Truyện ngắn: Tôi nói thế, chắc chú hiểu!

GD&TĐ - Đã bao lần sếp nói câu này. Đã bao lần về nhà vắt chân lên trán cả đêm chả hiểu ý sếp là gì?

Truyện ngắn: Tôi nói thế, chắc chú hiểu!

Mọi người bảo, khi còn ở trường hướng dẫn nghiên cứu sinh, sếp thường nhận xét đại loại như “luận án công phu nhưng cần nâng tầm thêm chút”, hoặc “luận án thể hiện sự làm việc tích cực, có thông tin mới, sẽ tốt hơn nếu tính mới rõ hơn”…

Có người bảo, ông ấy khôn, người khôn chỉ nói nửa chừng. Không chỉ nói nửa chừng mà khi phê văn bản sếp cũng chỉ ký tên mà thường không ghi ngày tháng. Có người bảo được làm tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại.

Chả biết cái khôn đó tốt cho ai chứ cấp dưới nhiều khi khốn khổ khốn nạn vì cái khôn của sếp. Được cái sếp luôn thể hiện sự quan tâm đến cấp dưới như gia đình. Sếp thường có lời nói, cử chỉ thân tình làm ối người cảm động, có khi muốn nói lại cũng không nỡ, sợ mất “tấm chân tình” của “người ta”.

* * *

Cơ quan có việc mới, việc to, vừa vinh dự, vừa có thể có “màu” và tất nhiên nếu thành công thì cũng “nâng tầm” cho sếp. Dự án này do sếp trực tiếp “chạy” về sau khi thuyết minh với cấp trên là “quân tôi tinh nhuệ lắm”. Lập tức trưởng đơn vị chủ lực của cơ quan được sếp gọi lên giao việc.

Sau khi tự tay rót chén trà Nhật mời cấp dưới, nói về tầm quan trọng của vấn đề, thời gian cần hoàn thành, sự tin tưởng của sếp đối với đơn vị và cá nhân trưởng đơn vị, sếp động viên “cố gắng nhé, gái có công, chồng chẳng phụ đâu. Tôi sẽ trực tiếp chỉ đạo Dự án này”.

Để bảo đảm cấp dưới hiểu đúng ý mình, sếp nhấn thêm: “Chú biết đấy, từ khi tôi có tờ giấy A4 đóng dấu Quốc huy về đây đến giờ chưa có trận đánh nào ra trò. Đây là cơ hội lên điểm cho cơ quan và cho cả tôi. Về mặt chiến lược thì đây có thể coi như trận Phay Khắt, Nà Ngần chứ chả chơi đâu”.

Như chợt nhớ ra, sếp nhắc: “Chú làm gì thì làm nhưng cũng cần giành thời gian thích đáng cho bọn trẻ đấy. Cái tuổi dở xanh dở chín ấy mà sao nhãng ra chút có khi hối không kịp đâu. Ngay cả với cô ấy cũng không được khô khan quá nhé”.

Rồi sếp đứng lên giơ tay bắt, mắt nhìn thẳng vào trưởng đơn vị thân tình: “Tôi nói thế chắc chú hiểu!”.

* * *

Cả đơn vị xúm vào thảo luận. Bao câu hỏi, bao vấn đề được đặt ra. Người bảo đầu bài của sếp chả rõ phạm vi gì cả? Yêu cầu chuyên môn thế nào? Điều kiện thực hiện ra sao? Kiểu giao việc thế này “bố ai” biết đường nào mà lần? Rồi sai, rồi không bảo đảm tiến độ thì ai chịu trách nhiệm? Trưởng đơn vị gãi đầu, gãi tai “anh em hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai?”.

Cuối cùng cũng thống nhất “cứ vừa chạy vừa xếp hàng”, cứ từ hiểu biết chuyên môn của ta mà đề xuất ý tưởng, đề cương rồi xin ý kiến chỉ đạo. Sếp giao thế là hoàn toàn tin tưởng chúng ta rồi. Khi sếp chốt ý tưởng, chốt đề cương cho rồi thì vấn đề chỉ còn là kỹ thuật thôi. Mà xử lý kỹ thuật thì đơn vị đâu có ngán.

Tuy tư tưởng có vẻ thông rồi nhưng khi bắt tay vào việc vẫn băn khoăn lắm vì nhiều dữ liệu chưa rõ, vô tiền khoáng hậu thế này biết thế nào là đúng, là sai? Nhưng với “tinh thần cách mạng tiến công”, mọi người vẫn rất khẩn trương.

Rồi một vài ý tưởng cũng bước đầu định hình, rồi đề cương sơ bộ cũng được viết trên cơ sở “mô-li-phê” một dự án mò được trên “gu-gờ”. Trưởng đơn vị cũng cảm thấy đỡ áp lực hơn, nhất là sau mấy cuộc thảo luận nội bộ đến 7 - 8 giờ tối.

