Dự báo thời tiết hôm nay có mưa quả thật không sai. Mới hơn bốn giờ sáng, trời đã mưa tầm tã, cứ nghĩ phải đội mưa đi dạy nhưng may quá đến gần sáu giờ mưa nhẹ hạt lại rồi dần tạnh hẳn. Tôi vội vàng đeo ba lô rồi dắt xe ra khỏi nhà, dù thời gian còn khá sớm so với giờ vào học.
Ngoài đường xe cộ tấp nập, ai cũng vội vã đi làm, đi học sớm tranh thủ trước khi bầu trời lại rớt hạt mưa. Dừng xe ở ngã tư chờ đèn đỏ, ai cũng nhót ruột gấp gáp. Bầu trời vừa he hé nắng thì giờ lại bắt đầu kéo mây giăng màn âm u.
Ông Mặt trời sớm mai chẳng biết khuất dạng ở góc nào của bầu trời. Ngước nhìn đèn tín hiệu còn hơn sáu mươi giây mà lòng người bồn chồn, thấp thỏm.
Bất chợt những âm thanh nhẹ nhàng du dương với giọng hát trầm ấm cảm xúc của ca sĩ len lỏi qua đám đông chạy đến bên tai tôi thầm thì.
“Bố như con tàu băng đại dương qua ngàn phương.
Bây giờ con cút côi trên đường”.
Tôi ngơ ngác tìm kiếm âm thanh bài hát đang phát ra từ phía quán cà phê nằm ngay góc ngã tư. Chẳng biết là bài hát gì nhưng từng câu từng chữ như một lời tâm sự của chàng trai đang nhớ về bố của mình. Tim tôi nghẹn lại, có chút bồi hồi xót xa và một chút xúc động. Mắt tôi đã đỏ hoe từ khi nào.
Đèn xanh bật lên, tôi lại chẳng nhận ra cho đến khi tiếng còi từ phía xe sau nhắc nhở. Tôi liếc nhìn về phía quán cà phê rồi chậm rãi hòa vào dòng người. Tôi cố nhớ một câu trong lời bài hát vừa nghe thoáng qua kia để đến trường tìm kiếm nghe lại lần nữa cho trọn vẹn. Ngồi một mình trong phòng giáo viên tôi nhẩm:
“Nhớ chuyện ngày xưa bé thơ
Ngồi trong lòng bố lái xe đi chơi khắp nơi”.
Đang mải tập trung tìm kiếm trên mạng thì cô Oanh vỗ vai tôi.
“Sáng ra thầy Mẫn yêu đời nhỉ, hát vu vơ nữa ta”.
Tôi giật mình cười gượng gạo vì ngại ngùng. Cô Oanh liếc nhìn màn hình điện thoại rồi lại cười nói với tôi.
“Bài này mới ra của ca sĩ Jun Phạm thì phải, cái gì mà Sau lưng bố ấy. Thầy tìm thử đúng không? Bữa giờ con nhóc nhà tôi nó mở nghe suốt thôi. Tôi cũng ngạc nhiên khi thầy cũng mê âm nhạc đấy”.
Tôi cười cười thử gõ tên bài hát cô Oanh vừa chỉ điểm rồi ngơ ngác đỏ mắt khi giai điệu quen thuộc vang lên. Những ca từ nhẹ nhàng da diết đưa tôi lên chiếc xe đạp sau lưng ba tôi ngày ấy.
* * *
Tôi vừa mở mắt đã thấy trời sáng choang, giật mình vội vàng nhảy xuống giường gọi ba gọi mẹ. Tôi mặc đồng phục nhanh nhất có thể rồi xách chiếc cặp màu xanh mà một bên quai cặp đã được mẹ tôi vá lại vào tối qua. Tôi chạy lẹ ra ngoài nhìn trước nhìn sau khi không thấy ba mẹ đâu.
Chiếc xe đạp của ba tôi cũng không còn đậu bên hiên nhà. Tôi gãi đầu, sáng nay mẹ không gọi tôi dậy nên tôi sắp trễ giờ học rồi. Bây giờ lại không có ba đưa tôi đi học thì kiểu gì tôi cũng bị cô giáo mắng vì đến lớp trễ. Đúng lúc tôi chuẩn bị xắn ống quần chạy thì ba tôi lù lù xuất hiện từ phía xa, tôi mừng quýnh gọi to.
“Ba ơi!”.
Ba tôi đạp xe dừng lại trước mặt tôi, sáng sớm nắng còn chưa quá gắt nhưng trên trán ba tôi ướt đẫm mồ hôi, áo sơ mi ngả màu cũ kỹ của ông cũng loang lổ mồ hôi thấm ướt. Ba kêu tôi leo lên xe để ba đưa đi nhanh cho kịp giờ. Tôi leo lên xe ngồi sau lưng ba, hai tay nắm chặt áo ba. Ba vừa đạp xe vừa giải thích với tôi.
