Truyện ngắn: Điểm tựa từ mẹ cha sau mùa thi

GD&TĐ - Ngày hôm ấy bầu trời như đổ sụp trước mắt nó. Toàn thân run rẩy, khó thở, nó khuỵu xuống. Nước mắt rơi.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Điểm số nhảy múa: 0,25 điểm, chỉ thiếu 0,25 điểm. Chưa bao giờ nó khao khát số điểm ít ỏi này đến thế. Thiếu 0,25 điểm nó không có tên trong danh sách học sinh đỗ trường công lập. Nó như rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng.

Mẹ thở dài, bố thở dài, em gái nó nem nép không dám thở mạnh. Không khí gia đình nó như có tang.

“Không lo học, giờ thấy hậu quả chưa con”? Nói rồi mẹ đứng lên. Bố không nói chỉ lẳng lặng bỏ đi, khác hoàn toàn cái cảnh háo hức mấy chục giây trước, khi bốn cái đầu chụm lại để xem điểm chuẩn của trường cấp ba nó dự thi.

Có tiếng xe của bố vù đi. Tiếng mẹ quát em gái. Có lẽ bố mẹ quá buồn nên mặc nó một mình vùng vẫy trong cảm giác tuyệt vọng. Nó vẫn ngồi trơ trước màn hình vi tính. Nó đang trải qua cảm giác khủng khiếp nhất trong 15 năm cuộc đời mình.

Sao kết quả lại thế này?. Có phải nó không lo học như lời mẹ nói không?. Thầy cô bạn bè luôn tin tưởng vào khả năng học tập của nó, nó là đứa học khá tốt cơ mà. Giờ thì cả lớp có một mình nó trượt kỳ thi vào 10 công lập.

Nó đối mặt với thầy cô, bạn bè thế nào đây? Nó còn dám ngẩng mặt nhìn ai nữa? Giá như nó đừng ham chọn trường tốp đầu. Giá như mấy ngày gần thi nó nghe lời dặn dò của cô chủ nhiệm “hãy nghỉ ngơi đừng cố học”. Giá như trước khi đi thi nó không tự ép mình phải xem lại lần nữa thì đầu nó đã không quay cuồng đến mức phải xin hỗ trợ y tế trong lúc thi.

Càng nghĩ nó càng trách bản thân. Mắt nó hoa lên bởi những tin nhắn nhảy nhót của bạn bè trên nhóm lớp. Nó ôm đầu. Một hồi lâu nó đứng lên, chân loạng choạng, cổ khát khô, nó bước ra cửa.

Đi đâu? Chưa biết. Lúc này nó chỉ muốn được giải thoát, muốn được lãng quên tất cả. Nó chạm mẹ ở bậc cửa, mẹ xoay người tránh. Mẹ không nói nhưng sao tim nó nhói đau. Nó thất thểu bước, đầu óc trống rỗng. Bỗng cánh tay nó bị níu lại:

- Anh đi đâu? Anh đừng thế này em sợ lắm. Tiếng mếu máo của đứa em gái kém một tuổi khiến nó bừng tỉnh.

“Anh trượt thi vào 10”. Giọng nó đắng đót. Thở hắt ra và nó thấy ngực bớt căng tức, nó không phải đưa tay giữ ngực nữa. Dường như câu nói khó chấp nhận nhất nó đã nói ra được nên dễ thở hơn.

- “Không sao mà. Anh đến rút hồ sơ nộp vào trường ngoài công lập, trường trung cấp nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố này thiếu gì trường để anh học”. Con bé vẫn mếu máo. Nó níu chặt tay anh, giọng quả quyết: “Học ở trường công lập không phải là con đường duy nhất. Còn nhiều con đường khác cho anh lựa chọn”.

Em gái nó luôn lạc quan như vậy. Năm tới, con bé cũng vào học lớp 9 nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ áp lực trước kỳ thi chuyển cấp.

“Em có hiểu tâm trạng của một đứa được đánh giá cao trong mắt thầy cô và bạn bè giờ lại là đứa duy nhất trong lớp trượt vào 10 không? Em thấy cảm xúc của bố mẹ chưa? Tim anh nhói đau khi lướt qua mẹ đấy. Bố mẹ đã kỳ vọng về anh vậy mà anh khiến bố mẹ thất vọng”. Những ý nghĩ này chỉ ở trong đầu mà nó không thể nói ra. Với nó, lời nào thốt ra bây giờ cũng khó nhọc.

Cái kéo tay của đứa em gái đã ngăn bước chân vô thức của nó. Nó quay lại phòng riêng. Em gái lẽo đẽo theo sau. Nó đóng sầm cửa, con em khựng lại. Im lặng. Một lúc bước chân của em gái nó mới rời đi.