Thậm chí ông còn cử ra một người chỉ tập trung tìm ra cái bất hợp lý để phản biện. Rồi chuẩn bị nếu sếp hỏi thế này, thế kia thì trả lời thế nào... Rồi cũng đến ngày báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của sếp.

Sếp ra tận cửa đón trưởng đơn vị vào phòng. Sau khi nghe trưởng đơn vị trình bày, sếp có ý kiến ngay: “Rất hoan nghênh đơn vị đã chủ động, tích cực. Sản phẩm có hứa hẹn. Chú ý thêm về tính logic của vấn đề. Cần tiếp tục đầu tư suy nghĩ, phát huy trí tuệ tập thể triển khai công việc theo kế hoạch. Kinh nghiệm của tôi là cứ “bắn” dự thảo lên màn hình, cùng nhau đọc, cùng nhau làm. Ba ông thợ da hơn một ông Gia-cát mà. Tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp”.

Rồi sếp ân cần: “Tôi nghe giọng chú có dấu hiệu viêm họng đấy. Cần kiểm tra đi. Không được chủ quan đâu. Thử xịt cái món Vitatree của Úc xem sao. Nếu không ổn hãy dùng kháng sinh”.

Trưởng đơn vị nhận chỉ đạo mà thấy hoang mang quá. Định hỏi thẳng xem sếp có đồng ý tư tưởng, đề cương đề xuất không mà không dám. Chả có lần không rõ hỏi lại đã bị sếp cho một bài rằng “cái gì cũng hỏi thế này thì tôi cần gì tham mưu” đấy thôi.

Ra đến gần cửa thì chợt nghe sếp nói “chú chờ tôi chút”. Mừng, tưởng sếp có ý kiến chỉ đạo cụ thể thêm nhưng thấy sếp quay vào vài phút rồi quay ra đưa cho trưởng đơn vị một cái túi nhỏ, rất đẹp và xuống giọng rất thân tình: “Lọ nước hoa Cha-nen Nâm-bờ-phai mình vừa được tặng, cầm hộ mình về cho bà xã. Chú vất vả đêm hôm thế này không được hậu phương ủng hộ thì gay đấy”.

Rồi sếp thân mật vỗ vỗ nhẹ hai cái vào vai trưởng đơn vị và nói: “Bước đầu khả quan đấy, tạo đà cho việc tiếp theo thắng lợi. Mà thành công này là cơ sở quan trọng để thành nhân đấy. Tôi nói thế chắc chú hiểu!”.

* * *

Thú thật là cả đơn vị chưa ai hiểu ý sếp ủng hộ hay không ủng hộ ý tưởng, rồi đề cương vậy có hợp lý không? Có người bảo nhất định phải hỏi lại để làm tiếp cho khỏi tốn công. Có người bảo sếp chả nói “triển khai theo kế hoạch là gì”. Sếp còn vỗ vai trưởng đơn vị nữa, thông điệp rõ thế rồi còn gì nữa.

Vậy là xắn tay vào viết Dự thảo. Căn cứ pháp lý đã có “vô - thiên - lủng”. Căn cứ thực tiễn từ kho lưu trữ của đơn vị cũng chả đến nỗi nào. Đề cương thì na ná cái đã được duyệt “của người ta” rồi. Trưởng đơn vị trực tiếp chắp bút một phần, hai phó đơn vị chắp bút hai phần khác với 3 phương án kiểu “Sơn La thấp, Sơn La vừa, Sơn La cao”.

Rồi “bắn” dự thảo lên màn hình cùng nhau làm văn tập thể như chỉ đạo của sếp. Khâu này tốn rất nhiều thời gian bởi thống nhất ý đã khó mà thống nhất dùng từ cũng khó không kém. Ai cũng muốn có vài câu văn là của mình trong dự thảo để đời. Rồi cũng đến lúc xin ý kiến của các đơn vị liên quan theo quy trình.

Sau một tuần thì lác đác có đơn vị góp ý. Trưởng đơn vị đích thân điện thoại, rồi cà phê, cà pháo... quyết liệt để xin, đến hạn cũng nhận được hơn nửa số đơn vị gửi văn bản góp ý. Hầu hết các ý kiến “cơ bản nhất trí”.

Một số ý kiến góp ý chỗ này nên thay “thì là” thành “cho nên”, chỗ kia nên viết hoa, chỗ nọ nên in đậm, cái gạch chân dưới “Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chỉ dài một phần ba dòng chữ thôi… Dự thảo với 3 phần lớn, hơn 70 trang với 10 bảng biểu, 3 phụ lục hình thành. Cầm cũng nặng tay, nhìn cũng vui mắt. Đơn vị tổ chức liên hoan một trận bún chả mừng đứa con tinh thần đã phôi thai rõ nét.