“Mẹ con đêm hôm qua sốt cao nên ba đưa luôn lên trạm xá nằm rồi. Bả có dặn ba về gọi con dậy mà cái xe nó giở chứng nổ lốp giữa đường nên giờ ba mới chạy về nè”.
Tôi sững sờ rồi gấp gáp hỏi ba.
“Mẹ có sao không ba?”.
Ba thở dốc giọng đứt quãng.
“Khỏe rồi, hết sốt rồi. Chút ba vòng về ra trạm xá rước bả. Ôm chặt ba, ba tăng tốc không thì trống đánh”.
Tôi ôm chặt ba, xe đạp chạy nhanh trên đường, kèm theo tiếng gió rít vù vù bên tai tôi. Thỉnh thoảng xe sụp ổ gà tôi nhăn mặt vì ê mông. Đến cổng trường ba thả tôi xuống rồi nhét vào tay tôi vài ngàn tiền lẻ.
“Nhớ cầm tiền mua bánh ăn để đỡ đói bụng nghe con, lẹ vào lớp đi trống đánh rồi kìa”.
Tôi khoanh tay gật đầu thưa ba đi học rồi chạy nhanh vào lớp. Tôi đã là học sinh lớp 6 và trong suốt ngần ấy năm qua ba luôn là người đưa tôi đến trường. Mẹ tôi không biết đạp xe nhưng tôi thì biết.
Năm tôi lên 6 tuổi, ba đã tập cho tôi chạy xe đạp. Tôi là con trai nên gan dạ lắm, té lên ngã xuống mấy lần trầy chân chảy máu tôi cũng không sợ. Vậy nên bây giờ tôi chạy xe đạp giỏi lắm. Những lúc ba tôi không chạy xe đi làm thì tôi cũng được ba đưa xe cho tự đạp đến trường.
Nhà có mỗi chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại nên dù rất muốn tự đi học bằng xe đạp mỗi ngày nhưng tôi cũng không thể bắt ba tôi đi bộ năm sáu cây số để đi làm được. Ba tôi làm thợ hồ, còn mẹ tôi bán rau cải ở chợ. Nhà tôi có mảnh vườn nhỏ trồng đủ loại rau, sau giờ học tôi cũng thường phụ mẹ tưới rau bắt sâu.
Tôi vừa đặt cặp lên bàn thì bạn học của tôi chạy đến trêu ghẹo.
“Ê Mẫn, sáng nay ngủ nướng phải không? Miệng bạn còn dính ke kìa”.
Tôi luýnh quýnh kéo vạt áo chùi lấy chùi để, chùi đến đau rát cả mặt. Bởi vì dậy muộn nên tôi đánh răng rửa mặt cho có làm chứ không sạch sẽ gì, tôi biết chắc là vậy. Quê ơi là quê nhưng tôi vẫn cười tươi rói gãi đầu.
Bạn tôi lại nói tiếp.
“Mẫn sướng thật, có ba đưa đi học. Còn mình mỗi ngày đều phải đạp xe hả họng một thân một mình”.
Tôi nhìn Đạt khó hiểu.
“Đạt nói gì ngộ, mình rất muốn được tự đạp xe đi học như bạn nè mà có được đâu. Nhà mình nghèo có một chiếc xe nên để cho ba đi làm rồi”.
“Mình ước còn ba để ba chở mình đi học một ngày thôi cũng được, vậy mà…”.
Đạt ngập ngừng mắt đỏ hoe nhìn tôi. Mấy bạn cùng lớp chớp mắt chẳng hiểu tại sao đột nhiên Đạt lại xúc động. Dù học cùng lớp nhưng không ai biết rõ về hoàn cảnh của nhau cả, vì cũng vừa nhập học chung lớp chưa lâu. Tôi ngây thơ hỏi Đạt:
“Ba bạn đâu sao không chở bạn được? Ba mẹ bạn không ở với nhau à?”.
Đạt ngậm ngùi giọng lí nhí.
“Ba mình mất vì bệnh lúc mình ba tuổi rồi”.
Tôi và các bạn đều chưng hửng rồi cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh của Đạt. Vậy mà trước giờ tôi ganh tị với Đạt rất nhiều, bạn có xe đạp riêng, có cặp đẹp, nhà có điều kiện hơn tôi rất nhiều. Hóa ra Đạt cũng ganh tị với tôi, vì tôi có Ba.
* * *
Trường phát động phong trào làm báo tường. Lớp tôi đứa nào cũng háo hức tham gia, vì ở tiểu học không có phong trào này. Sau buổi học sáng cả lớp hẹn nhau buổi chiều vào trường để cùng nhau chung sức chung tay làm báo tường cho đẹp thi đua với các lớp khác.
