Truyền thông giáo dục nghề nghiệp: Không “bột” khó gột nên “hồ”

GD&TĐ - Truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tạo chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào học nghề. Về vấn đề này, chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) đã có những hỗ trợ hiệu quả thông qua những giải pháp truyền thông cụ thể.

Truyền thông giáo dục nghề nghiệp: Không “bột” khó gột nên “hồ”

Cân bằng giữa mong đợi và thực trạng

Mục tiêu của chương trình hợp tác nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh. Chương trình hợp tác này được tài trợ bởi Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức, ủy thác cho GIZ thực hiện thông qua Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam. GIZ và Tổng cục GDNN đã có nhiều chương trình hợp tác trong nhiều năm, trong đó có lĩnh vực truyền thônggiáo dục nghề nghiệp.

Bà Britta van Erckelens - Phó Giám đốc Chương trình cho biết: “Truyền thông là một trong những hoạt động trụ cột của hợp tác này. Đối với các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, chúng tôi hỗ trợ các chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình đào tạo hướng cầu, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Hỗ trợ các cơ sở GDNN này phát triển năng lực để có thể cung cấp được chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý cũng như nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo khác.

Trong mô hình xây dựng trung tâm xuất sắc về đào tạo nghề, hiện nay chúng tôi đang phối hợp trực tiếp với Trường Cao đẳng Cơ giới thủy lợi ở tỉnh Đồng Nai để xây dựng thành mô hình trung tâm xuất sắc về đào tạo nghề xanh. Liên quan đến nền kinh tế xanh, GIZ đang phối hợp trực tiếp với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ TPHCM thí điểm mô hình đào tạo hợp tác, có sự tham gia của doanh nghiệp, từ khâu thiết kế đối với nghề xử lý nước thải”.

Vấn đề đặt ra là cân bằng được giữa mong đợi và thực trạng. Một trong những thách thức lớn là làm thế nào để cung cấp được nguồn nhân lực lớn có tay nghề, kỹ năng cao, phù hợp với nhu cầu của xã hội và của nền kinh tế. Mục tiêu, vai trò và sứ mệnh của đào tạo nghề là cao cả bởi nó cung cấp nguồn nhân lực cho cả nền kinh tế.

Thông điệp rõ ràng

Chia sẻ những khảo sát của GIZ, bà Britta van Erckelens cho biết: Quan niệm về đào tạo nghề vẫn còn rất lệch lạc, người ta thường chọn học đại học thay vì học nghề, vì những lo ngại về lương, cơ hội thăng tiến và triển vọng sự nghiệp. Chính vì vậy, truyền thông, trước hết cần xác định có nhiều chủ thể cần được quan tâm khi xây dựng kế hoạch truyền thông. Trong đó, đặc biệt là các em học sinh sắp tốt nghiệp phổ thông, các thầy cô, giáo viên hướng dẫn thực hành trong doanh nghiệp...

Một trong những sản phẩm lớn là hoạt động được triển khai trong nhiều năm với sự phối hợp của Hiệp hội GDNN là triển lãm ảnh về GDNN. Hoạt động này đã được diễn ra trong nhiều năm. Các hình ảnh có tác động truyền thông không kém gì lời nói. Chương trình đã sử dụng hình ảnh của các đối tác, trong đó là những nghề công nghệ cao như Điện, Cơ điện tử... ảnh chụp bao giờ cũng là các học sinh đang vận hành các máy móc lắp đặt.

Hình ảnh cho thấy, các học sinh nữ cũng hoàn toàn có thể tham gia được vào các nghề đó. Những thông điệp được thể hiện thông qua các hình ảnh, đặc biệt thể hiện sự tương tác giữa người học và người dạy; Những hình ảnh  và câu chuyện thành công điển hình về học nghề. Đây là các thông điệp chính cần được thể hiện.

Một sáng kiến nữa mà GIZ tổ chức là Open Day - Ngày hội hướng nghiệp. Đây là mô hình cụ thể để cho các em học sinh có thể trực tiếp thử nghiệm các thao tác kỹ thuật. Xây dựng các hình ảnh truyền thông có tính nhạy cảm giới, sử dụng những hình ảnh từ thực tế làm việc để người xem có hình dung chân thực về những nghề mình sẽ học.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những thách thức về đổi mới đối với giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Với những công nghệ mới, đào tạo nghề sẽ phải thay đổi không chỉ về hình ảnh mà còn cả chất lượng GDNN. TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo, từ đó sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong truyền thông hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