Ngày báo cáo Dự thảo với sếp có cả một số anh em nhóm nòng cốt của đơn vị để trực tiếp tiếp thu chỉ đạo về triển khai cho nhanh. Hồ sơ đã chuyển cho thư ký của sếp từ mấy hôm trước.

Hồi hộp như bảo vệ cơ sở luận án tiến sĩ vậy. Mà có khi hơn cả luận án tiến sĩ ấy chứ, bởi trong khi làm dự án đã nảy sinh vấn đề gợi ý cho một người trong đơn vị làm nghiên cứu sinh, một người làm luận văn thạc sĩ còn gì.

Sếp chăm chú nghe trưởng đơn vị báo cáo, đầu gật gật đều đều không rõ đồng ý hay không. Sau khi trưởng đơn vị báo cáo xong, xếp hỏi có ai bổ sung gì không rồi chậm rãi lật lật mấy trang Dự thảo, mắt nhìn xa xăm như đang hình dung viễn cảnh thế nào nếu dự án được thông qua, triển khai trong thực tế. Mọi người nín thở chờ đợi.

Thì đây, sếp đã mở lời, khúc chiết, rành rọt, sâu xa, bao quát. Sếp nhắc đến sự cần thiết thể hiện tính hiện đại gắn với yếu tố truyền thống trong các nghiên cứu khoa học ở nước ta, rồi các dự án phải bảo đảm giải quyết cả trước mắt, cả nền tảng cho tương lai, không chệch hướng, rồi dự án không dừng ở dự án mà có thể tổng kết lên thành phương pháp luận cho các dự án trong tương lai…

Để kết thúc ý kiến chỉ đạo, sếp hỏi: “Các chú biết lý thuyết bóng đá chứ”. Không đợi mọi người trả lời, sếp hùng hồn: “Bóng đá là môn tập thể. Để sút vào gôn đội bạn đương nhiên cần tiền đạo rồi. Lại phải có tiền vệ chuyền bóng, phải có hậu vệ phá bóng lên, phải có thủ môn giữ sạch lưới.

Đặc biệt, huấn luyện viên rất quyết định, Pack Hang-seo là một điển hình. Rồi cần cả khán giả ủng hộ. Có khi cần cả trọng tài ủng hộ. Mà đã nói đến trọng tài là cả bốn trọng tài truyền thống, cả mấy anh phụ trách VAR nữa.

Không cẩn thận có khi va thành vả đấy”. Sếp tự thưởng cho mình một cái cười sảng khoái rồi chốt hạ: “Tóm lại, phải nghĩ đến tất cả theo nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, một trong hai nguyên lý cơ bản của triết học. Có như vậy thì mới thắng được các đồng chí ạ”.

Sếp nhắc đơn vị tiếp tục chuẩn bị thật chu đáo, cả đề án, hồ sơ để báo cáo lãnh đạo cấp cao trước khi quyết định, “mà phải đóng bìa đẹp vào đấy”. Xếp mở tủ lấy ra mấy gói chè ngon cho mỗi người một gói “cùng thưởng thức hương vị quê tôi”.

Cả nhóm ai cũng được hai cái vỗ vai, riêng thủ trưởng đơn vị còn được sếp khoác vai tiễn ra tận cửa kèm lời nhắn nhủ: “Nhớ cho cả cái cô gì cao cao, xinh xinh của đơn vị đi báo cáo hôm tới nhé. Mà phải dùng nước hoa Cha-nen Nâm-bờ-phai đấy”.

Thủ trưởng đơn vị nhìn anh em, anh em đơn vị nhìn thủ trưởng. Thật băn khoăn. Dường như đọc được băn khoăn của anh em, sếp nói thêm với thủ trưởng đơn vị: “Cứ bình tĩnh, tự tin, tuy tiêm hai mũi cả rồi nhưng cần nhắc anh em chú ý 5K nghiêm túc nhé. Tôi nói thế chắc chú hiểu!”.

* * *

Cả nhóm ra về vui ít, lo nhiều. Thì sản phẩm của mình vẫn là của mình. Chả thêm được gì, chả kết tinh thêm được trí tuệ của ai. Thường thì cấp dưới sẽ sâu về chuyên môn hơn còn trên thì tầm bao quát rộng hơn, nhìn bàn cờ tổng thể hơn.

Mỗi lần được chỉ đạo thì vấn đề thường sáng lên, rõ ra, có khi chỉ thêm chỗ nọ, bớt chỗ kia, điều chỉnh trước sau đôi chút thì sản phẩm đã nổi lên bần bật. Hôm nay thì “nguyễn như vân”. Nghe nói lãnh đạo cấp cao sâu sát và tinh lắm, không lơ mơ được. Lo đấy mà cũng chả biết làm sao, đành chờ may rủi thôi.