Ngồi một mình trong phòng, nó tỉnh táo hơn để nhận ra sự thật đau đớn này. Nó bắt đầu nghĩ đến lời của em gái: “Học trường ngoài công lập, học trung cấp nghề hay học ở trung tâm giáo dục thường xuyên?”. Nó chỉ nghĩ được đến đấy, đầu óc lại quay cuồng.

Những ngày tiếp theo, nó né tránh tất cả. Nó không nghe điện thoại, không đọc tin nhắn của bất kỳ ai. Nó láng máng thấy cô chủ nhiệm gọi cho mẹ nhưng nó cũng không hỏi và mẹ cũng không nói.

Mẹ bảo: “Học ở đâu cũng được. Đi rút hồ sơ mà nộp kẻo muộn”. Nó không còn nhói đau trước khuôn mặt không cảm xúc của mẹ nữa nhưng lại thấy tổn thương khi nghe bố nói: “Học nghề con ạ. Ra đời kiếm cái nghề mà sống, chứ học nữa cũng không đỗ đạt được”.

Chỉ có em gái vẫn xăm xắn tìm hiểu thông tin để giục nó đi nộp hồ sơ xét tuyển. Em bảo: “Trường trung học phổ thông dân lập chất lượng tuyển đủ chỉ tiêu rồi. Trường chưa đủ chỉ tiêu thì chất lượng kém, học phí cao. Trung cấp nghề không phù hợp với anh. Theo em, anh hãy nộp hồ sơ học ở trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Em tìm hiểu thấy học ở đó khá tốt, học phí như trường phổ thông công lập, phù hợp với điều kiện nhà mình. Anh có thể tập trung học để đạt được ước mơ thi đỗ đại học quân sự”.

truyen ngan diem tua tu me cha (1).jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Đứa em vẫn thao thao, còn nó thì chẳng thiết nghĩ gì. Trượt kỳ thi chuyển cấp vào 10 công lập đã vùi dập cả ước mơ sau này vào trường đại học quân sự.

Có lúc nó nghi ngờ sức học của bản thân và cho rằng lời của bố rất đúng: “Có học cũng không đỗ đạt được”.

Hôm đi rút hồ sơ, em gái nó xung phong đi cùng. May mà những ngày này nó có em gái bên cạnh động viên, an ủi. Con bé kém một tuổi nhưng kỹ năng sống hơn hẳn anh.

“Việc gì phải ngại”, câu ấy con bé đã gắt lên nhiều lần khi thấy nó có ý lẩn tránh những ánh mắt xung quanh. Cơ duyên của nó với trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh bắt đầu từ đó. Nó chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình.

***

Đó là câu chuyện của Sinh cách đây 5 năm. Mỗi khi mùa thi đến lại nhắc Sinh nhớ những ngày tháng ấy. Giá ngày đó Sinh hiểu bước lên mỗi bậc học chỉ là một chặng đường trên hành trình tích lũy tri thức thì khi thi trượt vào 10 trường công lập Sinh đã không đau khổ đến mức tuyệt vọng như thế.

Mỗi mùa thi Sinh luôn muốn nhắn nhủ đến các sĩ tử: “Cánh cửa này khép lại sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Không có con đường nào là duy nhất, chỉ cần bạn đủ quyết tâm, tin vào bản thân thì bước đi nào cũng là bước mở đầu trên con đường đến đích”.

Cái nắng của mùa Hè dội xuống con đường trải nhựa hầm hập. Sinh cố rảo bước thật nhanh để về nhà.

Hôm nay là ngày nghỉ đầu tiên trong kỳ nghỉ phép 10 ngày của anh. Khoác trên mình bộ quân phục, vai đeo ba lô trông Sinh thật rắn rỏi. Từ trạm xe buýt về nhà anh hơn một cây số, Sinh luôn chọn cách đi bộ để rèn luyện thể lực. Anh tự nhủ mình là người lính chả lẽ không vượt qua chút thử thách nhỏ xíu này.

Về đến nhà, Sinh đẩy cửa bước vào, bố mẹ đã ngồi bên mâm cơm chờ sẵn. Thấy anh, mẹ vội đứng dậy đỡ chiếc balo, miệng xuýt xoa:

- Nắng thế này mà không nhờ xe ôm chở về đi bộ chi cho vất vả.

Bố ngắt lời mẹ:

- Nhằm nhò gì, lính phải dầm mưa dãi nắng mới cứng cáp được.

Sinh thấy vui trước sự quan tâm của bố mẹ nhưng vẫn không quên hỏi: Lan chưa về hả mẹ?

- Chưa. Em gọi điện bảo còn dạy ca chiều nên về muộn.

Lan, em gái anh đã học năm thứ nhất đại học ngoài Hà Nội, nó hẹn với Sinh hôm nay sẽ về. Nó năng động nên nhận gia sư ngay từ năm đầu để lấy kinh nghiệm và cũng trang trải phần nào chi phí học tập đỡ đần bố mẹ.

