Hai giờ sáng. Tiếng đập cửa hối hả. Con Bin xồ ra cắn rát.
“Bác sĩ, bác sĩ ơi!”, dồn dập những tiếng gọi.
Hắn khẽ trở mình, quay sang vuốt ve thân hình đương thì của thị. Hơi thở của hắn dồn trong tiếng gọi, tiếng chó sủa, thêm gấp…
Màn hình điện thoại đột nhiên sáng bừng. Hắn khó chịu quờ tay, nheo mắt ngó. “Bố khỉ”, hắn nhếch mép nguyền rủa và quăng.
“Rầm… rầm…” - “Bác sĩ, bác sĩ ơi!…”
Tiếng đập cổng, tiếng gọi vẫn gấp gáp, không dứt. Con Bin sục sạo trong gầm gừ xen ư ử. Màn hình điện thoại nằm chỏng chơ dưới gầm bàn chưa kịp tắt đã lại sáng…
Hắn cười mỉm, điềm nhiên lần giở từng cúc áo trên ngực thị. Thị cựa mình, hẩy tay chồng, nhổm dậy, gắt:
- Hình như có ai đó gọi? Anh chạy ra xem thế nào?
- Đêm hôm thế này, kệ đi. Mà làm gì có tiếng ai gọi nữa đâu. Yêu cái đã! - Hắn mềm giọng.
Thị mơ hồ dỏng tai ngóng thêm, đúng là chỉ còn tiếng gió lùa. Thảo nào, chiều qua, tivi dự báo đêm nay có mưa giông giao mùa.
Nhưng thị vẫn thấy lạ lắm. Rõ ràng, giấc ngủ say như chết sau một ngày mướt mải với việc công sở, chăm con rồi cả những loanh quanh việc không tên trong nhà mà giờ bị đánh thức rồi kéo thị bước ra khỏi giấc mơ sâu thẳm, chắc chắn, tiếng động phải có cường độ mạnh, kéo dài? Có thật là chỉ tiếng gió lùa?
Mặc chồng ỡm ờ, thị vẫn bật dậy, lò dò bước sang phòng bên. Thị giật mình khi thấy hai đứa trẻ trùm kín chăn từ chân đến đầu trong khi giờ đã chớm Hè, chỉ se lạnh về đêm. Nếu muốn ấm, kéo vỏ chăn ngang bụng là đủ.
Mà thị cũng thuộc nằm lòng cái tội lúc ngủ toàn tung chăn của bọn trẻ, ngay cả khi mùa Đông lạnh giá. Nhưng sao nay chúng lại biết giữ chăn kín cả đầu thế này?. Thị nhón chân, khẽ kéo lại. Nhìn hai gương mặt thiên thần thiêm thiếp, thị như quên hết thảy những mối nghi ngờ để nhường cho niềm hạnh phúc lâng lâng.
* * *
Gần mười năm trước, thị gặp hắn trên chuyến đò cuối ngày. Mặt trời chuẩn bị lặn mà con đò vẫn im lìm bên kia sông. Thấy thị nhấp nhổm, hắn cất tiếng: “Chờ thêm chút nữa có khách là đò sẽ sang. Em về xã nào?”. “Thế là gần nhà nhau rồi, nếu chẳng may muộn quá, anh sẽ đưa về!”. Gặp gỡ đơn giản vậy thôi mà thành đôi, thành lứa.
Thị là nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp tư nhân dưới thị trấn còn hắn là bác sĩ ở bệnh viện huyện. Những công việc đó được cho là đáng mơ ước vì nhìn bề ngoài rất sang, còn thực tế thì với đồng lương ba cọc ba đồng, lúc nào thị cũng cảm thấy thiếu thốn, nhất là khi hai đứa trẻ đến tuổi ăn, tuổi lớn rồi học hành.
Mấy năm trước, thị còn tranh thủ nhận móc len kiếm tiền rau dưa. Nhưng ba năm trở lại đây, khi hắn mở phòng khám tư tại nhà, thị không còn phải ngồi còng lưng với cuộn len nữa mà chỉ thỏa thuê dọn dẹp, chăm con học hành rồi lăn kềnh ra ngủ trong vòng tay chồng.
