Tu bổ bờ kè hộ thành hào Kinh thành Huế: Đơn vị thi công bị “tuýt còi”

GD&TĐ - Trước sự việc bờ kè hộ thành hào Kinh thành Huế được tu bổ như làm mới khiến dư luận và các nhà nghiên cứu lên tiếng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ VH,TT&DL làm rõ, báo cáo Thủ tướng.

Hình ảnh bờ kè hộ thành hào một bên cửa Quảng Đức trước và sau tu bổ (Ảnh trước tu bổ được chụp vào ngày 23/4/2018)
Hình ảnh bờ kè hộ thành hào một bên cửa Quảng Đức trước và sau tu bổ (Ảnh trước tu bổ được chụp vào ngày 23/4/2018)

Tu bổ như...…làm mới

Nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993, hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh kinh thành Huế được triều Nguyễn xây dựng từ năm 1832. Công trình được đắp bằng đá núi (đá gan gà) theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính.

Theo thời gian, dưới tác động của tự nhiên và con người, một số đoạn kè hào bị hư hỏng, sạt lở. Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỉ đồng (trong đó có hạng mục tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào mặt nam Kinh thành). Do khó khăn về nguồn lực và giải phóng mặt bằng nên đến tháng 10/2016, UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2020.

Vừa qua, khi đang thi công tu bổ, gia cố hệ thống kè đá đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài khoảng 1.000m (theo quy mô dự án, tổng chiều dài tuyến kè hộ thành hào được phê duyệt bảo tồn, tu bổ là 11km), đơn vị thi công dự án nhận phải phản ứng gay gắt của dư luận và các nhà nghiên cứu về công tác trùng tu khi cho phương tiện cơ giới vào phá bỏ phần bờ kè gốc, thay vào đó là một bờ kè gần như mới bằng bê tông cốt thép.

Trong hồ sơ dự án này ghi rõ, phương án tu bổ là “bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ và phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ”. Phương án này cũng giống với những lưu ý trong công văn mà Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (đơn vị chủ đầu tư) trước đó.

Trước thực tế này, dư luận đặt câu hỏi: Liệu công tác trùng tu đoạn bờ kè hộ thành hào này có “làm trái” với lưu ý chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa? Nguyên giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Thành viên Hội đồng Tham vấn các nhiệm vụ Khoa học của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Trần Thanh Bình cho hay, tại cuộc họp hội đồng khoa học ngày 20/4/2018, ông đã nêu ý kiến về việc hạ giải bờ kè là hạ toàn bộ hay chỉ hạ giải những đoạn bị hư hỏng nặng?

“Tôi nhớ bên tư vấn thiết kế nói chỉ hạ giải những đoạn kè sụt lún nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính bền vững của tường thành. HĐKH luôn giữ quan điểm phải bảo tồn tính nguyên vẹn cả về kiến trúc, kết cấu kỹ thuật và màu thời gian của di tích, chỉ phục hồi đối với những chỗ bị sụp đổ, nhưng phải hạn chế tối đa làm mới”, ông Bình cho biết.

Ông Bình cũng nêu quan điểm, trong quá trình thi công trùng tu di tích, nếu có những vấn đề nảy sinh mà trong quá trình khảo sát chưa lượng hết thì cần phải có hội thảo, mời hội đồng khoa học tới thảo luận xin ý kiến để có phương án mới. Không nên tự động điều chỉnh mà không thông qua hội đồng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - Nguyên Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế, việc vi phạm trong quá trình tu bổ bờ kè hộ thành hào Kinh thành Huế là khá rõ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã dứt khoát chỉ đạo tạm dừng thi công, soát xét lại toàn bộ dự án này để có thể đưa ra những kết luận, xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đây không phải là một vụ việc vi phạm đơn giản mà đã từng diễn ra trên một vài di tích khác. Nhưng do thiếu những cơ chế xử lý thích hợp nên cứ tiếp diễn. Lần này việc vi phạm quá lộ liễu, nên xem xét cân nhắc đối với các quy định của Bộ luật Hình sự để cơ quan tố tụng có thể làm các bước tiếp theo quy định của pháp luật.
Phương tiện cơ giới được đơn vị thi công đưa vào để hạ giải bờ kè hộ thành hào
  • Phương tiện cơ giới được đơn vị thi công đưa vào để hạ giải bờ kè hộ thành hào

Cần làm rõ trách nhiệm

Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kiêm Giám đốc ban quản lý dự án cho biết, do tác động của thời gian, thời tiết và hoạt động của con người nên bờ kè bị hư hỏng đến 70 - 80%, có những đoạn bị sụp hoàn toàn.

Hiện trạng bờ kè hào từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài trước đó có nhiều vị trí đứt, gãy. Nếu không gia cố tu bổ thì rất khó để bảo vệ bờ thành. Qua quá trình thi công và sau khi khảo sát thấy đoạn kè này hư hỏng nghiêm trọng, không còn đoạn nào có thể giữ nguyên trạng nên đơn vị mới quyết định lựa chọn phương án hạ giải, tháo dỡ toàn bộ để tu bổ và gia cố bằng việc tận dụng tối đa vật liệu gốc. Tuy nhiên, đơn vị cũng thừa nhận đã có một số tồn tại và hạn chế.

Trong văn bản trả lời báo chí, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nêu cụ thể, việc triển khai công tác tu bổ, gia cố hệ thống kè hộ thành hào là chưa theo đúng kế hoạch và tiến độ thi công. Tại một số vị trí, việc thi công còn tùy tiện, không đúng bản vẽ kỹ thuật đã được phê duyệt. Đơn vị thi công đã sử dụng quá quy định các phương tiện cơ giới trong hạ giải tuyến kè trên, gây ra những hình ảnh phản cảm và dư luận đối với dự án này.

Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình triển khai thi công còn thiếu chặt chẽ, trách nhiệm khi tiến hành xác định mức độ hư hỏng và giá trị hiện trạng công trình. Hiện đơn vị đã cho tạm dừng thi công để kiểm tra cụ thể hơn.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế, quá trình quản lý giám sát, thi công hạng mục di tích nói trên để đánh giá, xác định cụ thể các nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác tu bổ đoạn kè vừa triển khai. Trên cơ sở đó, xác định và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại. Không để xảy ra trường hợp tương tự.

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ VH,TT&DL nghiên cứu nội dung mà báo chí đã đăng liên quan đến việc tu bổ di tích Kinh thành Huế, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