Truyền thông trong trường học đậm nhạt tùy nơi

GD&TĐ - Tại nhiều trường học, ngoài bảng tin, trang web còn phát triển ấn phẩm nội bộ, fanpage.

Học sinh khối 4 - 5 Trường Tiểu học Hùng Vương trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” được đăng tải trên fanpage nhà trường. Ảnh: NTCC
Học sinh khối 4 - 5 Trường Tiểu học Hùng Vương trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” được đăng tải trên fanpage nhà trường. Ảnh: NTCC

Đây là kênh chuyển tải thông tin về chủ trương, chính sách giáo dục, hoạt động nhà trường… đến giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh cũng như xã hội. Tuy nhiên, có nơi làm cho có, thông tin nửa vời; thậm chí còn cơ sở giáo dục không có website.

Tận dụng lợi thế mạng xã hội

Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có hai kênh thông tin về hoạt động của trường. Cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Lê cho biết: “Website chủ yếu đăng văn bản chỉ đạo của phòng, sở, các thông báo, hướng dẫn, lịch sinh hoạt, thời khóa biểu…

Hoạt động giáo dục khác như trò chuyện dưới cờ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức vui trung thu… sử dụng fanpage nhà trường để đăng tải”. Đây cũng là cách trường vận dụng để truyền thông đến giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng về hoạt động giáo dục.

Theo giải thích của cô Đỗ Thị Lê, đa số phụ huynh có tài khoản mạng xã hội nên đây là kênh tương tác nhanh, lan tỏa rộng; số lượng ảnh mỗi lần đăng tải cũng nhiều hơn. Nếu đăng trên website, tìm kiếm mất nhiều thời gian hơn do phải vào thư mục cụ thể. Chưa kể, để xuất bản tin bài trên website cần chỉnh sửa dung lượng ảnh phù hợp.

Được giao nhiệm vụ quản lý fanpage của Trường Tiểu học Hùng Vương, cô Lê Trung Thu – giáo viên Tin học cho hay, bài viết sau khi ban giám hiệu duyệt mới đăng trên fanpage nhà trường. Trang này được cài đặt duyệt bình luận và khóa tính năng nhắc (tag) để tăng cường bảo mật. Thắc mắc của phụ huynh dưới bài đăng được admin chuyển lại ban giám hiệu nhà trường để có nội dung trả lời chính xác.

Chia sẻ về công tác truyền thông nội bộ, thầy Thạch Cảnh Bê - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) thông tin: Dù nhà trường thiết kế thư mục cho tổ chuyên môn, tổ trưởng có tài khoản xuất bản tin bài nhưng gần như việc xây dựng nội dung do ban giám hiệu đảm nhận. Vì vậy, website nhà trường chỉ cập nhật các thông báo, kế hoạch năm học, thời khóa biểu, danh sách xếp lớp khối 10…

“Ngay như việc thông báo cho học sinh lớp 10 đăng ký chọn nhóm môn lựa chọn, dù đã đăng trên website nhưng chúng tôi vẫn sử dụng Facebook để chia sẻ thông tin. Học sinh chủ yếu sử dụng điện thoại để kết nối Internet thì chia sẻ qua Facebook, Zalo dễ đọc hơn. Hơn nữa, tốc độ vào thư mục trong website chậm hơn”, thầy Bê nhận xét.

Hầu như sau mỗi buổi học, giáo viên phụ trách lớp của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đăng hình ảnh hoạt động của trẻ tại lớp. Chị Lê Thị Kiều Nga – phụ huynh lớp nhà trẻ 24 - 36 tháng kể: “Nhìn hình ảnh, phụ huynh có thể biết hôm nay con học bài gì, rèn kỹ năng nào để có thể hỗ trợ thêm khi ở nhà. Xem video ngắn về hoạt động của trẻ, bố mẹ hình dung được mức độ tương tác của con với cô giáo, bạn, sự hứng thú với hoạt động ở lớp…”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Công cụ quản trị trường học

Tại Trường THPT số 1 Đức Phổ, để xuất bản tin, bài trên website nhà trường, thầy Thạch Cảnh Bê, thường qua nhiều thao tác do sử dụng chung tên miền với sở GD&ĐT. Thế nhưng phần mềm đã cũ, không cập nhật nên sau khi xuất bản, không có thao tác chia sẻ trực tiếp từ website lên tài khoản mạng xã hội mà phải làm động tác thủ công là cóp đường link rồi dán sang. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến website trường học ít được cập nhật thông tin về hoạt động giáo dục dù mang tính chính thống hơn tài khoản mạng xã hội.

Trong khi đó, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) cho rằng, website trường học nếu được đầu tư và khai thác hết tính năng sẽ là công cụ quản trị trường học. Khi thực hiện kiểm định chất lượng các trường phổ thông, website như quy định bắt buộc phải có. Nhà trường đã mua tên miền độc lập để đảm bảo dung lượng và cải thiện tốc độ truy cập vào website.

“Ở trường chúng tôi, hoạt động giáo dục lớn, kế hoạch bài dạy, bài giảng E-learning… đều được đăng tải lên website. Nếu chỉ gửi vào nhóm Zalo thì việc lưu trữ khó khăn. Ngay cả việc xây dựng đề kiểm tra của giáo viên tổ chuyên môn cũng gửi về ban giám hiệu thông qua công cụ trên website”, thầy Chín chia sẻ.

Cùng quan điểm, thầy Thạch Cảnh Bê nhìn nhận, website các trường học cũng tham gia hỗ trợ cựu học sinh sử dụng dịch vụ công như xin lại bảng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp…

Website là kênh chính thống nên khi tìm hiểu thông tin về trường, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, hoạt động đoàn đội, câu lạc bộ đội nhóm… phụ huynh đều khai thác từ đây rồi mới đến trang mạng xã hội.

Em Phạm Quang Linh vừa trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng kể: “Giấy báo trúng tuyển nhập học thường có bản “mềm” và “cứng”. Nhưng em chỉ nhận bản mềm qua email do nhà trường gửi. Vì lo lắng, em gọi điện nhờ nhà trường tư vấn được thông báo chỉ bản mềm là được. Trước đó, nhà trường hướng dẫn trên website nhưng em không để ý”.

Truyền thông giáo dục, không chỉ là việc xây dựng hình ảnh hay xử lý “khủng hoảng” mà làm sao để phụ huynh phải “3 biết”: Tình hình học tập, đạo đức của con em mà phối hợp giáo dục; hoạt động và khó khăn nhà trường để hỗ trợ; chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo cùng thực hiện.

Chia sẻ quan điểm, cô Đỗ Thị Lê cho rằng, từ fanpage nhà trường và tài khoản mạng xã hội của giáo viên, đã góp phần truyền thông hoạt động nhà trường đến với phụ huynh. “Phụ huynh có thể hình dung cách thức giáo viên, học sinh tổ chức hoạt động dạy – học hằng ngày. Chẳng hạn, phương pháp dạy học tích cực theo chương trình GDPT 2018, học sinh chuẩn bị giấy A3 để làm việc nhóm, và một số phần việc thực hiện trước ở nhà để học các bài học theo định hướng STEM…”, cô Lê ví dụ.

Khối cơ sở giáo dục đại học có hệ thống truyền thông mạnh nhất nhưng báo cáo của Văn phòng Bộ GD&ĐT mới đây cho thấy còn 12 trường ĐH, CĐ sư phạm chưa có website. Website của nhiều trường phổ thông không công khai số điện thoại ban giám hiệu, thông tin không cập nhật thường xuyên, thậm chí chỉ có tin bài của nhiều năm học trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.