Thị không để ý đến công việc của hắn, vì có liếc mắt tới thì cũng chẳng hiểu gì và thị cũng chẳng có thời gian để mà hiểu khi đã quá bận rộn, mệt mỏi với việc nhà, việc công sở. Thế nên, chỉ cần tròn vo với những gì số phận đã sắp đặt là thị viên mãn lắm rồi.
* * *
Tốt nghiệp Đại học Y, hắn không cố bám trụ thành phố như bao người mà lặng lẽ trở về quê lập nghiệp. Dù tay nghề tốt nhưng để có suất chính thức vào bệnh viện huyện mà không ai thân sơ, chẳng dễ. Thế nhưng, hắn vẫn có cách giành được chỗ cho mình.
Vững nghề, hắn mở phòng khám tại nhà - phòng khám tư đầu tiên và độc nhất ở vùng quê nghèo, xa bệnh viện trung tâm. Để dân làng biết tới, hắn đặt hẳn cái biển chỉ dẫn hình chữ nhật to đùng ngay trên đường trước làng, ngày ngày nườm nượp người qua lại.
Ban đầu, người ta chỉ hỏi dò trong không ít nghi ngờ cả về khả năng bắt bệnh của hắn lẫn chi phí khám chữa. Rồi mấy bữa nọ có người mạnh dạn ghé vào nhân cái cổ họng có cảm giác đau đau.
Hắn niềm nở đón tiếp, tận tình khám, tư vấn và cấp thuốc. Chỉ ngày sau, câu chuyện bác sĩ thân thiện lan truyền khắp làng. Thế là, phòng khám của hắn trở thành nơi gặp gỡ thân quen của bà con xóm giềng.
Đúng là, mỗi lần vào đây phải tốn thêm gấp rưỡi nhưng bù lại không phải chịu những ức chế, khó chịu. Hắn đón bệnh nhân bằng nụ cười, câu chào ân cần chứ không phải gương mặt lạnh lùng như đâm lê của mấy bác sĩ, y tá ở bệnh viện, làm bệnh nhân thấy căng thẳng, sợ hãi, ấm ức, không khéo bệnh chẳng thấy khỏi mà còn ốm thêm.
Vả lại, phòng khám gần nhà, chẳng may trái gió trở trời thì chỉ cần ba bước chạy đến, đỡ tốn công đi lại xa xôi, bệnh tình thêm chuyển nặng. Nhưng, trừ ngày nghỉ cuối tuần mở cửa cả ngày còn đâu phòng khám chỉ mở lúc sáng sớm và chiều tối tới 21 giờ.
Chẳng may cảm sốt, ho, đau bụng… ngoài khung giờ ấy, cứ chịu khó bấm bụng chờ bác sĩ. Dần dần, cái tiện thành quen nếp, trong đó có cả nếp phải dắt lưng túi đủ tiền khi sang đây vì đừng mơ được khất nợ với cái máy in hóa đơn siêu nhanh.
Còn nữa, sau bao tháng năm mải miết dùi mài kinh sử trên thành phố khiến hắn và mọi người xa mặt cách lòng. Khi trở về, hắn cũng ít giao du chè nước, cuộc cờ. Thế nên, xa xôi hơn, bà con lối xóm còn nghĩ đến chuyện làm thân lại với hắn. Ấy cũng là từ nếp nghĩ phòng cơ - “tối lửa tắt đèn có nhau”.
Ai biết được cơn đau bất thường đến lúc nào, đến bệnh viện thì xa xôi, nhất là vào đêm hôm, lỡ chẳng kịp. Thuận đây vừa là bác sĩ vừa là người làng, người xóm. Tính vậy nên nhiều người đến phòng khám không chỉ để chữa bệnh mà còn kiếm câu chuyện, câu trò gắn kết tình thân.
