Truyện ngắn: Vầng trăng khuyết

GD&TĐ - Nhật gặp Nhài lần đầu tiên trong bữa tiệc cưới đứa bạn học cùng thời sinh viên.

Truyện ngắn: Vầng trăng khuyết

Đón con từ phòng tắm, Nhật vội hỏi cô hộ lý:

- Chị ơi, sao tôi thấy cháu trông khác quá, lúc mới sinh mặt nó tròn giống mẹ cơ mà.

Cô hộ lý hất hàm:

- Anh nhìn xem, thẻ đeo trên chân cháu và tay anh cùng số 13, nó chẳng là con anh thì con ai? Trẻ con mới sinh thay đổi từng ngày. Nhất là con bé có triệu chứng bệnh tim bẩm sinh. Từ qua đến nay mẹ nó chẳng chịu cho bú mớm gì, cứ để khóc thế. Phải chăm sóc tốt không sẽ khó nuôi đấy.

Trời, con bé bị bệnh tim bẩm sinh, Nhật bàng hoàng. Ngồi xuống bên giường, anh đưa con cho vợ và bảo:

- Em cho con bú đi.

Nhài lắc đầu quầy quậy:

- Anh pha sữa cho nó ăn đi. Anh phải tập cho nó ăn sữa hộp em không có sữa đâu nhá.

- Hôm nay chưa có thì mai sữa sẽ về mà em. Chiều nay đón mẹ con em về nhà anh sẽ mua chân giò hầm với gạo nếp và lá mít, nhất định sẽ có sữa cho con.

- Anh định hại chết em đấy à. Ngực em bơm đầy hai túi silicon, kích sữa căng lên vỡ túi ra thì em sống sao nổi. Lát về qua hiệu thuốc anh nhớ vào mua liều thuốc triệt sữa cho em đấy nhé.

Nhật ngồi ớ ra. Cái chuyện Nhài đi bơm ngực, nâng mũi, sửa lại cả hàm răng để làm đẹp anh có nghe mấy cô bạn của vợ xì xào. Những việc ấy Nhài làm từ cái lúc anh quen cô, mà tính anh chẳng bao giờ để ý ba cái chuyện lặt vặt của đàn bà. Chỉ biết thấy Nhài đẹp là anh thích. Nhật cũng không thèm biết trước khi trở thành đồ đệ của hội dao kéo thẩm mỹ, gương mặt và hình dáng thật của Nhài khi ấy trông thế nào.

Đêm ấy, con bé quấy khóc suốt. Mẹ nó mặc kệ, cứ quay mặt vào tường mà ngủ. Nhật gần như thức trắng đêm dỗ con. Mệt mỏi và chán chường, chong mắt thức ôm con giữa màn đêm tĩnh lặng Nhật bỗng thấy lại tất cả cuộc tình của anh với Nhài.

Nhật gặp Nhài lần đầu tiên trong bữa tiệc cưới đứa bạn học cùng thời sinh viên. Nổi bật giữa đám phù dâu, Nhài là một cô gái có gương mặt tròn mũm mĩm như búp bê, hàm răng trắng đều tăm tắp, thật xinh với bờ môi căng mọng đỏ chót. Bộ ngực nở nang đầy hấp dẫn lấp ló dưới cái cổ trễ may rất khéo của bộ đầm dạ hội. Nhật như bị tiếng sét ái tình đánh gục ngay trong phút đầu gặp gỡ.

Bà Thảo - mẹ Nhật - góa chồng từ lúc đứa con trai duy nhất của bà mới tròn bảy tháng. Bao nhiêu kỳ vọng của cuộc đời bà đặt cả vào con. Bà nhịn ăn, nhịn mặc cố lam lũ làm lụng, xong việc công ty lại nhận thêm việc về nhà làm buổi tối để lo cho con được ăn học đủ đầy.

Trời thương đã cho bà một đứa con trai ngoan ngoãn, cần cù, chịu thương chịu khó. Bởi thế, vừa tốt nghiệp đại học nó được nhận ngay vào làm tại công ty công nghệ thông tin có tiếng của thành phố. Mọi sự gần như đều toại nguyện.

Chỉ còn điều mong muốn cuối cùng của bà là một đứa con dâu ngoan hiền. Cái điều trông đợi đau đáu ấy bị sụp đổ tan tành khi Nhật đưa đứa con gái mắt xanh mỏ đỏ váy áo cũn cỡn về ra mắt mẹ.

Bà lắc đầu quầy quậy dứt khoát không chấp nhận. Nhưng bà càng phản đối thì đứa con trai càng si mê lao vào mối tình đầu của nó như một con thiêu thân lao đầu vào lửa. Chưa đầy một tháng sau, nó về thông báo với mẹ rằng Nhài có bầu và không thể chậm trễ làm đám cưới.

* * *

Từ lúc đón con về nhà, Nhài như người dưng chẳng thèm ngó ngàng đến con bé. Rồi khi con bé vừa đầy tháng, Nhài kiếm cớ chị bạn ngoài Quảng Ninh đang cần người đứng quầy bar, đùng đùng xách va ly lên đường. Chẳng còn cách nào khác, Nhật đành xin nghỉ làm để ở nhà trông con. Bà dì ruột đến chơi ái ngại khuyên:

- Người ta bảo, cá chuối đắm đuối vì con, nếu nó đúng là con mình thì hẵng đắm đuối. Đằng này, dì cứ nói thật, mẹ nó vốn là đứa lẳng lơ. Từ ngày quen cháu mới có tám tháng đã đẻ ra nó.

Rồi giờ nó ốm đau quặt quẹo, mẹ nó quất ngựa truy phong mặc cho cháu nuôi con tu hú. Dì có quen một chị làm ở trại trẻ khuyết tật, vô thừa nhận. Thôi, để dì ẵm nó đến đấy giải phóng cho con trở lại với tương lai sự nghiệp.

Nhật lắc đầu quầy quậy:

- Không, con bé tội nghiệp lắm dì ạ. Con không nỡ bỏ nó.

Rồi anh cúi xuống nựng con bé: “Cho dù Nguyệt có là vầng trăng khuyết thì con vẫn là vầng trăng quý báu của ba, con nhỉ”.

Bà Thảo xót xa:

- Trông thấy con trai thế này tôi đứt từng khúc ruột dì ạ. Nhưng tôi biết tính cháu đa cảm thương người, chẳng đời nào nó chịu đem bỏ con bé đâu. Tôi phải đỡ cho nó.

- Từ đấy, tan tầm chiều bà Thảo tất tưởi nhảo qua chợ mua vội ít thức ăn rồi phóng về lo cơm nước, trông cháu giúp con. Giao được con cho bà, Nhật vội vã dắt xe máy cũ ra bến xe đón khách.

Khoác chiếc áo đồng phục tài xế xe ôm với gương mặt phờ phạc của kẻ triền miên thiếu ăn thiếu ngủ, người quen ở công ty cũ thật khó nhận ra anh kỹ sư trẻ giỏi giang đầy triển vọng, lại có giọng ca vàng ngày nào.

Có mẹ luôn ở bên động viên, Nhật cũng bớt lo buồn. Con bé Nguyệt cứng cáp dần. Ba tuổi, nó được nhận phẫu thuật tim miễn phí theo chương trình từ thiện. Hết bệnh, nó béo tốt dần lên, thay da đổi thịt và mỗi ngày trông càng xinh xắn dễ thương hơn.

Nó tỏ ra rất sớm hiểu biết, hết lòng thương bố, thương bà. Thấy bố hay bà ốm đau mệt mỏi là nó có vẻ lo toan, săm sắn chạy quanh hỏi han săn sóc. Nó trở thành niềm vui, nguồn động viên lớn nhất của cả nhà.

Vui nhất là hôm bố nó mua được bộ loa míc cũ, hai cha con say sưa hát quên cả nấu cơm trưa. Thấy Nguyệt tỏ ra có năng khiếu, Nhật hào hứng luyện giọng cho con. Vào lớp mẫu giáo, giọng ca oanh vàng của nó trở thành niềm tự hào của cả trường.

Rồi năm lên sáu tuổi, nó được giải nhất trong kỳ thi tìm kiếm tài năng trẻ của đài truyền hình thành phố. Lúc này, Nhật cũng xin được trở lại công việc cũ ở công ty công nghệ thông tin ngày trước. Mọi sóng gió thử thách cuộc đời tưởng chừng đã qua đi.

Vào dịp lễ khai trường năm bé Thu Nguyệt tròn sáu tuổi, một sự cố bất ngờ đã xảy ra. Hôm đó, cả nhà đang ngồi trước tivi xem lại chương trình đại nhạc hội học sinh các trường trong thành phố chào mừng năm học mới.

Chương trình này đã phát trên truyền hình thành phố từ ba hôm trước, được cô phóng viên nhà đài ghi clip và gửi cho. Đúng đến tiết mục bé Thu Nguyệt cao giọng hát sô lô trước dàn đồng ca của trường Lê Ngọc Hân thì có tiếng chó sủa dồn dập.

Một phụ nữ trạc hai nhăm, hai sáu tuổi đang đứng trước cổng cùng đứa con gái tầm sáu tuổi, bằng lứa Thu Nguyệt. Con bé mặt tròn, mũi tẹt và răng vẩu, đứng cạnh Thu Nguyệt đúng như con vịt bầu đứng cạnh thiên nga.

Ngay từ lúc mới đặt chân vào nhà, chị ta cứ nhìn chằm chằm bé Nguyệt. Mọi người còn chưa biết là ai thì chị ta đã dồn dập hỏi:

- Cháu bé nhà mình có phải sinh ngày 6 tháng 8 không ạ?

Nhật cảm thấy hơi khó chịu, cau mày hỏi lại:

- Chị là ai? Sao lại hỏi thế?

Đứa bé đi theo chị nhanh nhẩu nói:

- Mẹ ơi, con mới sinh ngày 6 tháng 8 kia mà.

Người phụ nữ gạt con sang một bên, dịu giọng giải thích:

- Anh cứ yên tâm, tôi không làm gì hại cho con bé đâu. Tôi có lý do thật khẩn thiết nên mới lặn lội đến đây để hỏi câu này.

Bà Thảo từ nãy ngồi im, hết nhìn người khách mới đến, lại nhìn đứa cháu nội của bà. Bà ngờ ngợ thấy hai gương mặt này sao giống nhau đến thế. Vả lại, trông người phụ nữ hiền lành thùy mị, bà bỗng thấy cảm tình và tin rằng cô ta không phải người xấu. Bà kéo ghế ôn tồn:

- Hai mẹ con ngồi xuống đã rồi có chuyện gì sẽ từ từ nói sau.

Nhật ngồi xuống ghế đối diện, tay ôm chặt bé Nguyệt như sợ người ta cướp mất con. Anh đáp giọng cảnh giác:

- Ừ, nếu con tôi sinh ngày 6 tháng 8 thì sao nào?

- Cháu sinh ở trung tâm y tế huyện ta đây?

- Đúng vậy. Thì sao nào?

- Thì con anh và con tôi cùng sinh ở đó và đã có sự nhầm lẫn của hai nhà. Anh nhìn xem, cháu nhà anh rất giống tôi. Còn con tôi... Chị nhà anh đâu rồi, mời ra đây xem con tôi có giống chị ấy?

Nhật như người đang đi trên đường bằng bỗng bước hụt chân sa xuống vực. Anh càng ôm chặt lấy bé Nguyệt, lắc đầu quầy quậy:

- Không, chẳng nhầm lẫn gì cả. Đây là con tôi. Không ai được đem nó đi đâu.

Người phụ nữ dịu giọng:

- Không, không. Tôi không có ý định đó. Rồi chị ôm chặt đứa bé xấu xí vào lòng và nói tiếp - Đây là con gái tôi. Tôi cũng yêu quý nó như anh yêu con vậy. Tôi cũng không muốn rời xa nó. Nhưng tôi có nỗi khổ, chỉ muốn làm sáng tỏ sự thật.

Chị cúi đầu cố ngăn dòng nước mắt tủi hờn đang trào ra ướt hai bờ mi và kể cho mẹ con Nhật nghe câu chuyện buồn đau của mình. Chị tên là Hồng, là cô giáo tiểu học người ở cuối huyện này.

Chị lấy chồng theo sự sắp xếp của gia đình. Chồng chị là một gã đàn ông nóng nảy, cục tính và vô cùng đa nghi. Con bé Thương càng lớn càng xấu xí, chẳng giống ai khiến mọi người băn khoăn.

Việc hết chồng đến mẹ chồng và các cô em chồng rêu rao là Hồng đi tằng tịu lăng nhăng khiến cô đau đớn lắm mà không biết minh oan bằng cách nào. Cô khẳng định với mọi người là mình trong sáng. Nhưng nào có ai tin. Cuối cùng, cô phải cùng chồng đem con đi xét nghiệm ADN.

Kết quả Thắng và con bé Thương không cùng huyết thống. Vậy là Thắng nện cho cô một trận thừa sống thiếu chết rồi đùng đùng làm đơn ra tòa li hôn. Hồng - hai bàn tay trắng ôm con về nhà mẹ đẻ. Một chị bạn công tác trong ngành y bảo với Hồng:

- Chỉ có một cách là tìm ra bằng chứng rằng em bị trao nhầm con trong nhà hộ sinh.

Nghe thế, Hồng đã mấy lần lên trung tâm y tế huyện xin được giúp đỡ. Nhưng người ta chẳng ai muốn dây vào những chuyện phức tạp. Hơn nữa, thời gian trôi qua đã lâu, những đứa trẻ giờ tứ tán khắp nơi.

Hồng vất vả đi tìm kiếm tưởng chừng như mò kim đáy biển. Thế rồi, qua sáu năm sống trong đau khổ và nhục nhã, hôm mới rồi khi cả nhà đang ngồi xem tivi thì mẹ cô chợt kêu lên: “Ô, cái con bé đang hát kia sao giống hệt cái Hồng ngày bé”.

Mọi người đang ăn cơm vội buông đũa cùng nhìn chăm chú lên màn hình và thốt lên: “Đúng rồi, giống in hệt cái Hồng ngày bé”. Một tia hy vọng lóe lên. Hồng vội lấy giấy bút ghi tên trường, lớp của đứa trẻ vừa xuất hiện trên tivi, dò dẫm mãi mới tìm được tới đây.

Nghe xong câu chuyện của Hồng, thái độ của Nhật dịu đi phần nào. Anh buông tay cho phép Hồng nhào đến ôm con bé Nguyệt, nhưng anh vẫn không để mắt tới đứa trẻ cô bảo là con anh.

Còn con bé Thương thì vẫn bám chặt lấy mẹ, miệng phụng phịu: “Mẹ, mẹ đừng bỏ con, mẹ nhé”. Nguyệt cũng giằng vội ra khỏi người đàn bà xa lạ quay lại ôm chặt lấy bố. “Bố ơi, con mới chính là con của bố, bố nhỉ”.

Hôm sau, theo đề nghị tha thiết của Hồng, Nhật chở con bé theo cô lên trung tâm y tế huyện làm xét nghiệm ADN. Kết quả như gáo nước lạnh dội lên đầu Nhật: Hồng và bé Nguyệt chính là hai mẹ con. Còn Nhật và bé Thương lại không hề có quan hệ huyết thống.

Nhớ lại cái hôm ở nhà hộ sinh khi đón trẻ đi tắm về, chính Nhật đã ngờ ngợ. Thì ra, con bé Thương là đứa trẻ số 13 do Nhài sinh ra. Giờ nhìn kỹ cặp mắt nâu hoang dại kia Nhật đã nhận ra cặp mắt của Nhài. Khi tắm trẻ, các cô đã đeo số 13 của con Nhài cho đứa trẻ mang số 3 con của Hồng và trao nhầm. Cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm trên tay, Nhật hỏi:

- Thế Hồng có định đem bằng chứng minh oan này về để chắp nối lại với chồng và gia đình chồng?

- Không anh ạ. Từ ngày li hôn, anh ta không một lần ngó ngàng đến xem hai mẹ con em sống chết ra sao. Em chỉ muốn cho họ thấy là họ đã sai.

- Thế còn hai đứa trẻ?

- Đừng tạo cú sốc tâm lý cho các con anh ạ. Chỉ xin phép anh cho em thỉnh thoảng đến thăm con và bất kỳ lúc nào anh muốn đến thăm cháu Thương, mẹ con em sẵn sàng đón tiếp.

Từ đấy, con bé Thu Nguyệt mới biết thế nào là tình mẹ. Bà Thảo càng ngày càng thấy quý mến cô giáo Hồng. Bà đang cố thuyết phục Hồng chuyển trường về gần nhà bà để rồi một ngày nào đó bà sẽ có một đứa con dâu như mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.