Ngày báo cáo lãnh đạo cấp cao đã đến. Lãnh đạo cấp cao vào cuộc ngay, rằng ông đã đọc kỹ dự thảo và cả hồ sơ kèm theo, không cần trình bày lại mất thời gian. “Tôi sẽ có ý kiến mang tính phản biện nhé. Sau đó mọi người giải thích kỹ cho tôi nghe những chỗ chưa rõ” - ông nói.

Rồi ông thẳng thắn rằng: “Tôi rất bất ngờ vì một viện nghiên cứu có truyền thống như viện của các đồng chí mà lại ra một sản phẩm thế này. Hồ sơ đóng thì đẹp mà nội dung chả tương xứng chút nào. Ý tưởng không rõ, lý thuyết chắp vá, cơ sở thực tiễn rất thiếu tin cậy.

Dự án như ba phần cơ học cộng lại, vừa thiếu tính logic, hệ thống vừa không thống nhất nội tại cả cấu tứ lẫn câu chữ. Quy trình làm chưa thể hiện việc đánh giá tác động của dự án, chưa lấy ý kiến của đối tượng tác động. Việc lấy ý kiến trong cơ quan rất hành chính, có thể nói nhiều đơn vị góp ý cho qua chuyện, rất thiếu trách nhiệm.

Hôm qua vừa có một bài viết trên tạp chí khoa học của ngành với nhiều thông tin thực tiễn rất gần với dự án này, các đồng chí có đọc không? Tuần trước vừa có một luật mới liên quan trực tiếp vấn đề của dự án nhưng chưa được các đồng chí cập nhật, không cẩn thận phê duyệt thành ra trái pháp luật nghiêm trọng đấy…”.

Tóm lại, ông thấy rất buồn vì dự án có vẻ hoành tráng mà hình như người viết không nắm được yêu cầu của cấp trên; tròn trịa mà không rõ mục tiêu và địa chỉ ứng dụng thực tiễn, rồi tính khả thi chưa được quan tâm, nguồn lực nào để thực hiện cũng không rõ…

Ông nói như tâm tình: “Cánh ta đọc còn nhiều băn khoăn thì người làm có hiểu được không, đông đảo người dân liệu có hiểu không? Có tổ chức thực hiện được không”. Ông trầm giọng xuống: “Nói các đồng chí đừng buồn chứ sản phẩm này không đạt, phải làm lại. Không những làm lại sản phẩm sát yêu cầu của thực tiễn mà cần thay đổi cả cách tổ chức làm để trên dưới hiểu nhau, để tập trung trí tuệ thật sự, không hành chính hóa.

Người đứng đầu phải sâu sát, chỗ nào khó nhất thì phải xuất hiện kịp thời có ý kiến tháo gỡ. Trong quá trình làm, cái gì không rõ thì tập trung bàn bạc, vẫn không rõ thì phải hỏi lại cấp trên. Nào, có ý kiến gì các đồng chí cứ mạnh dạn nêu lên. Mỗi lần họp thế này phải có mục tiêu, phải kết luận được vấn đề. Cái gì chốt rồi thì không bàn lại nữa trừ khi có tình tiết mới”.

Trưởng đơn vị nghe như nuốt từng lời. Giá mà được nghe cấp trên chỉ đạo thế này trước khi bắt tay vào việc thì chả phải mất vài tháng “toi công”. Mọi người nhìn sếp.

Sếp thoáng có chút ngượng ngùng nhưng nhanh chóng trấn tĩnh rồi phát biểu không đắn đo rằng “đây là sản phẩm của đơn vị chủ lực trong cơ quan em” và “chúng em sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Sếp bày tỏ lòng biết ơn đối với lãnh đạo cấp cao “đã có ý kiến chỉ đạo vừa toàn diện, vừa sâu sắc” rồi hứa “cùng anh em thực hiện tốt những chỉ đạo chí lý, chí tình của cấp trên”.

* * *

Hôm sau, sếp mời thủ trưởng đơn vị đến phòng làm việc để triển khai chỉ đạo của cấp trên. Sếp ngắn gọn: “Chú đã trực tiếp tiếp cận chỉ đạo rồi. Tôi không cần nói lại nữa. Chúng ta cùng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Vấn đề là đồng lòng, quyết tâm, tăng tốc lên để bù vào thời gian vừa qua.

Phải huy động toàn bộ đơn vị vào cuộc, nhất định không để ai tụt lại phía sau. Trưa nay tôi mời cả đơn vị ăn tươi ở căng - tin cơ quan để có khí thế bước vào giai đoạn mới với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Tôi nói thế chắc chú hiểu!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.