Có người mang chục trứng, nải chuối, con gà, cân gạo… sang cảm ơn bác sĩ mát tay, rồi bẽn lẽn ra về! Đương nhiên, ai đến, hắn cũng đón tiếp chu đáo. Ở quê mà chảnh vẻ người ta nhiếc đến tận tai cha mẹ. Nhưng, hắn chẳng cần giữ phép này, khi cha mẹ hắn sớm bỏ làng phiêu bạt chân trời góc bể, để lại hắn côi cút giữa xóm làng.
Đúng là thành phố nhanh đem lại sự sang chảnh nhưng luôn phải bon chen đến nghẹt thở. Sáu năm bươn chải cuộc đời sinh viên nghèo khổ đối với hắn đã là quá sức rồi. Về làng, hắn có không gian để thở, có bệ phóng là niềm tin hồn nhiên, thơ ngây của hàng xóm, láng giềng.
Hắn biết, đó là cơ hội nhưng không coi đó là sự may mắn. Ký ức về tháng ngày được mọi người vun vầy cho tuổi thơ và ước mơ của hắn bằng củ khoai, bát gạo hay vài đồng bạc lẻ cũng không đem đến cho hắn cảm giác ấm áp, biết ơn mà chỉ là sự buồn bực, cô đơn.
Thế nhưng, ngày ngày, dù vừa trực ở bệnh viện về rất oải song có khách đến là hắn nở ngay nụ cười, vừa bắt bệnh cho người ốm vừa chuyện trò với người đến chơi.
Ông bà, chú bác nào nhắn nhủ: “Nhỡ tôi có đột nhiên đau khi trái gió trở trời, nhờ bác sĩ tới nhà khám cho”, hắn đều hiền hậu đáp: “Vâng, cụ/ông/bà cứ bảo con cháu gọi là cháu tới ngay”.
Câu nói ấy in sâu vào trái tim các bậc cao niên U70, 80, 90 cùng nụ cười nhân từ đọng trên khóe môi hắn. Trở về nhà, ai nấy tấm tắc: “Tuổi trẻ giỏi nghề mà tấm lòng thật bồ tát. Cái làng này có hồng phúc được dưỡng nuôi đứa con như thế. Nó ân nghĩa, không bỏ làng lên phố kiếm tiền sung sướng một mình mà trở về trả ân, trả nghĩa quê hương…”.
* * *
Thị trở dậy từ sớm, loẹt xoẹt gom lá cây rải rác trên sân. “Chồng mình nói đúng. Chắc đêm qua gió lốc dữ lắm đây”, vừa nghĩ thị vừa mỉm cười rồi chợt đỏ mặt khi nhớ lại phút giây mặn nồng cùng hắn, lúc gà đã gáy canh ba.
“Mẹ ơi, đêm qua con sợ quá”. Thị giật mình khi cu Hải chạy tới vừa ôm chân vừa run rẩy: “Có ai đó gọi bố và đập cửa liên tục. Con Bin và chó khắp làng sủa. Chúng con sợ quá phải trùm chăn kín đầu. Rồi con mơ, có người giận dữ chỉ thẳng vào mặt bố hét lên: “Mày là thằng bác sĩ bất lương!”. Sao bố lại thế, mẹ ơi?”.
Thị ngẩn người, vỗ về: “Không phải đâu. Chắc con nghe nhầm gió lốc thôi. Bố con là bác sĩ giỏi và tốt bụng mà. Bệnh nhân nào gọi, bố cũng đến ngay để cứu giúp”. “Không mẹ ơi, nhiều đêm con đều nghe có tiếng gọi cửa nhưng không thấy bố ra. Những lần đó họ chỉ gọi mà không đập cửa dữ dội và lâu như đêm qua, con sợ lắm...”, cu Thịnh cũng chạy đến, mếu máo nói.
Thị bần thần ôm hai đứa vào lòng mà chẳng biết nói sao, đành đánh trống lảng hối giục chúng mau vệ sinh cá nhân, ăn sáng để kịp giờ đến trường. Chở con dưới nắng ban mai sớm Hè dịu mát mà sao lòng thị chẳng yên, cứ lộn xộn trong những tấm tức, hoài nghi: Chuyện gì đang xảy ra đây? Chồng mình là ai, đã làm gì thế? Chẳng lẽ…? Trẻ con không biết nói dối!
