Mối quan hệ cơ quan chủ quản trong tự chủ đại học
Vấn đề Xóa bỏ cơ chế chủ quản cho các trường đại học được xem là vấn đề cốt lõi trong việc các trường thực hiện tự chủ một cách đúng nghĩa. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề vướng mắc, bất cập trong các quy định chính sách, pháp luật khiến cho việc tự chủ của các trường đại học khó thực hiện hơn.
Theo quan điểm của Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tự chủ là thuộc tính của trường ĐH. Đồng thời, tự chủ hóa ĐH cũng là một cách xã hội hóa giáo dục. Tự chủ ĐH sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các trường công lập, tạo sinh khí mới cho nền ĐH nước ta. Giáo sư Trần Hồng Quân chia sẻ: Trong vấn đề tự chủ, điều quan trọng là phải xây dựng được mô hình quản lý hiệu quả hơn, tạo động lực cho sự phát triển của trường đại học; đồng thời khắc phục được sự trì trệ, ỷ lại.
Theo GS Trần Hồng Quân, tự chủ đại học nằm ở bốn vấn đề chính, bao gồm: Tự chủ về tài chính, học thuật, về lao động và về tổ chức quản lý. Trong đó, tự chủ học thuật là tự chủ về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, về phương pháp tiếp cận vấn đề một cách đa chiều, đa văn hóa, nhiều nguồn khác nhau.
Trong tự chủ về quản lý, vấn đề cơ chế chủ quản được nhiều chuyên gia quan tâm, đưa ra ý kiến khác nhau. Ở góc độ cá nhân, GS Trần Hồng Quân cho rằng: “Nếu còn thực hiện cơ chế chủ quản, chắc chắn chúng ta không thể tự chủ được. Cơ quan chủ quản can thiệp vào việc tác nghiệp của các trường, làm hạn chế sự sáng tạo của các trường, đồng thời tạo ra sự ỷ lại của các trường vào cấp trên, tạo nên sự trì trệ.
Đồng quan điểm với GS Trần Hồng Quân, TS Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư) nêu ý kiến: Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện thành công tự chủ ĐH và tự do học thuật cần phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô, cao nhất. Từ đó cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở GDĐH và CĐ.
Bên cạnh đó, để quản lý chất lượng đầu ra, TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng cần hình thành các tổ chức kiểm định do các hiệp hội đại học và hiệp hội chuyên ngành tạo ra. Còn tổ chức quản lý Nhà nước kiểm tra đánh giá và cấp phép (hoặc thu giấy phép) hoạt động các tổ chức kiểm định ấy. Đồng thời, bỏ cơ quan chủ quản của các trường (trừ các trường chuyên ngành của công an và quân đội).
TS Nguyễn Thị Kim Phụng phát biểu tại hội thảo về tự chủ ĐH thời kỳ hội nhập . Ảnh: T.G |
Hội đồng trường đóng vai trò gì trong tự chủ ĐH?
Hiện vẫn còn nhiều băn khoăn về vai trò của Hội đồng trường (HĐT) trong các trường ĐH công lập. Dù luật đã quy định, các trường ĐH công lập phải thành lập HĐT, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường chưa có tổ chức HĐT hay có nhưng hoạt động không hiệu quả. Thế nhưng, theo Luật GDĐH (có hiệu lực ngày 1/7/2019), HĐT có vai trò rất lớn đối với các quyết định chức danh hiệu trưởng nhưng vẫn phải trong quy trình bổ nhiệm nhân sự mà quy trình này có thể có sự chi phối của các tổ chức Đảng, các quy định công chức viên chức…
Theo chia sẻ của TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) tại hội thảo khoa học về tự chủ ĐH thời kỳ hội nhập vừa diễn ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trước đây luật quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của HĐT. Nhưng theo quy định hiện nay (Luật GDĐH mới), nhiệm kỳ của hiệu trưởng do HĐT quyết định trong nhiệm kỳ của hội đồng trường. Vì vậy, không có quy định nhiệm kỳ hiệu trưởng cụ thể là bao lâu và hiệu trưởng do HĐT quyết định phù hợp với điều kiện thực tế.
Tuy nhiên, một trong những điều mà nhiều trường đang mắc là về vấn đề nhân sự. Liệu HĐT có được quyết như luật định hay không? TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Theo quy định, thủ tục HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng trường ĐH, chức danh quản lý khác của trường trong quy trình bổ nhiệm nhân sự.
Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động theo mô hình tự chủ, GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), chia sẻ, quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ của TDTU là một hành trình gian khổ, vừa làm, vừa mày mò, vừa xin cơ chế… Nhưng nhờ sự kiên định của toàn tập thể, cùng những quy chế hoạt động minh bạch, rõ ràng… nhà trường đã vượt qua một giai đoạn dài như vậy.
Ở một góc độ khác, TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Chưa nên thành lập đại trà HĐT ở tất cả các trường ĐH công lập. HĐT chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện như thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.
“Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường đại học dân lập kiểu cũ, lại càng không phải là tổ chức tư vấn của hiệu trưởng). Đồng thời, phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền. Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này cho dù có thành lập HĐT thì nó cũng không phát huy được tác dụng” - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.