Anh trở dậy, không bật điện phòng, cố gắng không phát ra tiếng động để cô con gái ngon giấc. Anh mở cửa khe khẽ ra ngoài ban công, mưa vẫn rơi nặng hạt. Nước sông Hồng dâng cao gần tới mức báo động số ba. Anh mong trời mau sáng để cùng đoàn thiện nguyện của xã nhà tới giúp đồng bào vùng lũ.
Bốn giờ sáng, mưa đã hơi ngớt, một số bà con đã tới đóng hàng lên xe. Mỳ tôm, bánh kẹo, quần áo, sách vở… Từng thùng mì, hộp sữa, quyển vở, cái bánh chưng... được huy động trong thời gian ngắn từ bàn tay và tấm lòng của mỗi người dân quê tập hợp lại mang tới gửi cho bà con vùng lũ.
Gấp rút, vội vàng, nhưng món đồ nào cũng được gói ghém chỉn chu, sạch sẽ, chứa đựng tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia. Hai chữ “Đồng bào” nghe sao thân thương quá! Mỗi người một chút tấm lòng cho bà con đang trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
Năm giờ sáng, đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Xe xuyên mưa mà đi. Mưa vẫn đổ ầm ầm. Đường quốc lộ nhiều chỗ ngập nước. Xe anh Đức xếp hàng rất nặng, nhưng vẫn băng băng lao về phía trước. Sáng nay trước khi đi, anh cũng đã thắp nén nhang lên bàn thờ cầu mong tổ tiên, ông bà và vong linh người vợ trẻ phù hộ cho mọi điều tốt đẹp. Dự định xe chạy liên tục thì khoảng gần 10 giờ là tới điểm cần cứu trợ. Mưa vẫn trắng trời.
Đường thật khó đi. Lũ quét làm sạt lở những ngọn đồi dọc hai bên đường. Ngay cả đường bê tông cũng nhiều chỗ đã bị khoét lồi lõm như cái hàm con cá mập khổng lồ. Nhiều đoạn đất đá phủ kín, chi chít ổ voi, ổ gà. Đoàn xe bị mắc kẹt ở một đoạn đường sụt lở bên cái biển cảnh báo “đoạn đường cảnh báo nguy cơ sạt lở cao”. Xe của anh Đức chất nặng nên bị lún sâu nhất.
Mưa vẫn trút không ngớt. Xe anh bị nghiêng một góc 45 độ, ngất ngưởng, cơ hồ sắp đổ ụp. Cả đoàn lập tức dừng lại. Từng người, từng người một xuống xe nhanh chóng chạy tới bốc hàng sang xe khác. Lúc sau, lực lượng chức năng cũng đã tới ứng cứu, đoàn xe lại nối dài chuyển bánh hướng về bà con vùng lũ.
Cuối cùng, đoàn xe cũng đến được với bà con vùng lũ đang cần cứu trợ. Anh Đức thay mặt anh em trong đoàn cẩn thận trao tiền mặt tới từng người, khẽ nắm chặt và vỗ nhẹ từng đôi bàn tay đang run lên bần bật trong nỗi xúc động! Những đôi bàn tay nhăn nheo, những đôi bàn tay chai sần, và cả những đôi bàn tay nhỏ xíu...
Đằng kia, có một người phụ nữ vẫn lặng lẽ ngồi ở phía xa. Mắt chị trân trối nhìn ra bãi bùn đất trống trải, tang tóc. Nước mắt chị dường như đã khô cạn. Đứa con duy nhất cũng vừa được chôn cất. Chồng chị đã mất tích, thân xác không biết trôi dạt nơi đâu? Anh Đức và mọi người liền mang phần quà tới tận nơi chị ngồi. Chị như kẻ vô hồn, mộng du mắt nhìn ra xa vô định.
Một cơn gió thổi ào tới, chiếc khăn trên đầu chị bay vụt ra xa, mái tóc sổ tung. Gió tạt mạnh để lộ gương mặt sầu thảm. Đột nhiên, Anh Đức sững người, lặng đi một giây rồi sửng sốt khi nhận ra người ngồi trước mặt anh chính là người phụ nữ mà anh từng cố công đi tìm bao năm qua…
- Thương! Trời ơi, em Thương! Anh kêu tên chị trong nỗi xúc động tột cùng!
