Tứ bề thọ… dịch

GD&TĐ - Không phải đến hôm nay, đất nước ta mới bị dịch vây tứ phía mà kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, chúng ta luôn đứng trước những “rập rình” của nạn dịch từ các quốc gia láng giềng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thế nhưng, giai đoạn này mới là thử thách lớn nhất. 

Trước hết, nước láng giềng Campuchia hôm cuối tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chỉ nói “quan ngại sâu sắc”, thì nay WHO đã phải thốt lên: “Campuchia trước bờ vực thảm kịch quốc gia”. Có lẽ chưa có quốc gia nào ở Đông Nam Á được WHO dùng cụm từ như vậy cho dù một số nước như Malaysia, Indonesia… số người nhiễm và chết vì Covid-19 nhiều gấp hàng chục lần Campuchia.

Con số nhiễm Covid-19 những ngày qua của quốc gia này đã lên đến 3 con số khiến chính quyền thủ đô Pnom Penh phải ban bố lệnh cấm ăn uống trong nhà hàng, đồng thời phong tỏa một số điểm nóng có nguy cơ lây lan cao.

Chính quyền cũng khuyến cáo người dân ăn Tết Khmer tại nhà để hạn chế lây nhiễm. Khả năng “vỡ trận” về dịch Covid-19 tại đất nước này là rất cao vì hệ thống y tế của Campuchia còn yếu kém. Đó chính là lí do để WHO đặt Campuchia trước tình trạng báo động đỏ.

Từ Campuchia đi xe đò về tới biên giới Việt Nam, sau đó lén lút theo các lối mòn hoặc thuê thuyền vượt biển nhập cảnh vào nước ta là hành trình không mấy khó khăn nếu những người này “quyết tâm về Việt Nam bằng mọi giá”!

Thực tế là, từ giữa tháng 3 đến nay, hàng loạt công dân Việt Nam từ Campuchia đã nhập cảnh trái phép khiến các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp thêm một phen lao đao.

Tình hình dịch ở Campuchia là vậy, còn ở Lào mới đây đã xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau hơn một năm nay khiến nước này phải kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch cứ ngỡ là “ngủ yên” lâu nay. Bệnh nhân là một doanh nhân người Thái Lan nhưng mở quán Internet ở Lào.

Cách đây không lâu, người này đã tiếp xúc với ba người Thái Lan nhập cảnh trái phép vào Lào. F0 của ca bệnh này chính là những người Thái Lan nói trên. Thái Lan đang là điểm nóng về dịch Covid-19 ở Đông Nam Á với mỗi ngày 1.000 ca nhiễm nên việc lây lan trong cộng đồng từ các ổ dịch ở thủ đô Bangkok và các tỉnh vùng Đông - Bắc nước này là rất cao.

Mấy ngày qua, lực lượng biên phòng các vùng biên giới cũng như lực lượng công an các tỉnh đã bắt nhiều vụ với hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào nước ta. Chưa có trường hợp nào bị nhiễm Covid-19 trong số người này, song nếu tình trạng trên không được ngăn chặn quyết liệt thì việc lây bệnh trong cộng đồng từ những người nhập cảnh trái phép như thế là rất cao.

Cho đến thời điểm này, nước ta căn bản đã khống chế được dịch Covid-19 sau “làn sóng thứ ba”.

Bên cạnh việc các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng biên phòng vùng biên luôn luôn ứng trực 24/24 giờ để ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, tòa án một số tỉnh cũng đã “xử nhanh” các vụ án liên quan đến việc lây lan dịch Covid-19 trong thời gian qua; đồng thời phạt rất nặng số người mối lái nhập cảnh trái phép.

Dù vậy, tình trạng dắt mối để đưa công dân nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta vẫn chưa chấm dứt.

Bên cạnh việc “nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19” thì cũng không được phép lơ là trước việc một số người vẫn lăm le “nhập cảnh Covid-19” vào nước ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.