Từ chối “Quỹ Vì một thế giới không khói thuốc” do Philip Morris tài trợ

GD&TĐ - Ngày 26/2, Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đồng hành cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố thông cáo chính thức từ chối “Quỹ Vì một thế giới không khói thuốc”do Tập đoàn thuốc lá Philip Morris International tài trợ.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra bắt giữ kinh doanh thuốc lá trái phép trên đại bàn TP.HCM
Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra bắt giữ kinh doanh thuốc lá trái phép trên đại bàn TP.HCM

NCDs-VN là tập hợp của 18 tổ chức, cá nhân cùng chia sẻ tầm nhìn thúc đẩy sự tiến bộ của công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam, được điều phối bởi Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng. Theo tiến sĩ – bác sĩ Trần Tuấn, Chủ tịch NCDs-VN, gần đây WHO đã đưa ra tuyên bố phản hồi đề nghị của Quỹ này về tiềm năng đặt quan hệ đối tác với Ban lãnh đạo WHO. Tại phiên họp lần thứ 144 của WHO, tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho rằng, WHO sẽ giữ vững cam kết thực thi trọn vẹn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, thoả thuận có tính toàn cầu yêu cầu các quốc gia phải bảo vệ chính phủ của mình trước sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

“Chúng tôi sát cánh cùng với WHO trong việc kêu gọi các chính phủ và các viện nghiên cứu từ chối nhận hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu từ ngành công nghiệp thuốc lá hoặc các tổ chức làm tăng lợi ích của ngành này. Quỹ Vì một thế giới không khói thuốc hoàn toàn do Philip Morris tài trợ và sẽ tiếp tục thu lợi hàng tỷ USD từ những người nghiện thuốc lá. Điều chúng tôi lo ngại là Quỹ này đang điều hành chiến lược hoạt động của Philip Morris rất hiệu quả nhằm tăng lợi ích kinh doanh của Philip Morris, bao gồm việc quảng bá các sản phẩm thuốc lá hun nóng, một thị trường mà Philip Morris đang muốn thống lĩnh”, bác sĩ Tuấn nhìn nhận.

Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, hiệp ước về y tế toàn cầu đầu tiên trên thế giới nêu rõ: Trong việc xây dựng và thực thi các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, các bên tham gia cần hành động để bảo vệ các chính sách này khỏi lợi ích thương mại và lợi ích cá nhân của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia.

Tổ chức Stopping Tobacco Organizations and Products (ngăn chặn các tổ chức và sản phẩm thuốc lá - STOP), cơ quan giám sát ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu, đã phát đi một bức thư ngỏ và hơn 300 tổ chức và chuyên gia đã phản đối hành động của “Quỹ Vì một thế giới không khói thuốc” đã đi ngược lại thông báo năm 2017 của WHO. Theo đó, các chính phủ và cộng đồng y tế công cộng không nên hợp tác với Quỹ này.

Ngày 6/2, tổ chức STOP ủng hộ quyết tâm của WHO, kêu gọi các nhà nghiên cứu và chính phủ đang được “Quỹ Vì một thế giới không khói thuốc” tiếp cận, vì Quỹ này không có chỗ đứng trong ngành y tế công cộng hay trên bàn đàm phán chính sách.

Theo nghiên cứu của WHO, trong thuốc lá đang lưu thông trên thị trường có chứa 7.000 hóa chất và có tới 69 loại hóa chất, khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và gây nguy cơ ung thư rất cao. Tại Việt Nam, kết quả điều tra của WHO cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới chiếm 45% và nữ giới là 1,1%. Việt Nạm hiện đứng thứ ba ở Đông Nam Á về số lượng hút thuốc với 15,6 triệu người trên 15 tuổi đang hút thuốc lá và trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.

Không chỉ số người hút thuốc lá cao, Việt Nam còn có khoảng 28,5 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc tại nhà, 5,9 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc tại nơi làm việc. Ở nước ta, thuốc lá là đối tượng gây ra hơn 40.000 ca tử vong/năm và đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70.000 ca tử vong vì thuốc lá. Cùng với số ca tử vong tăng nhanh qua từng năm, thuốc lá còn là thủ phạm gây nên bệnh tật ( ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim…) và tổn hại cho xa hội khoảng 24.000 tỷ đồng/năm .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