Người phụ nữ nhìn anh hồi lâu, khuôn mặt vô hồn ban nãy bỗng dần trở nên xúc động khi chị chợt nhận ra anh. Chị kêu lên, tiếng kêu thảng thốt: “Trời ơi anh... Anh Đức!”
Mưa bỗng tạnh, gió như ve vuốt làm dịu đi nỗi buồn cho những ký ức hồi sinh. Người đàn bà hơn 40 tuổi chợt khóc như trẻ thơ khi nhớ lại một quãng đời thơ bé ở miền quê ven sông Hồng…
Đứa trẻ sáu tuổi khi ấy đang sống yên lành bên gia đình thì bỗng nhiên gặp cơn tai biến. Bố và mẹ cô đều đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Đau thương ập đến. Mất hết gia đình, người thân, cô bé bơ vơ, không người thân thích. Chỉ có bà con làng xóm xúm vào lo hậu sự cho đôi vợ chồng trẻ xấu số. Thương tình, gia đình ông Phúc mang cô về nuôi. Thế là từ đó Đức và Thương tự nhiên thành anh em một nhà.
Giây phút gặp lại Thương, anh Đức cũng vô cùng xúc động, cảm thấy như đang sống lại cùng ký ức những năm tháng đẹp đẽ êm đềm thời niên thiếu. Hai anh em cùng đi học, cùng làm đồng và cùng giúp bố mẹ chăn gà Đông Tảo. Ông bà Phúc coi Thương như con gái ruột. Việc gì ông bà cũng chỉ bảo đến nơi đến chốn. Bà Phúc thì khỏi phải nói, thương cô hết mực, có món gì ngon bà cũng dành cho cô.
Thương sống với gia đình ông Phúc được tám năm thì bỗng nhiên một hôm hai anh em đang cho gà ăn ngoài trại, bỗng có người gọi Thương về. Cô liền vội vã đạp xe về nhà. Một người đàn bà dáng bộ sang trọng cùng một cô con gái tuổi chừng 15 đã ngồi vắt vẻo trong nhà. Ông Phúc bảo Thương đi rửa chân tay, mặt mũi rồi vào nhà có việc. Người đàn bà sang chảnh ước chừng gần 50 nhìn Thương từ đầu đến chân rồi cất giọng:
- Cháu là Thương à? Có phải cháu là con nhà bố Trường, mẹ Nụ không?
- Dạ, thưa… Bố mẹ cháu đã mất lâu rồi ạ! Thương ngập ngừng.
- Ta là bác của con, còn đây là chị Kim Yến, chị của con đấy.
- Dạ…
Sau một màn hỏi han kĩ lưỡng, người đàn bà tự xưng là bác ấy đặt vấn đề với ông bà Phúc muốn nhận Thương là con cháu để mang về nuôi. Bà nói: “Chồng của tôi là bác ruột nó. Nay mới biết tình cảnh này nên mong ông bà cho cháu về với chúng tôi để gia đình chúng tôi có trách nhiệm với tương lai của cháu...”.
Ông bà Phúc sau giây phút ngỡ ngàng, thì cũng bình tâm trở lại, âu yếm nhìn Thương, rồi nói:
- Thực tình, chúng tôi nuôi cháu từ bé, lúc bố mẹ cháu đột ngột ra đi, chúng tôi rất thương cháu. Càng lớn, cháu càng ngoan ngoãn nên gia đình chúng tôi càng yêu quý cháu và coi cháu như con ruột. Nay bà nhân danh bác ruột về đón cháu, cháu nó đã 14 tuổi, chúng tôi muốn để cháu tự quyết định.
Bà bác kia liền kéo tay Thương ngồi xuống bên cạnh cô con gái mặc chiếc váy trắng, ren hoa điệu đà, sang chảnh rồi nói:
- Con về ở với hai bác rồi bác cũng cho con ăn ngon, mặc đẹp giống như chị con đây, con đồng ý không?
Thương nhìn ngắm bộ váy áo đẹp đẽ, đôi bông tai lấp lánh bên chiếc vòng cổ hợp thời trang của “Chị Kim Yến”, rồi quay ra nhìn ông bà Phúc một lượt. Nét mặt ông bà vẫn thản nhiên nhưng cô đâu hiểu được trong thẳm sâu trái tim họ đang réo gọi hai tiếng “yêu thương” muốn cô ở lại.
Trong lúc cô còn đang bối rối không biết nói sao thì bà bác lại tiếp:
- Thôi con cứ về Hà Nội với bác vài bữa coi cuộc sống ở đó ra sao rồi sẽ tính sau cũng được. Ông bà thấy tôi nói vậy có đúng không?
Ông bà Phúc thấy nét mặt tươi vui của Thương thì đành im lặng, lòng tự nhủ: Vạn sự tùy duyên, chỉ mong sao mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con bé…
Những ngày đầu, hai bác quả là cũng có chiều chuộng mua này mua nọ cho “cô cháu gái”. Nhưng dần dần Thương trở thành người giúp việc không công cho gia đình họ. “Chị Kim Yến” thấy Thương xinh đẹp hơn mình thì sinh lòng đố kỵ, chành chọe, đối xử tệ bạc với cô. Kim Yến bắt Thương phải “hầu hạ” mình theo đúng nghĩa “Ô-sin”. Ông bác ruột của Thương thì suốt ngày ăn nhậu say sỉn, không hề để ý đến cô cháu gái sống tủi cực ra sao. Bác gái thì miệng ngọt sớt giao việc cho cô làm luôn tay, nói rằng “cho thạo việc”. Đã có lúc Thương muốn quay trở lại nhà ông bà Phúc, nhưng nghĩ lại cô thấy thẹn, tự trách mình sao bồng bột bỏ đi, giờ còn mặt mũi nào mà quay trở về?.
Cứ như vậy, thời gian trôi đi… Năm cô 17 tuổi, cái tuổi đẹp đẽ nhất của thanh xuân vừa đến thì cũng là lúc sự đen bạc của cuộc đời thực sự bám lấy cô. Nhà bác tự nhiên có một anh chàng “Thạc sĩ kinh tế”, cháu gọi bác gái của Thương bằng cô tới ở. Anh chàng điển trai, mác Thạc sĩ ấy ngay từ hôm đầu tới cứ dán mắt nhìn Thương, ngắm nhìn nét mặt thanh thoát và nụ cười hiền dịu của cô.
Mười bảy tuổi, Thương rất cao ráo, bảnh bao và duyên dáng. Hắn lân la tới gần hỏi han rồi tán tỉnh. Bản năng tự vệ mách bảo Thương phải tránh xa. Nhưng càng tránh thì anh chàng càng bám sát cô như ăn phải bùa bả.
Cô ở trong một căn phòng nhỏ khuất nẻo bên phòng bếp. Đêm đêm, anh chàng thường lấy cớ để tiếp cận cô. Đã có lần Thương nói lại với bác gái về điều đó thì bị bà mắng cho té tát. Cô đành im lặng.
Thế rồi việc gì đến, sẽ đến. Một đêm, do sơ hở, mất cảnh giác, hắn đã chiếm đoạt cô. Thương ú ớ gào thét không được bởi bàn tay thô bạo và lời đe dọa của hắn. Vậy là cô đã mất đi đời con gái đẹp đẽ, trinh trắng trong tay một kẻ vô lại đội lốt trí thức. Tủi cực, Thương bỏ nhà bác ra đi ngay trong đêm…
Đêm tối, cô loạng choạng bước đi trong vô thức. Hình như gió đang gào thét bên tai cô? Những thanh âm lạnh lùng vô cảm! Mưa âm thầm rơi trong miên man sầu bi. Đôi chân tê dại, Thương bước đi giữa phố phường lạnh lẽo. Đầu óc cô choáng váng, quay cuồng. Cô ngã khuỵu xuống vệ đường, mê man…
Thương tỉnh dậy bởi những âm thanh chát chúa, lạ lẫm bên ngoài vọng vào.