* * *
“Tôi vòng đi, vòng lại, đập cửa, gọi điện rồi chó cắn inh cả làng mà sao bác sĩ không trả lời, không mở cửa? Phải tới tận nhà anh để làm phiền nghĩa là bệnh tình của ông cụ rất nguy cấp, chứ ai muốn như thế? Anh có phải là bác sĩ không?”, tiếng người đàn ông vọng ra từ phòng khám.
“Trừ khi là bệnh viện gọi cấp cứu còn đâu tôi sẽ không bao giờ nhận bệnh nhân giữa đêm khuya”, hắn vừa áp ống nghe vào người ông cụ ốm nhom, mắt trũng sâu, thở ra khó nhọc, vừa bình thản đáp.
“Ơ, ngày ngày anh hứa với bà con chỉ cần gọi là đến vậy mà sao anh nuốt lời? Hàng xóm tối lửa tắt đèn, hễ nhà ai có động rạng gì là chạy ngay sang giúp nhau, đằng này, anh còn là bác sĩ cơ mà!. Nếu ông cụ có mệnh hệ gì thì anh nghĩ sao?
Mà không riêng gì ông cụ, còn biết bao người khác lúc rơi vào nguy kịch ở cái làng này đều vội chạy tới anh. Động rạng như thế cả làng giật mình thức dậy cuống cuồng sang thăm hỏi còn anh vẫn mặc kệ, thản nhiên tiếp tục nhắm mắt ngủ ngon được ư? Anh có phải là con người không?…”, người đàn ông hét lên.
“Đấy là nguyên tắc của tôi”, hắn hơi khựng lại rồi khẽ cao giọng quả quyết. Sắc màu xởi lởi, ôn tồn trong giọng nói mà hắn mất công xây dựng bao năm qua sao giờ văng ra những mũi kim lạnh lùng, sắc nhọn. Cái sự bình thản trong ánh mắt khi nghe nhắc đến nỗi nguy hiểm của tính mạng con người bắt đầu vẩn lên bực dọc, thị uy, bất cần. Riêng gương mặt hắn vẫn giữ nguyên nếp nhân từ, đức độ…
“Khủng khiếp”, thị hét lên. “Rầm”, thị đạp mạnh vào cánh cửa, quay ngoắt ra xe nổ máy. Thị không tin vào mắt, vào tai của mình nữa. Chao ôi, người chồng mà bao năm qua thị vẫn hãnh diện với niềm tin về một con người giàu lòng nhân ái, biết ân nghĩa, đúng sai ở đời, là đây sao? Hắn ta hành nghề y đức mà có nguyên tắc nghề nghiệp độc ác, quái đản như vậy ư?
Trước mắt thị chỉ có chân trời đen ngòm, chẳng thể bước tiếp được nữa. Giữa cánh đồng lúa rì rào như đang cất lời chế giễu, thị run rẩy xấu hổ và sợ hãi đến bật khóc.
Chẳng phải thị cũng là kẻ đồng lõa sao? Mỗi khi nhận tiền từ tay hắn - số tiền hắn kiếm được từ sự bất nhân, vô cảm ấy - thị đều cười rất giòn và nghĩ ngắn rằng, nếu vẫn móc len phồng tay thì đến bao giờ mới góp gom được chừng đó? Mà đâu chỉ riêng đêm qua có người khẩn cầu hắn? Còn biết bao đêm khác nữa, biết bao sinh mạng khác nữa, hắn dửng dưng và độc ác vậy ư?
Rồi đầu thị như muốn nổ tung, mồ hôi túa ra theo những cơn rùng mình ghê tởm khi câu chuyện đêm qua cứ mồn một trở về. Giữa lúc nhà người ta cuống cuồng cầu cứu hắn cứu giúp sinh mạng cha già thì hắn vẫn bỏ ngoài tai, điềm nhiên kéo thị vào cuộc lả lơi.
