Anh Marshall Jensen, đến từ bang Utah, Mỹ nằm trong số 30 bệnh nhân bị ung thư máu đã trải qua quá trình chữa trị thử nghiệm tại Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania. Trong cuộc thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã cấy ghép vào các tế bào máu trắng một dạng HIV vô hại, được lập trình để tấn công và tiêu diệt ung thư.
Cho tới nay, anh Jensen đã phản ứng tốt với phương pháp chữa trị thử nghiệm. Ông bố trẻ 30 tuổi này hiện được xác nhận không còn ung thư máu lần đầu tiên trong nhiều năm qua.
Jensen kể, anh được chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu nguyên bào cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukaemia - ALL) vào năm 2012, chỉ một năm sau ngày cưới. Kể từ đó, anh cùng vợ và cậu con trai nhỏ đã đi khắp nước Mỹ để tìm cách cứu chữa căn bệnh ung thư của mình.
Gia đình Jensen đã tìm kiếm trong vô vọng, mãi tới khi họ được gặp tiến sĩ Carl June ở Trường Y, Đại học Pennsylvania. Tiến sĩ June cùng các cộng sự đã dành 2 thập niên nghiên cứu về phương pháp chữa trị ung thư đột phá, sử dụng mầm bệnh AIDS.
Mối liên hệ giữa bệnh bạch cầu và virus HIV đã được phát hiện lần đầu tiên năm 2006, khi một người đàn ông dương tính với HIV là Timothy Wood được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào tuỷ cấp tính (Acute Myeloid Leukemia - AML).
Sau khi được cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng có đột biến di truyền hiếm gặp, bệnh ung thư máu của Wood đã thuyên giảm và virus HIV biến mất khỏi cơ thể của ông, giúp ông trở thành người đầu tiên được chữa khỏi hoàn toàn khỏi mầm bệnh AIDS.
Kể từ đó, nhóm của tiến sĩ June đã thận trọng phát triển liệu pháp chữa trị bệnh bạch cầu dựa vào virus HIV và vừa cho công bố báo cáo nghiên cứu khẳng định sự thành công của cách chữa trị này đối với 30 bệnh nhân ung thư máu.
Các chuyên gia đã trích lấy hàng tỉ tế bào T từ cơ thể bệnh nhân, rồi cấy ghép các virus HIV đã bị khử hoạt tính vào chúng trong phòng thí nghiệm. Các tế bào "sát thủ" này sau đó được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân để chiến đấu, tiêu diệt ung thư và nằm im cho tới khi ung thư tái xuất hiện.
Mặc dù ý tưởng tiếp nhận một liều HIV dường như đáng sợ với một số người, nhưng tiến sĩ June quả quyết không có gì phải lo ngại về các virus đã bất hoạt dùng trong điều trị. "Chúng là các virus đã bị vô hiệu hóa, nhưng còn giữ lại một trong các đặc điểm cốt yếu của HIV là khả năng cài các gen mới vào các tế bào", tiến sĩ June giải thích.
Trong số 30 bệnh nhân bạch cầu được chữa trị thử nghiệm, gồm 5 người lớn và 25 trẻ con, 23 người vẫn còn sống và 19 người đã khỏi bệnh. Emma Whitehead, 7 tuổi, là đứa trẻ đầu tiên được nhóm của tiến sĩ June chữa trị năm 2012 và hiện đã thoát khỏi căn bệnh ung thư gần 2 năm.
Tiến sĩ June và các cộng sự hiện đang xem xét sử dụng liệu pháp chữa trị bằng HIV để tấn công các dạng ung thư khác và sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm mới vào mùa hè tới ở các bệnh nhân ung thư tuyến tụy.