“Này, cô tưởng cô là ai mà giả bộ thanh cao, trong trắng? Cô được ăn ngon, mặc đẹp ở đây cả tháng nay rồi, ai cung phụng cô? Cô có nghe lời tôi hay không thì cô nói cho tôi biết!...”. Tiếng thút thít, tiếng van lạy của một cô gái chắc là vẫn còn trẻ dại: “Mẹ ơi, mẹ thương con… mẹ bắt con làm việc gì cũng được… Con dọn vệ sinh… Con hầu hạ mẹ, hầu hạ mọi người cũng được, chỉ xin mẹ đừng bắt con làm việc đó… Mẹ ơi…”.
Đầu óc Thương bỗng tỉnh táo. Cô ngồi nhổm dậy, nhìn quanh. Căn phòng sực mùi nước hoa và ngập tràn những váy áo, đồ trang sức rẻ tiền của phụ nữ. Cô bỗng mường tượng tới ổ mại dâm. Trời ơi! Sao số cô lại đen đủi thế này? Sợ hãi, chưa biết phải làm sao thì bỗng có người đi vào. Cô ngồi thẳng dậy tư thế nhìn ra phía cửa.
Một người đàn bà khoảng chừng 50, tóc ngắn “phi dê”, mi giả cong vút, mặt bự son phấn đi vào. Đôi mắt sắc lẹm chiếu thẳng vào mặt Thương nửa như dò xét nửa như dọa nạt, một chút hàm ơn: “Cô tỉnh rồi hả? Đêm qua cô bị cảm lạnh ngã ở giữa đường. May mà người của chúng tôi gặp cứu kịp, không thì...”.
Thương lúng túng đáp: “Vâng, cháu xin cảm ơn cô ạ! Lát nữa cháu xin đi ngay, cảm phiền nhà mình quá ạ!”. Người đàn bà nhìn xoáy vào khuôn mặt xinh xắn của Thương, hạ giọng nói: “Trời ơi, cô gái trẻ, con còn đang yếu vậy mà tính đi đâu. Cứ nghỉ ở đây một thời gian cho lại sức đã, con ạ!”.
Thương cảm nhận nét mặt, cử chỉ của người đàn bà này có vẻ gì đó vừa giả dối vừa mưu mô qua ánh nhìn sắc lẻm lướt qua cô. Thương biết chắc giờ có muốn xin đi cũng khó nên cô đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch…
Đêm hôm đó, trời mưa rả rích. Thương không ngủ nhưng nằm im đợi thời gian lặng lẽ trôi. Khoảng hơn 12 giờ đêm, có tiếng mở cửa. Mấy cô ả đã “đi khách” trở về, xuýt xoa kêu lạnh vội vã chui vào phòng. Họ quên khóa cửa. Cơ hội đã đến, Thương nhẹ nhàng lẻn ra. Cô khoác chiếc áo đen lẩn vào trong đêm. Cô chạy cuống cuồng trên đường vắng, mong có một cửa hàng nào đó còn mở để chạy vào trú tạm.
Cô chạy qua mấy con phố vắng vẻ, lạnh ngắt. Bỗng từ đằng xa có mấy gã thanh niên vẻ bặm trợn đang đi tới. Thương sợ hãi nép mình vào bức tường. Tim cô muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi bọn chúng đi sạt qua. Hú hồn, Thương chạy thục mạng. Được một đoạn, cô quay lại hoảng hồn khi thấy hai chiếc xe máy lao nhanh về phía mình. Chết rồi, hai tên bảo vệ ở “ổ mại dâm”. Chưa kịp kêu tiếng nào thì hai cánh tay cứng như sắt đã ghì chặt tay cô. Thương cảm tưởng như thế giới vỡ vụn, văng ngổn ngang những kinh hoàng dưới chân cô.
Vậy là cô bị bắt quay trở lại “động mại dâm”. Mụ chủ mắng cô một trận như tát nước vào mặt. Thương cắn răng chịu trận, đau đớn thầm tự nhủ lòng mình: “Số phận người nào đặt trên vai kẻ đó…” và cô vẫn âm thầm nuôi ý định… “vượt ngục”.
Nhưng đôi mắt mụ chủ như có móc dường như soi thấu tâm can cô. Biết là “điều trị” “ca” này cũng khó nên mụ đành chuyển “phương án hai” để kiếm chút đỉnh.
