Trường ĐH Kinh tế thì việc định hướng tự chủ gần như được cụ thể hóa thêm một bước nữa. Trên thực tiễn điều hành và quản trị đại học, mọi chủ trương, kế hoạch, chiến lược, quy chế và quy định của ĐH Đà Nẵng cũng như các trường thành viên đều có sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất, thông qua Đảng ủy, Hội đồng ĐH, Ban Giám đốc (cấp ĐH vùng) hay Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu (cấp trường thành viên), tham khảo ý kiến, tư vấn của các hội đồng, chuyên gia trước khi ban hành, tổ chức thực hiện.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Phó Giám đốc ĐH Huế - nhận xét: “Một khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH đối với mô hình ĐH vùng là mâu thuẫn giữa quản lý tập trung với tư cách là một cơ sở GDĐH đa ngành, đa lĩnh vực với đòi hỏi phân cấp ngày càng nhiều hơn cho các trường thành viên”. Như Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng khi thực hiện cơ chế tự chủ thì theo nguyên tắc, bản thân trường có quyền mạnh hơn cả ĐH Đà Nẵng trong khi trên thực tế vẫn bị ràng buộc bởi là một cơ sở GDĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Nâng tầm cho ĐH vùng?

PGS.TS Đào Hữu Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Đánh giá khách quan, tự chủ ĐH hiện nay đã góp phần giúp các trường cải thiện được khả năng tài chính, bớt được cơ chế “xin – cho”; buộc các trường không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, các trường năng động, nỗ lực hơn và cũng minh bạch hơn”. Tuy nhiên, ở góc độ thực thi các quyền tự chủ khác thì chủ yếu mới dừng lại trên văn bản, việc thực hiện còn rất hạn chế.

Chẳng hạn mặc dù trong quy chế tự chủ cho phép nhưng việc mở ngành mới, tổ chức liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục khác nhưng trên thực tế hầu như không thể thực hiện vì theo quy định hiện hành, muốn mở ngành, muốn liên kết đào tạo thì hằng năm phải được địa phương chấp nhận cho đào tạo văn bằng, phải xin chỉ tiêu đào tạo từ địa phương.

Nội dung cốt lõi của tự chủ ĐH xoay quanh 3 trụ cột chính, đó là tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính và tự chủ về học thuật. Về việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và đãi ngộ cán bộ về lý thuyết là các trường được quyền quyết định nhưng thực tế hầu như không thể thực hiện được vì cán bộ, giảng viên trong trường công lập tự chủ đều là viên chức Nhà nước nên mọi điều chỉnh, quyết định liên quan phải thực hiện theo đúng các quy định đối với viên chức.

Đã có câu chuyện 2 tiến sĩ có tiếng từ nước ngoài về, muốn đầu quân cho Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng và đưa ra mức lương “trọn gói”, nhưng cả ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Kinh tế không quyết được, vì vẫn phải trả lương theo hệ số chứ không thể trả theo “gói thỏa thuận” dù đơn vị đủ khả năng đáp ứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thì mục tiêu và thách thức đặt ra đối với các cơ sở GDĐH thành viên khi triển khai tự chủ ĐH không ngoài mục đích để phát huy tối đa năng lực, tiềm năng để các cơ sở GDĐH thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH vùng phát triển nhanh và bền vững. “Triển khai tự chủ ĐH không làm giảm đi vai trò, trách nhiệm, giám sát, điều phối chiến lược của ĐH vùng mà trái lại, ĐH vùng sẽ áp dụng các phương thức quản trị ĐH tiên tiến từ kinh nghiệm và mô hình các ĐH lớn của thế giới để ban hành chiến lược, đề án phát triển tổng thể ĐH vùng và các cơ sở GDĐH thành viên đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia và khu vực” - Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận xét.

25 năm phát triển ĐH vùng đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng, đóng góp quan trọng vào việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Mô hình ĐH vùng, được tập trung đầu tư, đến nay các điều kiện để ĐH vùng phát triển thành ĐHQG đã chín muồi. Việc thành lập các ĐHQG từ các ĐH vùng trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn khả thi và rất cần thiết, tạo điều kiện cho các ĐH vùng thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. - PGS.TS Huỳnh Văn Chương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.