Sinh may mắn thi đỗ trường đại học quân sự nên bố mẹ không phải tốn tiền nuôi ăn học. Việc Sinh thi đỗ trường đại học mà anh mơ ước, khiến bố mẹ vô cùng tự hào. Sinh biết bố mẹ luôn đặt niềm tin vào anh nên thường khó chấp nhận những thất bại của anh.

Bố mẹ có biết rằng, nhờ lần thất bại đầu đời ấy mà Sinh quyết tâm, nỗ lực để đạt được mơ ước của mình. Thất bại sẽ đem lại giá trị nếu ta biết biến thất bại thành động lực. Tiếc là, suy nghĩ này, một cậu con trai non nớt vừa học hết lớp 9 như Sinh lúc ấy chưa hiểu được.

Mỗi mùa thi sẽ có nhiều cô cậu học trò non nớt, tuyệt vọng trước thất bại đầu đời giống như Sinh năm ấy, anh mong rằng các bậc cha mẹ hãy là điểm tựa cho con của mình, tránh để các em đơn độc đối mặt với thất bại của bản thân.

Tiếng sụt sịt ngoài phòng khách đánh thức giấc ngủ trưa của Sinh. Anh bước ra ngoài thấy cô Nga, một người mẹ đơn thân, rất thân thiết với mẹ đang ngồi đó, mặt buồn rười rượi.

Trông thấy Sinh, cô quay mặt đi lau vội những giọt nước mắt lăn dài. Chẳng chờ Sinh lên tiếng, mẹ đã mau mắn: “Không phải trông gương ai, cứ nhìn thằng Sinh. Nó có học công lập đâu mà vẫn đỗ đạt. Sinh viên năm thứ hai trường đại học quân sự đấy”.

Giọng mẹ đầy tự hào rồi mẹ quả quyết: “Không sao cả, không vào được trường công lập, đăng kí cho con học ở trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh giống thằng Sinh. Học ở đâu cũng được, quan trọng là ở mình”.

Sinh mỉm cười với sự quả quyết của mẹ. Dường như mẹ không muốn cô Nga mắc phải sai lầm giống mẹ năm xưa. Mẹ động viên, mẹ an ủi cô Nga rồi như sực nhớ ra điều gì, mẹ hỏi trong hoảng hốt: “Thằng Đạt đâu? Nó biết không đỗ cấp ba chưa?”.

Ngỡ ngàng trước sự hoảng hốt của mẹ, cô Nga hỏi ngược lại:

- Cháu biết rồi. Sao thế chị?

- Em về đi, về động viên con lạc quan lên. Không được buồn chán trước mặt con. Hãy là chỗ dựa cho con lúc này. Đừng để con tuyệt vọng.

Giọng cô Nga não nề: “Lúc em dắt xe đi, cháu nó vẫn nhốt mình trong phòng”. Chợt hiểu ra sự lo lắng của mẹ, cô choàng dậy, lo sợ, bật khóc: “Hu hu… Đạt con ơi, mẹ về với con đây”. Rất nhanh, tiếng xe của cô đã ra khỏi cổng, mẹ chạy với theo căn dặn: “Nhớ nhé còn nhiều trường để con lựa chọn”.

Mười ngày phép đã hết, Sinh vui vẻ khoác balo lên trường. Anh nhất quyết từ chối lời đề nghị “đưa ra bến xe buýt” của bố. “Lính phải biết dầm mưa dãi nắng”, Sinh nhắc lại lời bố hôm nào khiến ông phải nhượng bộ trước sự kiên quyết của con trai.

Có lẽ buổi sáng hôm nay là buổi sáng mát lành hiếm hoi trong mùa Hè oi bức. Sinh thong thả bước đi.

Tiếng còi xe máy bấm liên hồi phía sau khiến Sinh phải ngoảnh lại. Cái Lan, em gái Sinh, nó đang đèo thằng Đạt con cô Nga đi nộp hồ sơ vào trường trung cấp nghề. Thằng Đạt sau khi nghe chị Lan phân tích thì bảo: “Em muốn học trường trung cấp nghề để sớm có nghề ổn định đỡ đần mẹ”.

Cái Lan được mẹ và cô Nga tin tưởng giao luôn nhiệm vụ chở thằng Đạt đi nộp hồ sơ. Hai chị em cứ lẽo đẽo theo Sinh một đoạn dài đến lúc Sinh phải giục đi trước để nộp cho sớm, chúng mới rời đi.

Sinh xốc lại ba lô, nó hơi nặng vì chứa lỉnh kỉnh quà của mẹ gửi cho anh em học viên trong phòng. Hôm nay trời dịu lại thêm ý chí được tôi luyện nên dù ba lô nặng, Sinh không cảm thấy mệt mỏi. Nhìn theo cái dáng nhỏ bé của thằng Đạt ngồi phía sau Lan, Sinh tin rằng mùa Hè này là mùa dịu mát, cái dịu mát đem đến từ lòng người, từ suy nghĩ lạc quan trước mỗi kết quả thi của học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