(GD&TĐ) - Sáng nay, 26-8, tại TP. Quy Nhơn, Ban điều phối dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về cúm gia cầm qua trường tiểu học với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành TW và đại diện các ngành liên quan của 11 tỉnh, thành tham gia dự án.
Một tiết mục chào mừng hội nghị của HS Bình Định |
Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về cúm gia cầm qua trường tiểu học được Ban điều phối dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam triển khai vào năm 2009 tại 5 tỉnh, thành và đến nay đã được nhân rộng ra 11 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Tây Ninh.
Trong những năm qua, 11 tỉnh, thành tham gia dự án đã tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động tại 185 trường tiểu học thuộc 159 xã của 34 huyện, thị với hơn 76.600 học sinh tiểu học; hơn 153.200 phụ huynh và hơn 3.200 giáo viên được tiếp cận với các thông tin liên quan đến bệnh cúm gia cầm, cúm ở người.
Theo đánh giá của các đơn vị, đây là một chương trình truyền thông có hiệu quả, các kiến thức về cúm gia cầm đã được tăng cường cho cả 2 thế hệ. Qua đó đã nâng cao nhận thức, góp phần làm thay đổi hành vi của học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng như cộng đồng về phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người.
Một tiểu phẩm của HS Bình Định tham gia chương trình |
Để phát huy hiệu quả của chương trình này, trong thời gian tới, Ban điều phối dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng hoạt động truyền thông qua trường học và đề nghị ngành GD-ĐT đưa hoạt động này vào chương trình giáo dục ngoại khóa cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở nhằm giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh hiểu biết và chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Xuân Nguyên