Truyền thông trong trường học: Tư tưởng không thông 'vác bình tông cũng nặng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo chuyên gia, ĐBQH, truyền thông GD đóng vai trò quan trọng trong triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Sinh viên Trường ĐH FPT. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH FPT. Ảnh: NTCC

Ông Trần Văn Thịnh – Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT: Giải pháp trọng tâm

Triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29), ngày 8/11/2017, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã chủ động tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông. Đây được coi như một trong những giải pháp trọng tâm ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết.

Ông Trần Văn Thịnh.

Ông Trần Văn Thịnh.

10 năm qua, công tác này thể hiện vai trò, vị trí quan trọng trong việc chuyển tải chính sách, chủ trương, định hướng của ngành; thông tin cho xã hội về vấn đề giáo dục và đào tạo, quan tâm xử lý thông tin, tạo sự đồng thuận xã hội; các vụ việc tại địa phương được báo chí phản ánh, song với sự vào cuộc tích cực của cơ quan, ban, ngành nên giải quyết kịp thời, thấu đáo và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Xác định rõ vị trí, vai trò công tác này, sau khi Nghị quyết 29 được ban hành, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT phối hợp với Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng xây dựng chương trình hành động, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị phổ biến nội dung, yêu cầu nhiệm vụ để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nghiên cứu, học tập quán triệt, thực hiện theo chức trách nhiệm vụ được giao.

Hình thức phổ biến, quán triệt được tổ chức đa dạng, phong phú như: Thông qua sinh hoạt chi bộ, chuyên đề, hội nghị cơ quan, đơn vị. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết 29. Theo đó, Chi bộ, Đảng bộ xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài. Vì vậy, việc học tập, quán triệt Nghị quyết không chỉ giúp mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên nắm được Nghị quyết, quan trọng hơn tạo sự đồng lòng, quyết tâm cao đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Để việc quán triệt, học tập Nghị quyết thuận lợi, thống nhất toàn ngành, Bộ GD&ĐT có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến như: Tổ chức tọa đàm, triển khai học tập, gắn nội dung của Nghị quyết với vấn đề thực tiễn ngành theo trách nhiệm từng cấp…

Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ việc học tập Nghị quyết 29 cho cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục; triển khai hội nghị quán triệt Nghị quyết 29, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động ngành đến giám đốc sở GD&ĐT, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên toàn ngành.

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng cuốn sách “Công tác tuyên giáo với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo”. Sách được phát hành đến mạng lưới ngành tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, tuyên truyền kết quả 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp những năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm tuyên truyền, giải thích mục đích, ý nghĩa, vai trò và thường xuyên thông tin nội dung liên quan đến học sinh, sinh viên, học viên, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, dạy nghề và toàn xã hội để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai.

Qua đó, công tác truyền thông giúp dư luận hiểu hơn về giáo dục, nỗ lực của ngành thời gian qua, nhiệm vụ sẽ triển khai thời gian tới. Đồng thời, tăng cường công tác phản biện xã hội để kịp thời điều chỉnh chính sách, công tác quản lý, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các cấp quản lý giáo dục.

Sau 10 năm kiên trì phổ biến, quán triệt và phản biện một số tư tưởng, quan điểm chưa đúng, đến nay, cơ bản đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục đã hiểu nội dung, chương trình đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29. Trên cơ sở đó tạo đồng thuận, tích cực thực hiện chủ trương theo tinh thần Nghị quyết.

Có thể nói, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong triển khai Nghị quyết 29, góp phần tạo ra thành quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục sau 10 năm thực hiện. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, công tác truyền thông là một trong những giải pháp mà Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 giai đoạn tiếp theo.

TS Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT (Hà Nội): Chuyển biến từ công tác truyền thông

TS Nguyễn Khắc Thành.

TS Nguyễn Khắc Thành.