Thị cũng gắng tìm manh mối để minh chứng cho linh cảm của mình là đúng nhưng phải nhanh chóng chào thua trước sự cố tình dối trá của chồng, để hắn đưa vào truy hoan, mặc kệ cơn thập tử nhất sinh của một con người. Lâu nay, thị phải sống với kẻ đeo mặt nạ táng tận lương tâm thế sao?
Thật ra, thị vẫn thầm mừng vui khi thấy phòng khám đông khách - rõ là, chồng thị bắt bệnh giỏi, điều trị hiệu quả đó sao. Đấy là sự cộng hưởng có lợi đôi bên - cộng đồng thêm mạnh khỏe còn gia đình thị có của ăn, của để và thêm phần nhàn hạ. Cái lộc ấy chẳng phải là nhờ bà con lối xóm tin tưởng vào tay nghề và tấm lòng y đức từ đứa con của làng như hắn hay sao?.
Mỗi ngày, thị vẫn ngây thơ đắm chìm trong ý nghĩ: Mở cái phòng khám ấy còn là cách hắn trả ơn cuộc đời bao dung, nhân ái. Không có vòng tay làng cưu mang từ tấm bé thì làm sao có được hắn hôm nay?.
Dạo ấy, bà cô họ xa kể, vì vỡ hụi mà cha mẹ hắn phải bán tống, bán tháo cửa nhà, đem đứa con trai mới 7 tuổi sang họ hàng rồi lẩn trốn biệt tích. Từ đó, hắn đói no với củ sắn, củ khoai của tình người trong chòm xóm.
Thương cảm cho thằng bé bơ vơ mà thông minh, sáng dạ nên ai đùm húm được gì là đùm húm, giúp hắn học hành đến nơi đến chốn hết bậc phổ thông rồi mong hắn kiếm lấy cái nghề đủ sống, ổn định gia đình.
Rồi, cả làng được phen ngơ ngác khi hắn âm thầm vào đại học. Không ai biết hắn đã trải qua những năm tháng sinh viên như thế nào nhưng khi hắn trở về với cái nghề y và xin được việc làm ở bệnh viện huyện thì cả làng lại được phen thán phục rồi dò xét.
Có người nhắc lại quãng tuổi thơ của hắn để nêu gương cho con cháu. Còn hắn luôn đem theo ánh mắt nhìn xuống, như muốn dứt bỏ hoàn toàn với ký ức ấy, không một lần hé môi nói về mẹ cha.
Thị đã càng cảm động khi biết về quãng thời thơ ấu của hắn và càng yêu thương, bù đắp cho hắn nhiều hơn. Thị cũng sống chan hòa với mọi người, giúp được ai là sẵn lòng. Thị nghĩ: Ơn của làng với hắn lớn lắm, trả sao cho hết. Vậy mà…
* * *
“Mẹ! Con sẽ đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Y. Mẹ đừng buồn và đừng cản ngăn con nhé. Con quyết tâm trở về quê cha đất tổ chuộc lỗi của bố với làng. Nhất định là như thế, mẹ ạ!”.
Thị run rẩy ấp vào ngực lá thư mà cu Hải cố tình cài trong cuốn sổ tay thị thường ghi lời dặn các con mỗi khi vắng nhà. Cũng đã hơn mười năm, ba mẹ con thị phải rời xa làng, đoạn tuyệt với con người giả dối, vô ơn mà không chịu thức tỉnh ấy.
Cái ngày hôm đó, khi nghe thị hoảng hốt cật vấn, hắn cười sằng sặc hét vào mặt thị rằng, cha mẹ còn bỏ rơi con cái, huống chi là làng xóm. Cứ ơn với chả huệ rồi có ngày ăn cháo, đứng đường. Gia đình ly tan, phòng khám vắng lặng. Hắn chìm trong ma men cùng những cút côi, côi cút bủa vây. Một sớm mưa, người ta thấy xác hắn cong queo trong ruộng rau muống cuối làng…
Giờ đây, đôi dòng nhắn của con trẻ đã đánh thức ký ức mà thị cố chôn vùi bấy lâu. Nhưng thật lạ, dù con tim thắt lại mà lòng thị vơi nhẹ, hồi hộp nén chờ ngày được cùng con trở về…