Vừa ăn cơm trưa tôi vừa hỏi ba:
“Hôm nay ba không đi làm, ba để con tự đạp xe vào trường làm báo tường cùng các bạn nha ba”.
Mẹ tôi ngắt cọng hẹ cuốn lại thành cục rồi chấm vào đĩa cá mè kho lạt nhét vào miệng tôi. Bà lườm:
“Để ba đưa cho mà đi, trường xa chứ có gần đâu mà tự chạy xe. Ông chạy ẩu tả bị xe máy tông hay tự sụp ổ gà ngã thì sao”.
Tôi đỏ mắt nhìn mẹ rồi liếc nhìn ba. Giọng tôi yếu xìu:
“Nhưng con chạy xe cứng rồi mà, thằng Đạt chạy xe yếu hơn con nhưng nó còn tự đạp đi mỗi ngày có sao đâu”.
Mẹ tôi gắt:
“Mẹ nói không là không, không có cãi”.
Tôi mếu máo muốn khóc thì ba tôi xoa đầu tôi dịu giọng an ủi:
“Thôi con nghe lời mẹ con đi. Chờ con lớn hơn một chút, ba mua thêm chiếc xe nữa đẹp hơn cho con tự đi”.
Tôi sáng mắt mừng rỡ:
“Ba hứa nghen ba”.
* * *
Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn. Mấy người đi xe ngang qua ba con tôi đều cười nhưng tôi đâu có ngại. Ba nói nghe giọng tôi hát là ba tôi hết mệt, đạp xe nhanh hơn mà.
Ba đưa tôi đến trường rồi quay xe trở về. Tôi hẹn ba bốn giờ chiều đến rước. Ba gật đầu rồi kêu tôi nhanh vào lớp kẻo nắng. Tôi vẫy tay chào tạm biệt ba. Vậy mà đến chiều tôi chờ mãi không thấy ba đến đón. Tất cả các bạn học sinh đều lần lượt được ba mẹ đến đón hoặc tự đi xe đạp về hết, chỉ còn mỗi tôi và Đạt.
Đạt thấy tôi chờ đến buồn hiu nên ngỏ lời cho tôi quá giang xe về. Nhưng tôi lắc đầu rồi kêu Đạt về trước đi, chắc ba tôi bận việc nên đến muộn chút thôi. Đạt về rồi còn một mình tôi ngồi đợi dưới gốc cây phượng già.
Tôi không biết thời gian trôi qua bao lâu, tôi ngồi đến tê chân cũng chưa thấy bóng dáng ba đâu. Cho đến khi cô giáo cuối cùng trong trường ra về nhìn thấy tôi liền kêu tôi lên xe đưa tôi về nhà.
Tôi cảm ơn cô rồi chạy vội vào nhà gọi mẹ, tôi muốn mách mẹ vì ba đi đâu không đến đón tôi. Thế nhưng vòng ra nhà sau rồi chạy luôn ra vườn rau cũng không thấy mẹ đâu. Tôi chớp mắt khó hiểu đi vào nhà thì đúng lúc dì Chín hớt hải chạy sang gọi tôi.
“Mẫn à, con về rồi hả? Con chạy nhanh sang nhà dì để dượng chở con lên bệnh viện, ba con bị xe tông nguy kịch lắm rồi”.
* * *
Cô Oanh thấy tôi rơi nước mắt thì giật mình vỗ vai tôi:
“Trời đất, gì mà nghe nhạc đến khóc dữ vậy thầy Mẫn”.
Tôi ngượng ngùng lấy tay lau vội mấy vệt nước vừa rơi ra trên khóe mắt. Tôi cũng không biết mình đã khóc, có lẽ nỗi nhớ ba làm tôi nhất thời không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Ba tôi mất từ năm đó và kể từ buổi trưa cuối cùng kia, tôi không bao giờ được ngồi sau lưng ba thêm một lần nào nữa. Tôi còn nhớ sau ngày ba mất, tôi tự đi xe đạp đến lớp nhưng tâm trạng hụt hẫng và buồn vời vợi chứ không vui vẻ như trong tưởng tượng của tôi.
Cô Oanh đưa cho tôi tờ khăn giấy rồi an ủi.
“Nhớ ba à! Đừng khóc nữa, ba của thầy ở trên trời không vui đâu”.
Tôi nhận khăn giấy rồi cố nở nụ cười gượng gạo.
“Nghe nhạc nên suy tư chút thôi chị. Cảm ơn chị nhiều”.
Có những việc đã xảy ra với chúng ta thì chúng ta mới thấm thía nỗi đau của người đã từng trải qua. Tôi đã từng thương xót Đạt không có ba và bây giờ tôi cũng đã hiểu được cảm giác của Đạt. Không còn được ngồi sau lưng ba đi khắp nơi là cảm giác thiếu thốn và buồn bã thế nào.