Một buổi tối ăn cơm xong, đầu óc cô bỗng thấy nặng trĩu, hai mắt cứ díp lại. Cô lơ mơ nghĩ tới cốc nước chanh mụ chủ pha cho cô uống ban nãy. Nhưng không nghĩ tiếp được, cô thiếp đi…
Một cú sóc mạnh, chiếc xe chồm qua ổ voi nào đó khiến cô tỉnh lại. Lơ mơ cô thấy mình nằm trong một thùng xe, chân tay bị trói tê cứng, miệng bị nhét đầy giẻ. Cô ú ớ, nước mắt chảy cay xè, tràn xuống má, xuống cằm. Tức tưởi. Cô nghĩ trong tuyệt vọng: “Thôi thế là hết! Thế giới này chẳng còn chỗ bình yên cho mình nữa rồi!”.
Trời tối hay sáng, đang ở đâu, cô không định hình được bởi cái băng bịt mắt khiến đầu óc trì trệ. Đột nhiên xe đỗ. Rồi có tiếng người nhảy lên thùng xe, bốc cô lên bằng đôi bàn tay thô bạo. Vác trên vai, người đó chạy ào ào. Gió ù ù bên tai, cô nghe cả tiếng cành cây gãy răng rắc. Hình như hắn đang vác cô chạy xuyên rừng? Cô rùng mình khi nghĩ rằng mình đang bị đem bán qua biên giới. Cô cay đắng nghĩ trong tuyệt vọng…
Bỗng “Đoàng!” một tiếng súng, rồi tiếp ba tiếng súng chỉ thiên, cô giật thót khi nghe tiếng hô: “Đứng lại! Bỏ người trên vai xuống, giơ tay lên!”
“Bịch!” cô bị rơi xuống nền đất lô mô, lạnh lẽo. Rồi sau đó là tiếng những bước chân chạy tới… Cô được ai đó bế thốc…
Kể tới đó, Thương ngừng lại, nước mắt lại lã chã tuôn rơi… Cô nói trong nghẹn ngào xúc động: “Anh ấy đã cứu em!”…
- Ai đã cứu em? Đức hỏi.
- Chồng em! Anh ấy đi rừng và phát hiện ra có kẻ buôn người qua biên giới nên đã báo cho đồn Biên phòng tới cứu em…
Vừa lúc đó, có người báo đã tìm thấy một người, đúng ra là một thi thể nam giới. Tức thì, Thương chạy ù ra. Các anh bộ đội đang khiêng một thi thể. Họ đặt tạm xuống thảm cỏ xanh. Thương ào tới và mắt cô mờ đi khi nhận ra đó chính là thi thể anh! Cô ngất lịm…
Anh Đức và những người bà con vực Thương dậy. Lo xong hậu sự cho chồng, giữa cảnh chơ vơ buồn thảm, Thương như người vô hồn. Vậy là lần thứ hai trong cuộc đời cô “trắng tay”, không còn gia đình. Từng nhịp tim rưng rức giữa thăm thẳm tình đời trầm luân bể khổ.
Anh Đức và mọi người trong đoàn cứu trợ ai cũng muốn sẻ chia nỗi đau cùng bà con vùng lũ. Đặc biệt là Thương, người con gái mà anh đã từng thương mến và đi tìm bao năm nay. Anh bảo Thương trở về quê cùng anh nhưng cô chỉ khóc. Nhìn tấm di ảnh của chồng và đứa con thơ nhỏ dại trong khói hương nghi ngút, Thương như đứt từng khúc ruột!
Từng đám mây đen đã trôi đi, cuộn lại rồi lại giăng ra phía chân trời nhàn nhạt bao điều đớn đau giằng xé.
Thương nhìn theo đoàn xe lặng lẽ trở về trên con đường gập gềnh mưa gió, nước mắt cô bỗng rơi. Giữa khó khăn hoạn nạn, lòng người thật bao la, đáng quý! Nhớ những lời ân cần tha thiết của anh Đức, cô thầm nhủ: Nhất định sẽ có một ngày mình trở về nơi ấy. Những thảm lúa phía xa xa kia đang gượng dậy một màu xanh trong nắng mới.