Từ năm 2013, sau khi được phổ biến Nghị quyết 29, nhà trường nhận thức đây là một trong những nội dung chỉ đạo trực tiếp đến lĩnh vực chuyên môn. Theo đó, nhà trường triển khai tuyên truyền sâu rộng tới đội ngũ đảng viên chi bộ, đặc biệt đảng viên có ảnh hưởng trực tiếp đến đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học như: Giảng viên, cán bộ khối tổ chức đào tạo, công tác học sinh, sinh viên…

Việc tuyên truyền thông qua trao đổi, phổ biến Nghị quyết 29 tới từng đảng viên và những chuyên đề riêng khi họp chi bộ. Trên cơ sở đó tạo chuyển biến tích cực trong triển khai. Đơn cử, nhà trường chú trọng đổi mới công tác tuyển sinh. Hằng năm, Trường ĐH FPT công khai Đề án, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và đăng tải trên website để phụ huynh, người học nắm được.

Đặc biệt, từ năm 2020, nhà trường triển khai và áp dụng phương thức xét tuyển SchoolRank. Đây là công cụ tra cứu, xếp hạng học sinh THPT đầu tiên do Trường ĐH FPT thực hiện và phát triển dựa trên phương pháp luận ATAR - Công cụ xếp hạng tuyển sinh của Úc. Đây được xem như tiêu chí chính để học sinh tham gia xét tuyển vào các trường ĐH tại Úc.

SchoolRank FPT hoạt động dựa trên công thức của phương pháp luận ATAR được chuẩn hóa và phù hợp nền giáo dục Việt Nam với 3 bảng xếp hạng theo học bạ THPT; học bạ giáo dục thường xuyên (cấp THPT); kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kết quả từ SchoolRank giúp việc đánh giá học lực học tập của học sinh khách quan, từ đó xây dựng lộ trình rèn luyện phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh): Phụ thuộc vào tư duy, nhận thức người đứng đầu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà.

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, tôi nhận thấy công tác truyền thông có vai trò quan trọng. Kết quả thực hiện Nghị quyết tốt hay không phụ thuộc nhiều vào yếu tố này. Truyền thông giúp thay đổi tư duy, nhận thức và hành động.

Tôi được biết, truyền thông giáo dục là một trong 5 giải pháp cơ bản được ngành Giáo dục thực hiện khi triển khai Nghị quyết 29. Đơn cử, năm học 2023 – 2024, Bộ GD&ĐT xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Chủ trương là vậy nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo chưa coi trọng công tác này. Một phần do tư duy, nhận thức của người đứng đầu nên “bỏ qua” hoặc làm cho có dẫn đến những hệ quả không mong muốn. Chẳng hạn: Còn một số cán bộ, viên chức ngành Giáo dục chưa nắm được mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 29. Nhiều chủ trương, chính sách của ngành Giáo dục không đi vào cuộc sống do cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên không hiểu biết nên chưa làm hoặc làm qua loa, chiếu lệ dẫn đến chính sách không được thực thi hoặc thực thi kém hiệu quả.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bước sang năm thứ 4 nhưng nhiều người, thậm chí có giáo viên chưa hiểu dẫn đến không theo kịp, ngại đổi mới. Hay như, dư luận bức xúc, tố giác một số trường lạm thu, mập mờ trong dạy tăng cường liên kết. Nhiều trường còn lúng túng khi đối diện với khủng hoảng. Tồn tại này chính là hệ quả của việc truyền thông chưa đúng cách hoặc làm không đến nơi, đến chốn.

Cũng cần hiểu tường minh rằng, truyền thông giáo dục không đơn thuần để xử lý “khủng hoảng”, quan trọng là giúp mọi người hiểu, biết và thay đổi tư duy, nhận thức và cùng hành động. Bởi “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”. Khi tư tưởng thông, tư duy, nhận thức thay đổi thì hành động, việc làm sẽ chuyển biến tích cực. Khi đó có nhiều đổi mới, sáng tạo để tạo ra những “trái ngọt”.

“Cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ chỉ thị, nghị quyết Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Kịp thời biểu dương, nhân rộng mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết 29”, ông Trần Văn Thịnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...
Thông báo tuyển dụng

Thông báo tuyển dụng

GD&TĐ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển dụng viên chức (diện xét tuyển viên chức) năm 2024 như sau: